Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ưu tiên chống dịch trong nước trước. Trong ảnh: ông Biden chủ trì cuộc họp báo về chống dịch COVID-19 ở Nhà Trắng hôm 21-1-2021 - Ảnh: Reuters
Dưới thời ông Biden, Mỹ sẽ tiếp tục xem châu Á là khu vực địa chính trị quan trọng hàng đầu. Giới quan sát đang tập trung vào quyết tâm của ông Biden trong lời hứa khôi phục vị thế của Mỹ trong quan hệ quốc tế.
"Các nước châu Á không chọn phe"
Trên thực tế, Tổng thống Biden đã chọn nội các mới bao gồm một số nhân vật từng sát cánh với ông và chính quyền cũ của tổng thống Obama. Một trong những người được giới quan sát châu Á chú ý nhất có lẽ là Kurt Campbell, được xem là kiến trúc sư trong chính sách "xoay trục" sang châu Á thời ông Obama.
Những nhìn nhận, khuynh hướng hành động của chính quyền ông Biden đối với châu Á, vì vậy có thể được tìm thấy trong một bài viết trên trang Foreign Policy ngày 12-1, do chính ông Campbell đồng tác giả.
Bài viết này nhìn nhận rằng châu Á, cụ thể là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện nay là một hệ thống được thúc đẩy bằng sự kết hợp của pháp lý, an ninh và kinh tế. Do đó, khu vực này đòi hỏi một số trọng tâm như tự do hàng hải, bình đẳng về chủ quyền, minh bạch, giải quyết tranh chấp hòa bình, thương mại xuyên biên giới...
Tuy nhiên trật tự của khu vực đang gặp thách thức từ Trung Quốc. Theo ông Campbell, Trung Quốc đang chiếm một nửa GDP và chi tiêu quân sự trong khu vực, đồng thời tham vọng tái định hình xung quanh thông qua những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, xung đột với Ấn Độ... tạo ra rủi ro cho những nguyên tắc hiện nay.
Sự hiện diện của Trung Quốc theo góc nhìn trên là điều Mỹ cần cố gắng điều chỉnh bằng cách tái lập trật tự và tái lập khuôn khổ quốc tế vốn đã được thừa nhận.
Nhà chiến lược Campbell khẳng định nỗ lực tái cân bằng của Mỹ sẽ phức tạp vì phải đảm bảo cân nhắc thực tế rằng các nước châu Á không thể "chọn phe", và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đại cũng không thể chấp nhận những màn đọ sức trực tiếp như châu Âu trong quá khứ.
"Dù các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để duy trì tính tự chủ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, họ cũng nhìn nhận rằng việc loại trừ hẳn Trung Quốc ra khỏi tương lai sôi động của châu Á không phải ý tưởng thực tế hay ích lợi gì. Các nước trong khu vực cũng không hề muốn bị ép phải "chọn phe" giữa hai cường quốc" - bài viết của ông Campbell nhận định.
Nói cách khác, hiện nay người được ông Biden chọn phụ trách châu Á khẳng định giải pháp tốt hơn cho Mỹ và đối tác là nhìn nhận vai trò của Trung Quốc trong một trật tự cạnh tranh nhưng hòa bình, có luật lệ và môi trường hợp tác cùng có lợi.
Việt Nam ở đâu?
TS Satoru Nagao - nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson (Mỹ) - cho rằng chính quyền cựu tổng thống Barack Obama và tổng thống Donald Trump có sự tương đồng trong mục tiêu dài hạn về việc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
"Ví dụ trong chính sách tái cân bằng của ông Obama, Mỹ chuyển các nguồn lực từ châu Âu, Trung Đông sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi xem lại, chính sách của chính quyền ông Trump cũng tương tự khi rút quân đội khỏi châu Âu, Trung Đông, Afghanistan... và triển khai các nguồn lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - TS Nagao nói với Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, TS Nagao nhận định rằng đối với Mỹ, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược ở châu Á, vì vậy quan hệ Việt - Mỹ thời ông Biden sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
"Nhưng theo tôi nghĩ, ông Biden cần thời gian để đối phó đại dịch COVID-19 cũng như nghiên cứu thêm về tình hình hiện nay" - ông Nagao chia sẻ.
GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) đánh giá hai ưu tiên hàng đầu của ông Biden là triển khai kế hoạch phân phối vắcxin (COVID-19) và kích thích kinh tế.
"Về đối ngoại, ông Biden sẽ tìm cách chữa lành mối quan hệ với châu Âu và NATO. Ở châu Á, ông sẽ đặt ưu tiên vào việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, phối hợp với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như sâu sát với ASEAN. Việt Nam sẽ nằm hàng top trong 5 nước Đông Nam Á mà chính quyền ông Biden phối hợp, bên cạnh Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan" - GS Carl Thayer nhận định với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp nối các thành công mà Mỹ và Việt Nam đã cùng nỗ lực vươn tới từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay.
"Hai nước sẽ tiếp tục giải quyết các khác biệt một cách tôn trọng và xây dựng như chúng ta đã từng trong 25 năm qua. Tôi rất lạc quan về quan hệ hai nước" - Đại sứ Kritenbrink nói.
Ông Sullivan điện đàm với các đồng minh của Mỹ
Theo thông báo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngày 22-1, tân Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã có các cuộc điện đàm với các quan chức của Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản vào ngày 21-1.
Theo Reuters, ông Sullivan đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Iran, Nga, Triều Tiên, đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh "ý định tăng cường liên minh xuyên Đại Tây Dương" của Tổng thống Joe Biden.
Trong cuộc điện đàm với đồng cấp người Nhật Bản Shigeru Kitamura, ông Sullivan tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ theo quy định của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Theo điều 5 của hiệp ước, bất kỳ một hành động tấn công bên ngoài nào nhằm vào quần đảo này đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Hai bên khẳng định sẽ phối hợp để hướng đến một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chí hướng thông qua các cơ chế như nhóm an ninh bộ tứ kim cương gồm Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản.
HỒNG VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận