Một bài tập sút khá lạ lùng của Bayern Munich để tuân thủ quy định giãn cách - Ảnh: REX
Ngày 21-4, ban tổ chức Serie A (Ý) đưa ra thông báo: "Hội đồng Lega Serie A đã tổ chức một cuộc họp để xác nhận ý định hoàn thành mùa giải 2019-2020 nếu được sự cho phép của chính phủ". Tuy quyết định này cần được thông qua, nhưng ít nhất phương án hủy bỏ mùa giải đã không còn đe dọa như cách đây vài tuần lễ.
Chuẩn bị cho việc trở lại
Cùng thời điểm với Serie A là La Liga (Tây Ban Nha) cũng đưa ra một quyết định liên quan đến việc tiến hành trở lại mùa giải. Cụ thể, LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) đồng ý cho phép các CLB tổ chức tập luyện trở lại lần đầu tiên kể từ khi giải đấu phải tạm hoãn vô thời hạn kể từ giữa tháng 3.
RFEF cho biết quyết định này đã được Bộ Y tế Tây Ban Nha đồng ý. Trước đó, các CLB ở Bundesliga (Đức) cũng đã tập luyện trở lại. Còn ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) tuy chưa ấn định ngày trở lại nhưng đã đưa ra cam kết sẽ hoàn thành mùa giải năm nay.
Những động thái mở cửa trở lại cũng xuất hiện ở châu Á, với việc Hàn Quốc cho phép các CLB trở lại tập luyện trong sân bóng không khán giả. Trong khi đó, Giải vô địch Đài Loan đã khai mạc mùa giải mới cách đây một tuần.
Không đồng thuận
Điều đó liệu có nghĩa bóng đá đã hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của đại dịch? Không hẳn, khi mà bản thân các CLB mâu thuẫn với nhau về quyết định tiến hành phần còn lại của mùa giải, trong đó nặng nề nhất là Serie A. Hãng tin AFP cho biết có đến 7 CLB ở Serie A gồm Brescia, Torino, Sampdoria, Udinese, SPAL, Genoa và Cagliari phản đối quyết định này.
Phần lớn những đội bóng này đến từ miền bắc nước Ý, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Họ cho rằng việc Serie A "cố đấm ăn xôi" sẽ mang đến "những thiệt hại không thể đong đếm nổi".
Sự mâu thuẫn cũng tồn tại ở các giải đấu khác. Kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, nhiều quan chức của một số CLB ở Premier League đã kêu gọi hủy bỏ mùa giải, điển hình là nữ phó chủ tịch Karren Brady của West Ham.
Làn sóng ủng hộ bà Brady khi đó còn lan rộng, đến khi xuất hiện thông tin về việc các đội bóng cùng ban tổ chức Premier League có thể phải đền bù 1/4 tiền bản quyền truyền hình mùa giải năm nay nếu mùa giải bị hủy bỏ.
Bên cạnh bản quyền truyền hình, các đội bóng sẽ còn chịu nhiều thiệt hại nặng nề khác về tài chính.
Vội vã vì sức ép tài chính
Sức ép tiền bạc khiến LĐBĐ châu Âu (UEFA) và ban tổ chức các giải đấu hàng đầu dường như hơi vội vã trong việc sớm "bật đèn xanh" cho ngày trở lại. Hồi đầu tháng 4, Giải vô địch Bỉ ra quyết định kết thúc mùa giải sớm. Sau khi nhận sự chỉ trích từ UEFA, mới đây ban tổ chức Giải vô địch Bỉ đã phải thông báo tạm hoãn quyết định ngừng mùa giải của mình. Các bác sĩ ở Bỉ thậm chí còn đưa ra lời khuyên cầu thủ nước này nên mang khẩu trang nếu phải vào sân thi đấu thời điểm này.
Hôm nay (23-4), UEFA sẽ tiến hành thêm một cuộc họp nữa để bàn về việc tiếp diễn phần còn lại của mùa giải. Và dù chọn phương án nào, họ dường như vẫn chọn cách mạo hiểm sức khỏe cầu thủ, thay vì mạo hiểm các vấn đề tài chính.
Bundesliga làm nghiêm để đảm bảo an toàn
Đóng cửa với khán giả chắc chắn là phương án được UEFA và các giải đấu lớn của châu Âu lựa chọn.
Không chỉ vậy, các đội bóng Đức còn đưa ra nhiều giải pháp nghiêm ngặt để đảm bảo CĐV sẽ không tụ tập ngoài sân bóng. Còn trong sân, sẽ chỉ có tổng cộng 126 người được vào sân, với 8 thành viên ban huấn luyện mỗi đội.
Số lượng các cậu bé nhặt bóng cũng bị giảm từ 12 còn 4, và số nhân viên an ninh từ 300 còn 30. Thay vào đó sẽ có 50 nhân viên đứng ngoài sân để đảm bảo người hâm mộ không được vào sân.
Ngoài ra, các buổi tập luyện còn được thực hiện theo nhiều hình thức lạ lẫm để tránh việc tiếp xúc quá gần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận