29/06/2020 11:30 GMT+7

Giám đốc công an không là người địa phương: Cần nhân rộng ra các ngành khác

NGỌC HÀ - DUY THANH - H.MI
NGỌC HÀ - DUY THANH - H.MI

TTO - Trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến. Đây không nên gói thành câu chuyện riêng của ngành công an, mà nên triển khai đồng bộ ở các ngành khác.

Giám đốc công an không là người địa phương: Cần nhân rộng ra các ngành khác - Ảnh 1.

Đoàn xe tải nặng bị lực lượng Công an Đồng Nai yêu cầu dừng xe kiểm tra rạng sáng 15-4 - Ảnh: M.T.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - chia sẻ quan điểm với Tuổi Trẻ như trên về chủ trương bố trí giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương.

"Các tân giám đốc công an từ nơi khác về thường có quyết tâm cao, lại chưa phải đối diện với những tác động "thân hữu", "cánh hẩu" nên thuận lợi hơn trong triển khai các chủ trương công tác. Nhưng quan trọng phải giữ được sự quyết tâm, quyết liệt lâu dài.

Thiếu tướng NGUYỄN THANH HỒNG

Cần bản lĩnh để chặn lợi ích nhóm

Ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ việc bố trí giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương là chủ trương được Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an quyết tâm thực hiện thời gian qua. Trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến.

Đặt chân đến nơi mới, khó khăn đã bày sẵn ra trước mắt, cái khó sẽ nhân lên nếu điểm đến là địa phương đang phức tạp về an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hồng cho rằng sự phức tạp nhiều khi đến từ chính tác động của các mối quan hệ giằng níu ở địa phương. Gỡ những lộn xộn ấy ngoài quyết tâm ban đầu, ngoài nghiệp vụ, nỗ lực, rất cần bản lĩnh.

"Tiêu cực xảy ra ở một số nơi vừa qua gắn với những lĩnh vực "nóng" như khai thác tài nguyên - khoáng sản, đấu thầu quyền sử dụng đất, rồi công tác cán bộ... có trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương và cũng có trách nhiệm lãnh đạo công an các cấp. Những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân chắc chắn tới đây sẽ có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, thậm chí có vụ việc tòa sẽ tuyên án" - ông Hồng nói.

Ông cũng nhận định nhiều vụ việc tiêu cực ngày càng phức tạp nhưng chắc chắn là không thể không phát hiện, không xử lý được nếu người đứng đầu không vì lợi ích trực tiếp hay vì các quan hệ lợi ích chi phối.

Như vụ Đường "Nhuệ", phó thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ "có tình trạng bảo kê hay không". Trên diễn đàn Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an cũng từng nói về việc đối tượng phạm tội tìm cách tiếp cận công an và đã có những chiến sĩ không chịu được áp lực, có mối quan hệ để tạo điều kiện, bảo kê, thậm chí hợp tác với tội phạm. 

Còn trên thực tế, theo ông Hồng, nhiều sai phạm đã xác định được sự liên quan đến chính người đứng đầu công an địa phương, ví dụ ở Đồng Nai.

Đã làm được nhiều việc

Sau những vụ lùm xùm và một số lãnh đạo Công an Ðồng Nai bị kỷ luật, cuối tháng 11-2019, đại tá Vũ Hồng Văn - giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk - được Bộ Công an điều động về làm giám đốc Công an Ðồng Nai. 

Sau đó, ông này đã có hàng loạt hoạt động, như chấn chỉnh ngay Phòng cảnh sát giao thông Công an Ðồng Nai vốn tai tiếng trong nhiều năm, xây dựng các tiêu chí để luân chuyển, điều động hàng chục cảnh sát giao thông về phường xã, trong đó có cấp đội trưởng, đội phó. 

Ông Văn cũng phát động ra quân trấn áp tội phạm và nêu trách nhiệm của các chỉ huy, quy trách nhiệm cụ thể nếu để tội phạm, cờ bạc xảy ra trên địa bàn.

Việc điều động, luân chuyển cũng được thực hiện với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ở Công an Biên Hòa, phòng cảnh sát hình sự... Ông Văn đã trực tiếp chỉ huy phá nhiều vụ án "cưỡng đoạt tài sản", "xe vua" và chỉ đạo phá nhiều sòng bạc, cho vay nặng lãi, ma túy... Ông Văn cũng tham dự, chỉ đạo các đại hội Ðảng của công an cơ sở là cấp phòng, cấp huyện và để khuyết bí thư cấp ủy... chờ bổ sung nhân sự.

Sai phạm nghiêm trọng ở một số nơi, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, đã lộ rõ "dấu vết" của một số lãnh đạo không giữ được bản lĩnh, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Có vị làm ngơ, thực hiện không hết chức trách, có vị chịu tác động của các nhóm lợi ích nên bao che, thậm chí tiếp tay khiến những sai phạm dai dẳng, kéo dài.

Các tân giám đốc công an từ nơi khác về thường có quyết tâm cao, lại chưa phải đối diện với những tác động "thân hữu", "cánh hẩu" nên thuận lợi hơn trong triển khai các chủ trương công tác. Nhưng quan trọng phải giữ được sự quyết tâm, quyết liệt lâu dài. "Thiếu bản lĩnh, không dám hi sinh lợi ích trực tiếp của mình thì quyết tâm ban đầu sẽ không thể duy trì như lúc mới vừa nhậm chức" - ông Hồng nói.

Không nên chỉ ở ngành công an

Làm sao để phát huy được chủ trương đúng đắn và đã có hiệu quả trong thực tiễn vừa qua? Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng vấn đề quan trọng và quyết định nhất vẫn là ở cá nhân từng giám đốc công an vừa được điều động, bổ nhiệm vào vị trí công tác mới, địa bàn mới. 

Thứ hai, phải có sự đồng thuận rất cao của tập thể cấp ủy địa phương. Thứ ba, việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện minh bạch, sát sao, là một công cụ phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ xấu từ các mối quan hệ có lợi ích.

Câu chuyện điều động lãnh đạo không phải người địa phương, theo ông Hồng, không nên gói thành câu chuyện riêng của ngành công an, mà nên triển khai đồng bộ ở các ngành khác. Ví dụ tòa án, viện kiểm sát, cùng trong hệ thống tư pháp cũng phải đồng bộ. Người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương, bí thư các tỉnh ủy, thành ủy cũng phải theo chủ trương đồng bộ mới phát huy hiệu quả đến cùng.

Ông Nguyễn Văn Chín (nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên) cũng cho rằng việc luân chuyển, điều động cán bộ công an từ tỉnh này đến làm lãnh đạo công an tỉnh khác là chủ trương cần thiết. Không chỉ công an, mà một số ngành quan trọng khác như tòa án, ủy ban kiểm tra Ðảng cũng cần có người lãnh đạo chủ chốt từ địa phương khác điều động, luân chuyển đến.

Thời phong kiến, không dùng người địa phương trong bổ nhiệm, sử dụng quan lại đã được áp dụng, gọi là "Luật hồi tị". Quan lại không được làm quan ở quê mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. 

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng mục đích để loại bỏ tệ bè phái, ngăn từ xa những yếu tố có thể tác động để sự nghiêm minh trong hoạt động công vụ. Ông nhận định nếu có quyết tâm cao, loại trừ lợi ích nhóm, phe cánh, hiệu quả chủ trương đúng đắn này chắc chắn còn phát huy tốt trong thực tiễn!

Trung tướng Trần Vi Dân (giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân - Bộ Công an):

Cần mở rộng ra trưởng công an cấp huyện

Việc ngành công an thực hiện chủ trương điều động giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương chính là cụ thể hóa công tác cán bộ theo tinh thần nghị quyết của trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

"Việc điều động giám đốc công an tỉnh từ nơi khác đến khiến chính các nhân sự lãnh đạo này chịu nhiều thách thức hơn khi hòa nhập nơi mới, nhưng xét đến cùng lại chính là một cách để bảo vệ cán bộ tốt hơn. Đó là cách giảm thiểu, loại bỏ những tác động không tích cực đến giám đốc công an tỉnh trong việc thực thi trọng trách.

Nói như vậy không có nghĩa là những vụ việc nổi cộm ở một vài nơi vừa qua do người đứng đầu là người địa phương, cũng không thể cho rằng trước đây lãnh đạo công an các tỉnh là người địa phương làm chưa tốt. Vi phạm, nếu có, ai cũng có thể mắc, lãnh đạo không phải người địa phương cũng có thể bị khuyết điểm, sai lầm.

Có người đặt vấn đề vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình được phanh phui phải chăng nhờ chính vào sự thay đổi người đứng đầu công an tỉnh? Nhưng cần hiểu rõ Đường Nhuệ là tội phạm có tổ chức. Với tội phạm có tổ chức, hoạt động quan trọng nhất của chúng là che giấu hành vi phạm tội để không ai biết, hoặc nếu có biết thì khó làm gì được ngay. Vì thế, có những vụ án không thể điều tra ra kết quả ngay được, mà cần có thời gian để bộc lộ.

Thời gian qua, ngành công an đã có những đổi mới tiên phong về tổ chức bộ máy theo tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Cùng với tổ chức bộ máy, ngành có những điều chỉnh về công tác cán bộ cho phù hợp, cả cấp bộ, cấp tỉnh, huyện và xã. Trong đó, "tỉnh mạnh" là mục tiêu xây dựng, củng cố công an tỉnh có đủ sức xử lý các vấn đề trên địa bàn.

Muốn tỉnh mạnh phải tập trung vai trò người đứng đầu. Để đạt được điều đó, giám đốc công an tỉnh phải có điều kiện phát huy được yếu tố tích cực về mặt chủ quan, hạn chế, loại bỏ những cản trở khách quan có thể tác động. Chủ trương này cũng đã đặt ra đối với việc bố trí trưởng công an cấp huyện. (NG.HÀ ghi)

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Đảm bảo minh bạch, chống "chạy" luân chuyển

Gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm khi Bộ Công an có quyết định điều động, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ chủ chốt thuộc công an tỉnh, thành phố. Tôi cho rằng đây là một động thái tích cực, thực hiện đúng theo quyết định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định về luân chuyển cán bộ.

Theo tinh thần của quyết định trên, công tác luân chuyển cán bộ phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen. Quy định cũng nêu rõ một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không được là người địa phương.

Tôi cho rằng các chức danh như bí thư các địa phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện) và giám đốc công an càng không nên bố trí người địa phương.

Để chủ trương luân chuyển phát huy hiệu quả và được xã hội đồng tình, cần kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong luân chuyển cán bộ, nhất là việc "chạy" luân chuyển. Bên cạnh đó, cần kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống, tăng cường cán bộ có năng lực phù hợp cho những nơi khó khăn có nhu cầu; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cục bộ hoặc khép kín trong công tác cán bộ.

Sau thời gian thực hiện cần sơ kết, đánh giá để rút ra bài học, phát huy mặt hiệu quả và chấn chỉnh cái chưa tốt. (MAI HƯƠNG ghi)

Ông Nguyễn Văn Chín (nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên):

Còn cán bộ điều động vẫn "bình bình", thiếu quyết liệt

Theo dõi thời gian qua, cá nhân tôi thấy bên cạnh một số lãnh đạo công an các tỉnh được luân chuyển tạo được dấu ấn trong công tác tấn công, trấn áp tội phạm; cương quyết trong việc làm trong sạch lực lượng đối với những sĩ quan, chiến sĩ dưới quyền có tiêu cực thì cũng có một số tỉnh người đứng đầu ngành công an dù là điều động ở tỉnh khác đến vẫn "bình bình", thiếu quyết liệt.

Bởi vậy, chúng tôi mong rằng chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo ngành công an cấp tỉnh và những ngành khác trong tương lai không nên chỉ làm hình thức, xem như đi "lấy kinh nghiệm" ở tỉnh khác vài năm rồi rút về, thăng chức. Cái cần nhất chính là con người được luân chuyển, điều động đó phải toàn tâm toàn ý vì công việc được giao; phải trăn trở, hết mình, chống tiêu cực đến cùng. Dân cần luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ có tâm, có tầm và có tài, chứ không cần chuyển đến những cán bộ "dĩ hòa vi quý". (DUY THANH ghi)

Tân giám đốc công an đưa loạt chuyên án ra ánh sáng

nguyen thanh truong thuong ta 8(read-only)

Đại tá Nguyễn Thanh Trường - giám đốc Công an tỉnh Thái Bình - chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự tại tổ kiểm tra đặc biệt - Ảnh: T.THẮNG

Theo quyết định của bộ trưởng Bộ Công an, thượng tá Nguyễn Thanh Trường - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) - được điều động, bổ nhiệm giữ chức giám đốc Công an tỉnh Thái Bình vào tháng 11-2019.

Hơn 5 tháng sau, băng nhóm tội phạm hoạt động kiểu xã hội đen tại Thái Bình do vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (biệt danh Đường "Nhuệ") và Nguyễn Thị Dương cầm đầu được đưa ra ánh sáng.

Từ vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 30-3 tại trụ sở Công ty TNHH Đường Dương ở số nhà 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, đến nay hàng loạt hành vi phạm pháp khác của băng nhóm này đã và đang dần được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình "bóc tách" với tinh thần không có vùng cấm.

Trước mắt, với nhiều người dân tỉnh Thái Bình, giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Trường (46 tuổi, quê Hải Dương) đã tạo niềm tin không chỉ ở vụ án liên quan đến băng nhóm Đường "Nhuệ" mà còn hàng loạt chuyên án đấu tranh phòng chống tội phạm như hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải khách qua địa bàn tỉnh Thái Bình; đường dây mua bán súng tự chế liên tỉnh; đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Sơn La về Thái Bình; đường dây mua bán người từ Thái Bình sang Trung Quốc...

Ngày 4-6, thượng tá Nguyễn Thanh Trường nhận quyết định thăng hàm từ thượng tá lên đại tá. (TIẾN THẮNG)

Tân giám đốc Công an tỉnh Long An hứa gì?

cong an 1

Tân giám đốc Công an tỉnh Long An (trái) nhận quyết định điều động, bổ nhiệm của Bộ Công an - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tối 28-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lâm Minh Hồng - tân giám đốc Công an tỉnh Long An - cho rằng khi nhận nhiệm vụ về Long An làm giám đốc thì ông đã hứa trước lãnh đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy - UBND tỉnh Long An là quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương. Điều kiện ở đây như thế nào ông sẽ tiếp nhận, kế thừa và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

"Nói chung địa bàn An Giang và Long An cũng có mối quan hệ gần giống nhau. Tôi về vị trí này là mới hoàn toàn nhưng sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình tốt nhất. Nhiệm vụ quan trọng nhất sắp tới là tập trung cho đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13 là quan trọng nhất trong lúc này" - đại tá Hồng nói. (B.ĐẤU)

Bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc Công an tỉnh An Giang Bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc Công an tỉnh An Giang

TTO - Ngày 27-6, Bộ Công an tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc điều động, bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc Công an tỉnh An Giang.

NGỌC HÀ - DUY THANH - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên