Cả nước dự kiến còn 5.000 xã phường, sẽ hình thành các 'xã lớn' thay vì 'huyện nhỏ'

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc cả nước dự kiến còn 5.000 xã phường cho thấy sẽ hình thành các 'xã lớn', thay vì 'huyện nhỏ' như thông tin ban đầu.

xã phường - Ảnh 1.

Một góc của thành phố Hưng Yên hiện nay - Ảnh: NAM TRẦN

Khi chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 28-3, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính ba cấp gồm cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.

Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Mỗi xã phường cần ít nhất 50-60 cán bộ công chức

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết các thông tin trước đó đề cập việc sẽ nghiên cứu để giảm 60 - 70% cấp xã, từ 10.035 đơn vị như hiện nay xuống còn khoảng 2.500 đến 3.000 đơn vị cấp xã.

Còn theo thông tin mới nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm là sẽ giảm xuống khoảng 5.000 đơn vị. Như vậy giảm khoảng 50% số đơn vị so với hiện nay.

"Có thể sẽ là 2 - 3 xã sáp nhập vào thành 1 và sẽ thành một "xã lớn", thay vì "huyện nhỏ" như trước đây.

Việc sáp nhập như thế cơ bản cũng đảm bảo quy mô của đơn vị cấp xã mới phù hợp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn", TS Dĩnh nói.

Ông Dĩnh nêu trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều nội dung về mô hình tổ chức phù hợp.

Trong đó dự kiến số lượng cán bộ cấp cơ sở đảm bảo các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.

"Sắp tới chính quyền cấp xã cần có không dưới 50-60 cán bộ, công chức, gấp đôi hiện nay để đáp ứng nhu cầu công việc. Còn cụ thể thế nào Bộ Nội vụ sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết", ông Dĩnh nói.

Đồng thời theo ông Dĩnh, dự thảo luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương cấp cơ sở.

Việc này nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp cơ sở, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định UBND cấp cơ sở được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.

"Theo thông tin mới nhất, khi bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã thì mô hình cấp xã mới sẽ có trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp được thuận lợi.

Ngoài ra với cơ quan chuyên môn, chắc chắn sẽ phải thành lập các phòng chuyên môn thuộc cấp xã để giải quyết công việc được thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới", ông Dĩnh nói thêm.

xã phường - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Ảnh: N.H.

Chính quyền cấp cơ sở sẽ gần dân, sát dân hơn

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến cũng cho rằng với thông tin dự kiến còn khoảng 5.000 đơn vị cấp xã cho thấy đang có những điều chỉnh về quy mô sáp nhập xã để thành "xã lớn", chứ không phải "huyện nhỏ" như dự kiến trước đó.

Ông Tiến nhấn mạnh định hướng này là đúng đắn và quy mô xã như vậy sẽ có điểm tương đồng với số lượng tỉnh sau sáp nhập, cũng giảm đi khoảng 50%.

Việc này giúp đảm bảo chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) sẽ gần dân, sát dân hơn và giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn.

Điều quan trọng theo ông Tiến là cần xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và thực hiện theo đề xuất sửa đổi của Luật Cán bộ, công chức là không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã, liên thông từ trung ương đến xã.

Cả nước dự kiến còn khoảng 5.000 xã, phường:  - Ảnh 1.Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin về lộ trình thực hiện sáp nhập tỉnh, xã

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay từ ngày 1-5, 63 tỉnh, thành phố sẽ gửi đề án sắp xếp về Bộ để tiếp đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên