Chị V.T.T. - 36 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM - kể chị lấy chồng vào năm 35 tuổi. Chị T. kết hôn muộn như vậy bởi có nhiều lý do.
Chị chia sẻ: "Khi mới tốt nghiệp ra trường không nghĩ mình sẽ kết hôn muộn như vậy. Tôi cũng như nhiều người bạn cùng lên thành phố học đại học và tìm việc làm sau đó, rồi đều phải lo liệu mọi việc như kiếm tiền, thuê nhà... Do vậy, 5-7 năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học bắt buộc phải dành thời gian cho công việc".
Sau 5 năm đi làm, chị T. vẫn không thật sự yên tâm vì thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Khi công việc ổn định hơn, có chút tiền dành dụm, chị lại dành thời gian, tiền bạc học văn bằng 2 với mong muốn có ngoại ngữ hỗ trợ thêm cho công việc.
Khi đã chín chắn hơn, ở tuổi 29-30, công việc và thu nhập đều ổn định hơn nhưng chị T. lại trở nên "yêu cầu cao hơn, kén chọn hơn" trong các mối quan hệ. Chị T. cho rằng nếu không tìm được người phù hợp với mong muốn, chị sẽ không kết hôn.
"Tôi đã kết hôn năm ngoái ở tuổi 35, nhưng cũng chưa tính sinh con ngay. Hai vợ chồng vẫn cần phải sắp xếp lại dự định về nơi ở lâu dài và mong muốn khi có con thì sẽ nuôi dạy con tốt nhất có thể", chị T. dự tính.
Tương tự, chị P.T.T. - ngụ quận 10, TP.HCM - kết hôn ở tuổi 38. Chị học xong đại học, sau đó đi làm và mải miết với công việc. Chị từng tính sẽ không kết hôn, nhưng đến năm 38 tuổi chị bất ngờ gặp được ý trung nhân nên đã lập gia đình.
Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng xu hướng kết hôn muộn hơn đang dần trở nên phổ biến tại TP.HCM. Nam thanh nữ tú ở TP.HCM có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu rất muộn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ ngại kết hôn, kết hôn trễ. Có thể các bạn trẻ quyết định trì hoãn việc kết hôn để họ có thêm nhiều thời gian học tập nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nắm bắt các cơ hội phát triển bản thân cũng như có nhiều thời gian hơn để ổn định về kinh tế trước khi lập gia đình và sinh con.
Tuy nhiên, ông Trung nói việc kết hôn muộn sẽ làm giảm khả năng sinh của phụ nữ, đặc biệt sau 35 tuổi.
Xu hướng giới trẻ ngại kết hôn có nhiều mặt tiêu cực, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có một số mặt tích cực.
Mặt tích cực là giới trẻ có xu hướng tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sự nghiệp, cũng như phần nào nghiêm túc tìm hiểu về các vấn đề của hôn nhân.
Còn mặt tiêu cực là sẽ giảm khả năng sinh sản, cũng như xu hướng sinh con một hoặc không sinh con ngày càng phổ biến hơn.
Độ tuổi kết hôn trung bình có xu hướng tăng liên tục
Theo số liệu ghi nhận từ Cục Thống kê, năm 2023 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân TP.HCM là 30,4 tuổi (đã vượt qua mốc 30 tuổi).
Theo ghi nhận, độ tuổi kết hôn trung bình có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2023. Cụ thể, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 là 27,5 tuổi; năm 2020 là 28 tuổi; năm 2021 là 29 tuổi và năm 2022 là 29,8 tuổi (bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi).
Tại Việt Nam, Niên giám thống kê năm 2023 cho biết tuổi kết hôn trung bình lần đầu cả nước là 27,2 tuổi, tăng hơn 2 tuổi so với 2019. Trong đó các bạn trẻ Hà Nội là 27,9 tuổi; Vĩnh Phúc và Bắc Ninh cùng 24,4 tuổi; Quảng Ninh 27,4 tuổi...
Trung du và miền núi phía Bắc kết hôn sớm hơn, như Hà Giang 22,8 tuổi, Cao Bằng 24 tuổi, Bắc Kạn 24,7 tuổi; Tuyên Quang 24,9 tuổi; Thái Nguyên 25,8 tuổi; Lạng Sơn 25,6 tuổi...
Khu vực Đông Nam Bộ ngoài TP.HCM kết hôn muộn còn có Bà Rịa - Vũng Tàu (28,8 tuổi, trong khi năm 2019 là 26,3 tuổi); Đồng Nai 28,5 tuổi (2019 là 26 tuổi).
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Cần Thơ tới 29,3 tuổi; Bạc Liêu tới 28,2 tuổi, trong khi năm 2019 lần lượt là 26,9 tuổi và 25,3 tuổi.
Năm 2023, cả nước cũng ghi nhận tới trên 32.000 vụ ly hôn. Tính theo vùng, Đồng bằng sông Cửu Long là nhiều nhất với trên 10.700 vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận