13/07/2020 09:52 GMT+7

Nhiều thử thách cho bí thư không là người địa phương

ĐỨC BÌNH - HÀ QUÂN thực hiện
ĐỨC BÌNH - HÀ QUÂN thực hiện

TTO - Nhiều tỉnh vừa thành có tân bí thư, trong đó không ít người được điều động đến. Không phải người địa phương, ít bị chi phối bởi các yếu tố 'quan hệ', 'hậu duệ', làm việc khách quan hơn. Nhưng cũng khó tránh khỏi những 'va chạm' và bị bao vây..

Nhiều thử thách cho bí thư không là người địa phương - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Văn Phúc

PGS.TS Vũ Văn Phúc, phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, cũng là người từng được luân chuyển giữ chức phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, đã "đúc kết" như trên khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ.

Ông Phúc nói:

- Những người được luân chuyển đã được Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiệm vụ nên sẽ toàn tâm toàn ý hơn. Bản thân họ phải cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Ở góc độ nào đó, tự họ biết nếu làm tốt vị trí này sẽ có những triển vọng tương lai tốt hơn.

Chạy luân chuyển” là có và vẫn có, nhưng giờ kín đáo hơn, tinh vi hơn.

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC

Bộ máy sẽ mạnh hơn...

* Theo ông, những thuận lợi nổi bật nếu bí thư tỉnh, thành ủy không phải người địa phương là gì?

- Là một cán bộ hoàn toàn mới với địa phương, họ có điều kiện, khả năng để đánh giá, nhìn nhận mọi công việc, vấn đề của địa phương một cách khách quan, không bị ràng buộc các quan điểm của thế hệ lãnh đạo cũ. Họ cũng không bị ràng buộc bởi quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xã, nhóm lợi ích cũ nên có thể đưa ra những quyết sách vô tư hơn, cái gì có lợi cho địa phương thì quyết.

Giải quyết mọi việc vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân sẽ được đa số cán bộ đảng viên, nhân dân, nguyên lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Từ nơi khác đến, nhiều người xa gia đình nên có nhiều thời gian hơn để đi sâu, đi sát cơ sở.

* Nhưng vẫn có những khó khăn, thưa ông?

- Do chưa nắm địa bàn cho nên họ dễ bị chi phối bởi ý kiến những người tiếp xúc đầu tiên với mình. Tình hình ban đầu ấy thường tạo "dấu ấn sâu đậm", không cẩn thận dễ bị các dấu ấn chi phối.

Thứ hai, bí thư tỉnh, thành ủy không phải người địa phương khi làm quyết liệt, làm đúng vì lợi ích chung thường bị phản ứng bởi một số người, một số nhóm nếu lợi ích của họ bị vi phạm, như vậy là nảy sinh va chạm...

Thực tế, có một số nhóm người bên ngoài nghe theo và hứa quyết tâm làm nhưng bên trong ngấm ngầm làm khác, không làm theo, mà theo chỉ đạo ông khác, hoặc làm theo lợi ích mà người bí thư tỉnh ủy không kiểm soát được dù bí thư có công cụ trong tay là ban tổ chức tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy...

Có trường hợp, bí thư chỉ đúng, nhưng vì "va chạm" với nhóm lợi ích nên khi lấy phiếu tín nhiệm hay ra đại hội thì phiếu thấp. Ngược lại, cũng có bí thư luân chuyển được 100% phiếu.

Nhưng có cá nhân không ca ngợi cái anh 100% phiếu này, vì với tư cách nhà khoa học chẳng hạn, tôi thấy 100% phiếu ở đại hội thì bản thân anh có thể là người cơ hội, không làm đúng chức trách, chạy phiếu, lấy lòng người khác.

Nhiều thử thách cho bí thư không là người địa phương - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn xã Chính Lý, huyện Lý Nhân - Ảnh: TTXVN

* Và đó cũng là những gì ông từng trải qua khi được điều động làm phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên?

- Hầu hết cán bộ luân chuyển đều gặp và phải đối mặt với những điều này. Khi được phân công về Phú Yên, do thứ bảy, chủ nhật được nghỉ nên bằng xe máy tự mua, tôi đi đến khắp hang cùng ngõ hẻm của địa phương. Nắm tình hình thế chắc hơn, chứ nhiều lúc nghe tham mưu không chính xác, nhiều khi tham mưu lồng lợi ích nhóm này, nhóm khác.

Phải vượt lên những cám dỗ

* Theo ông, bí thư tỉnh ủy không là người địa phương phải là người thế nào, cần tiêu chuẩn, điều kiện gì?

- Bí thư thành ủy, tỉnh ủy không phải người địa phương phải là người bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Họ phải chấp nhận một số hi sinh, có thể bị phiếu tín nhiệm không cao.

Bí thư thành ủy, tỉnh ủy luân chuyển bị tiếp cận, bao vây rất chặt bởi nhiều nhóm lợi ích và doanh nghiệp. Bản thân cán bộ phải vượt lên cám dỗ vật chất và tinh thần mới đứng vững được, nếu không sẽ bị gục ngã bởi đồng tiền và nhiều thứ khác.

Doanh nghiệp sẵn sàng đưa một cục tiền, sẵn sàng bố trí vợ con, người nhà đi du lịch, rồi biếu anh nhà cửa, xe cộ...

* Như ông nói, luân chuyển sẽ có cơ hội thăng tiến. Không ít người vẫn có tư tưởng "chạy luân chuyển"? Vậy chống "chạy" bằng cách nào?

- Tôi khẳng định "chạy luân chuyển" là có và vẫn có, nhưng giờ kín đáo hơn, tinh vi hơn. Thực tế, một số người muốn đi luân chuyển nhưng chưa đi được.

Vì vậy, Ban Tổ chức trung ương phải công tâm, khách quan, minh bạch. Ví dụ lựa chọn 1 vị trí bí thư thì phải đề xuất 4-5 trường hợp để Bộ Chính trị chọn. Bản thân cán bộ cũng phải hết sức trong sáng, toàn tâm toàn ý trong cương vị làm hết sức mình, tổ chức Đảng sẽ đánh giá và lựa chọn.

Đối mặt những "bủa vây"

"Tôi cũng phải đối mặt với những "bủa vây" quanh mình. Đơn giản, chỉ là chiều cuối tuần, thảnh thơi ra ven biển uống cà phê cho thư thái, chọn góc rất kín ngồi riêng nhưng khi đứng dậy tính tiền thì lễ tân bảo có người trả rồi.

Hay khi hỏi thăm một nhân viên văn phòng xem nhà ở đâu thì chị này cười bảo "nhà em thứ bảy, chủ nhật nào anh chẳng đi qua để đến quán cơm". Thì ra cũng bị "dõi theo".

Đó là những chuyện rất nhỏ. Nhưng nếu mình không dứt khoát để thay đổi quán cà phê, thay đổi chỗ ăn cơm, chắc sẽ bị tiếp cận, và ai biết đằng sau những cuộc gặp gỡ ngày cuối tuần sẽ là gì.

Nếu mình "yếu" sẽ bị đánh gục ngay, không chỉ là ly cà phê bên quán vỉa hè, quán cơm bụi nữa mà là những cuộc ăn nhậu tại những nơi sang trọng và những gì đằng sau bữa nhậu đó thì không ai biết được" - PGS.TS Vũ Văn Phúc nói về thời điểm ông làm phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên những năm 2008 - 2010.

Cần cán bộ “đi dân nhớ, ở dân thương”

Đã có cán bộ luân chuyển tạo được làn gió mới. Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cần hết sức tránh những người chỉ “nín thở qua cầu”.

Ông Bùi Văn Tiếng (nguyên trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng):

Không thể chỉ vì thăng tiến của bản thân

bui van tieng 6(read-only)

Ông Bùi Văn Tiếng

Thời gian đầu những cán bộ không phải người địa phương có thể còn "lạ nước lạ cái", nhất là tình hình thực tế về cán bộ. Từ đó, họ dễ có khả năng bị cô lập trong công vụ, đặc biệt trong bối cảnh người đứng đầu cấp ủy dẫu quyền lực mấy cũng chỉ có một phiếu khi quyết định theo tập thể, số đông...

Tuy nhiên, thuận lợi hay khó khăn của bí thư thành ủy, tỉnh ủy không quá phụ thuộc vào việc người ấy là người địa phương hay không, mà chủ yếu phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo và đạo đức công vụ của chính họ.

Nếu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lựa chọn được những cán bộ thực sự có tài có đức, có tâm có tầm, nhất định sẽ được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đồng thuận, ủng hộ. Nhờ vậy chắc chắn họ sẽ vượt qua được không ít khó khăn trong thực thi công vụ.

Cán bộ có tài có đức, có tâm có tầm cần đặt sự phát triển của địa phương được luân chuyển đến lên trên sự thăng tiến công vụ của mình.

Không để tự mình phát sinh tâm lý nôn nóng "đi lên" hoặc tâm lý "nín thở qua cầu", từ đó mới phát huy được lợi thế của người mới đến để đổi mới đột phá, tránh những hạn chế dễ mắc phải của đồng cấp là người địa phương như cục bộ bè phái, chạy theo lợi ích nhóm...

Tôi mong rằng lần này Đảng ta sẽ nói "không" với hiện tượng "chạy luân chuyển", nói "không" với những kẻ chỉ xem việc được luân chuyển về địa phương làm người đứng đầu cấp ủy tỉnh, thành phố đơn thuần là "tấm giấy thông hành" để được trở thành ủy viên trung ương.

Cần tránh những người chỉ biết đặt mục tiêu thăng tiến công vụ của bản thân lên trên phong trào cách mạng và sự phát triển của địa phương, vì sự phát triển của địa phương là sự nghiệp của cả triệu người chứ không phải chỉ của một người.

Tôi cũng mong nếu được, nên có sự tương thích một/một: địa phương nào đón nhận người luân chuyển đến sẽ đồng thời có người được luân chuyển đi địa phương khác - đương nhiên phải chọn người có tài có đức, có tầm. Mong các đồng chí trong diện được luân chuyển được "đi dân nhớ, ở dân thương".

HỮU KHÁ ghi

Ông Lê Văn Hữu (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên):

Phải tạo được quyết sách

le van huu 4(read-only)

Ông Lê Văn Hữu

Tỉnh Phú Yên cũng có cán bộ được trung ương điều động về làm lãnh đạo. Đó là tháng 8-2018, ông Phạm Đại Dương - thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ - được Ban Bí thư luân chuyển, chỉ định tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, một thời gian sau đó ông được bầu làm chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đến nay.

Qua theo dõi gần hai năm sau khi về giữ chức chủ tịch UBND tỉnh, ông Dương đã tạo được nhiều chuyển biến, nhất là trong cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, phát triển kinh tế du lịch mạnh mẽ hơn, góp phần tạo luồng gió mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khi trung ương điều động, luân chuyển một cán bộ từ trung ương về làm lãnh đạo ở một địa phương là có mục đích mong muốn người cán bộ ấy phải là hạt nhân đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi thách thức, giải quyết những tồn tại và khiếm khuyết mà người lãnh đạo ở địa phương chưa làm được.

Người cán bộ ấy không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ, mà theo tôi phải có những quyết sách đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo; phải tạo được niềm tin vững chắc cho cán bộ, nhân dân ở địa phương mà họ được cử đến làm lãnh đạo.

Nhân dân kỳ vọng người lãnh đạo được trung ương điều động về tỉnh luôn là cán bộ chuẩn mực, nhanh chóng nắm bắt mọi vấn đề của địa phương, quyết liệt trong chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; giải quyết được những tồn tại, khiếm khuyết mà những vị tiền nhiệm trước đó không hoặc chưa xử lý được.

DUY THANH ghi

Giám đốc công an không là người địa phương: Cần nhân rộng ra các ngành khác Giám đốc công an không là người địa phương: Cần nhân rộng ra các ngành khác

TTO - Trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến. Đây không nên gói thành câu chuyện riêng của ngành công an, mà nên triển khai đồng bộ ở các ngành khác.

ĐỨC BÌNH - HÀ QUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên