13/07/2020 10:57 GMT+7

Các bí thư tỉnh ủy nói gì khi mình không là người địa phương?

ĐỨC BÌNH ghi
ĐỨC BÌNH ghi

TTO - Là người mới về địa phương, được kỳ vọng và cũng mong muốn được phục vụ, đó cũng là thách thức của các bí thư tỉnh ủy được luân chuyển. Họ chia sẻ gì?

Các bí thư tỉnh ủy nói gì khi mình không là người địa phương? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khắc Định - bí thư Tỉnh ủ y Khánh Hòa - thăm người dân phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa trong cơn bão số 6 tháng 11-2019 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ông Bùi Văn Cường (bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk):

Chọn đúng cán bộ để địa phương phát triển, dân được nhờ

Đây là một chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành trung ương nhằm thúc đẩy các địa phương phát triển, chống cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ và góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước.

Việc bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm chỉ đạo, song trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng đã được quan tâm đẩy mạnh.

Điều này giúp cán bộ được tăng cường về địa phương có điều kiện cọ xát với thực tế, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân, của hệ thống chính trị ở địa phương để phản ánh với trung ương và khi về trung ương sẽ tham mưu chính sách sát với nguyện vọng của người dân.

Ngoài ra, luân chuyển cũng tạo môi trường để cán bộ trung ương rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, thân quen, không khách quan công minh trong mọi công việc.

Các bí thư tỉnh ủy nói gì khi mình không là người địa phương? - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Cường

Thực tế các bí thư luân chuyển này đều phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo được những chuyển biến tích cực ở địa phương và giải quyết bức xúc trong nhân dân. Một số nơi còn khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ kéo dài...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ trương này vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể, hiện chưa có cơ chế quy định về bố trí nhà công vụ và chính sách đi lại thăm gia đình, không có quy định bố trí công việc cho vợ hoặc chồng đi cùng để yên tâm công tác... 

Chưa kể bí thư từ nơi khác đến bị hạn chế về sự thông hiểu địa bàn, tập quán nên bước đầu có bỡ ngỡ.

Với vị trí một bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương, điều tôi mong muốn nhất là làm sao cho dân giàu, tỉnh mạnh tương xứng với tiềm năng lợi thế, nung nấu làm sao chọn đúng cán bộ có tâm, có tầm để địa phương, ngành phát triển, dân được nhờ như ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Lâm Thị Phương Thanh (bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn):

Cần ủng hộ của địa phương, hỗ trợ của trung ương

Bí thư cấp ủy nào cũng phải am hiểu địa bàn và có tầm nhìn chiến lược, có khả năng quy tụ, đoàn kết và phát huy sức mạnh của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị vì mục tiêu chung. Tuy nhiên, nếu không phải người địa phương sẽ không hoặc rất ít phải chịu áp lực từ tác động, chi phối của các mối quan hệ họ hàng, thân thuộc. 

Đối với văn hóa Việt Nam, đây cũng là thuận lợi lớn.

Bằng cái nhìn của người không phải người địa phương nên bí thư phải tìm hiểu kỹ, khám phá vùng đất mới, có thể sẽ có cái nhìn mới, phát hiện mới từ những điều tưởng chừng quá quen thuộc và đôi khi bị bỏ qua với người địa phương.

Các bí thư tỉnh ủy nói gì khi mình không là người địa phương? - Ảnh 3.

Bà Lâm Thị Phương Thanh

Khó khăn là phải nắm bắt, tiếp cận nhanh để chỉ đạo trúng, kịp thời vì sự phát triển thì không ngừng và không chờ đợi. Địa bàn đặc thù (miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số chiếm trên 80% như Lạng Sơn) đó là thách thức không nhỏ.

Bằng sự nhạy bén, tâm huyết, khách quan, dân chủ, vì lợi ích chung và có phương pháp phù hợp, cán bộ đảng viên và nhân dân sẽ tin tưởng. Dân mình bây giờ nhiều thông tin và tinh lắm.

Thực hiện việc bí thư không phải người địa phương là quá trình đào tạo cán bộ hiệu quả qua môi trường thực tiễn. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực rèn luyện không ngừng của cá nhân người bí thư, vì những thuận lợi nêu trên chỉ là bước đầu.

Bên cạnh đó, cần những cơ chế đồng bộ khác theo quy định của Đảng để kiểm soát quyền lực. Cần sự ủng hộ của địa phương và cũng rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của trung ương. Cụ thể là sự theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ khi gặp phải vấn đề khó, nhất là về vấn đề nội bộ trong thời gian đầu; công tác định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ.

Thời gian vừa qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương và các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng đã rất chú trọng vấn đề này.

Chủ trương bí thư không phải người địa phương đang được thực hiện khá tốt và phát huy hiệu quả ở các cấp. Ở Lạng Sơn, sau đại hội cấp huyện, có 9/11 bí thư và 9/11 chủ tịch UBND huyện không phải người địa phương, tạo được sự ủng hộ và đồng thuận lớn của nhân dân.

Ông Nguyễn Khắc Định (bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa):

Tuyệt đối tránh tâm lý sợ sai

nguyen khac dinh 1

Ông Nguyễn Khắc Định

Năm 2019, nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao của tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật nặng, bị cách chức do những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành.

Ngày 19-10-2019, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Khắc Định - ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ, giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Sau khi nhận nhiệm vụ mới, trong bài viết trên báo xuân của báo Khánh Hòa, ông Định khẳng định rằng cấp ủy Đảng vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vừa khẩn trương khắc phục những sai phạm, khuyết điểm mà các cơ quan trung ương đã kết luận.

"Cần xác định tâm thế có sai sót thì phải chủ động khắc phục một cách tích cực, tuyệt đối tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám làm. Coi đó là bài học để quyết tâm đổi mới, vươn lên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ" - ông Định khẳng định.

Ông Định cũng nói rằng cán bộ là gốc của mọi vấn đề, do đó một trong những nhiệm vụ mà ông cùng tập thể Tỉnh ủy Khánh Hòa ưu tiên là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trong sạch, vững mạnh, được lòng tin của nhân dân.

"Khi nhân dân đã ủng hộ thì mọi thứ sẽ thành công" - ông Định nói.

DUY THANH

Nhiều thử thách cho bí thư không là người địa phương Nhiều thử thách cho bí thư không là người địa phương

TTO - Nhiều tỉnh vừa thành có tân bí thư, trong đó không ít người được điều động đến. Không phải người địa phương, ít bị chi phối bởi các yếu tố 'quan hệ', 'hậu duệ', làm việc khách quan hơn. Nhưng cũng khó tránh khỏi những 'va chạm' và bị bao vây..

ĐỨC BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên