Cử tri xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An đi bầu cử sớm hơn hai ngày - Ảnh: Thùy Linh |
Cuộc họp được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì.
* Đại Biểu Nhân Dân: Xin ông cho biết Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn quy định của pháp luật về việc người ứng cử, người được ủy quyền có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu, các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu hay chưa?
- Ông Trương Minh Tuấn: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND có nêu rất rõ là người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại việc kiểm phiếu, các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Ngày 18-5, chúng tôi đã có công văn gửi các cơ quan báo chí có nhu cầu cử phóng viên tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử thì gửi danh sách về Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội (đối với báo chí trung ương) và gửi danh sách về Ủy ban Bầu cử (đối với báo chí địa phương).
Đối với phóng viên nước ngoài thì thông qua Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng để hướng dẫn các phóng viên có nhu cầu đưa tin về bầu cử.
Trong quá trình chứng kiến việc kiểm phiếu, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người ứng cử, người được ủy nhiệm có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về bầu cử.
* VietNamNet: Ủy ban Bầu cử TP.HCM đã họp và có sáng kiến vận động các nhà mạng nhắn tin vận động cử tri đi bầu cử với nội dung lịch sự, nhẹ nhàng. Hội đồng bầu cử quốc gia nhận định thế nào về kiến nghị này?
- Ông Trương Minh Tuấn: Chúng tôi chưa nhận được đề nghị của Ủy ban Bầu cử TP.HCM. Nếu các ủy ban bầu cử cũng đề nghị như vậy thì chúng tôi cũng sẵn sàng yêu cầu các nhà mạng nhắn tin kêu gọi tất cả cử tri tham gia bầu cử theo đúng luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
* Tuổi Trẻ: Thưa ông Trần Văn Túy, sau hiệp thương vòng 3, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết có 879 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng khi công bố chính thức chỉ có 870 người. Đề nghị ông giải thích con số này.
- Ông Trần Văn Túy: Sau khi hiệp thương vòng 3, theo quy trình, Ủy ban Trung ương MTTQ VN chuyển danh sách người ứng cử cho Hội đồng bầu cử quốc gia, chính thức là chúng tôi nhận được 878 người. Đúng như anh nói là khi công bố danh sách chính thức có 870 người.
Xin được giải thích: có một trường hợp ở Hà Nam bị Hội đồng bầu cử rút tên ra khỏi danh sách, bảy trường hợp ở Cà Mau tự nguyện đề nghị được rút tên ra khỏi danh sách ứng cử. Hội đồng bầu cử quốc gia đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm chặt chẽ, đúng thủ tục và đến nay không có thắc mắc, kiến nghị nào khác.
* Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết hành vi bỏ phiếu thay người khác có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Pháp luật của chúng ta không cho phép bầu hộ, bầu thay. Như vậy, hành vi bầu hộ, bầu thay là không đúng pháp luật, tùy theo mức độ sẽ áp dụng các hình thức xử lý khác nhau. Chúng tôi rất mong muốn các phóng viên để người dân hiểu đúng quyền, trách nhiệm bầu cử của mình. Người dân có tự đi bầu cử thì mới phản ảnh đúng ý chí của mình, chứ để người khác bầu hộ, bầu thay thì lại theo ý chí của người khác.
Sẽ kiểm tra việc nhà mạng chặn từ “bầu cử” * Tuổi Trẻ: Xin thông tin đến Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tình trạng mấy hôm nay một số nhà mạng chặn tin nhắn có từ “bầu cử”, làm ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin bình thường của người dân, đề nghị bộ trưởng có ý kiến với các nhà mạng về việc này? - Ông Trương Minh Tuấn: Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn có từ “bầu cử”. Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này ngay sau đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận