Hai trong số các bài viết ĐSQ Mỹ "cà khịa" vui vẻ các ĐSQ khác trong mùa World Cup - Ảnh chụp màn hình
"Gọi đội tuyển Hoa Kỳ là Ngạn vì sau cùng thì chúng tôi cũng bỏ Hà Lan lại phía sau để đi tiếp..." - dòng "tút" của Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Hà Nội trên Facebook trước trận Mỹ gặp Hà Lan tại World Cup ngày 3-12 khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" vì sự hài hước, dí dỏm.
"Ủa a lô, Ngạn yêu Hà Lan cả một đời mà? Nên hãy để Hà Lan đi tiếp nhé" - tài khoản Facebook có dấu tick xanh của ĐSQ Hà Lan tại Hà Nội vào "còm" ngay bên dưới. Dân mạng lại được phen cười nghiêng ngả vì "độ lầy" của hai bên mà bình thường ai cũng nghĩ họ chỉ bàn chuyện chính thống, khô khan. Để thỏa mãn sự tò mò của nhiều cư dân mạng, chúng tôi đã tìm gặp và hỏi chuyện "người trong cuộc", cũng là người phát ngôn của ĐSQ Mỹ, ông CAMERON THOMAS-SHAH.
Gắn kết hơn với cộng đồng
* Cảm xúc của mọi người thế nào khi thấy phản ứng tích cực từ cộng đồng mạng trước các nội dung trên?
- Chúng tôi sung sướng vô cùng khi những nội dung vui vẻ mà ĐSQ Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tạo ra đã chạm đến được nhiều người Việt Nam. Chúng tôi luôn muốn kết nối và tương tác với người dân Việt Nam, một điều vốn khá khó khăn trong dịch COVID-19. Cách mọi người phản ứng cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng, và nó cũng cho thấy tôi đang có một đội ngũ rất rành về những gì công chúng Việt Nam thích (cười).
* Những bài viết trêu đùa như vậy là ý tưởng của một cá nhân hay toàn đội?
- Tôi có một đội ngũ đồng nghiệp cực kỳ sáng tạo về nội dung mạng xã hội và họ đã gợi ý tôi nên làm một điều gì đó để gắn kết theo cách gần gũi hơn với mọi người. Vậy là chúng tôi bắt tay vào việc, thảo luận về cách thức truyền tải thông điệp, trong vấn đề gì và sử dụng các ảnh meme (ảnh có nội dung hài hước - PV) ra sao. Có người ủng hộ ý tưởng này, nhưng cũng có người không. Song tất cả đều làm việc trên tinh thần hướng tới điều công chúng muốn nghe nhất.
* Bình luận của các ĐSQ khác khi bị ĐSQ Mỹ trêu chọc cũng khá bất ngờ. Có phải các bên đã "xi nhan" trước với nhau không?
- (Cười) Chúng tôi là bên cà khịa trước và việc các ĐSQ khác đáp lại là điều nằm ngoài dự định. Bên dưới một số bài đăng của chúng tôi, không ít người vào bình luận kêu gọi bên bị "cà khịa" đáp trả. Nói chung thì đó chỉ là chút đùa vui trong một sự kiện thể thao, phi chính trị và các ĐSQ có quan hệ tốt với nhau. Khi người dân Việt Nam thấy chúng tôi cà khịa qua lại như vậy, họ cũng sẽ có hình dung "À, ngoại giao thời mạng xã hội là thế này đây".
Tùy viên báo chí kiêm người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Cameron Thomas-Shah thích trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp
Ngoại giao văn hóa
* Trong tương lai ĐSQ Mỹ có ý định sản xuất các nội dung tương tự không?
- Tôi chưa thấy có lý do nào để ngừng làm các nội dung hài hước cả. Như tôi đã nói, chúng tôi có một đội ngũ nhân sự đa thế hệ, vì vậy các nội dung của chúng tôi cũng sẽ dành cho nhiều lứa tuổi. Tôi không nắm rõ các số liệu, nhưng tôi khá chắc chắn rằng không chỉ có người trẻ yêu thích nội dung của chúng tôi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra các nội dung phản ánh chính xác những gì chúng tôi đang làm trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực, không chỉ giữa người với người mà còn trên những lĩnh vực khác như an ninh, y tế, thương mại.
* Bên cạnh phản ứng tích cực, có một số ý kiến không đồng tình với các nội dung đó, cho rằng nó không phù hợp với tính chất công việc của ĐSQ Mỹ. Ông nghĩ sao về việc này?
- Tôi cho rằng chỉ trích và không đồng tình cũng là một điều tích cực, miễn là nó mang tính xây dựng. Những thông điệp mà chúng tôi đem tới phản ánh mối quan hệ hợp tác lâu dài. Ngoại giao thể thao hay World Cup chính là một ví dụ tuyệt vời về cách chúng ta có thể gắn kết con người với nhau. Ngoại giao văn hóa là một phần không thể thiếu trong những nhiệm vụ của chúng tôi ở Việt Nam, là một phần mạnh mẽ trong quan hệ song phương.
Phở là "báu vật quốc gia" của Việt Nam
Việt Nam là một đất nước của những món ăn tuyệt vời. Tôi đã đi và thưởng thức các món ăn dọc theo đất nước của các bạn, từ Hà Nội đến Huế, TP.HCM và Cà Mau. Tôi cũng đã trải nghiệm nhiều nền ẩm thực thế giới nhưng vẫn thích quay lại Việt Nam để ăn các món ăn tại đây.
Sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày nào đó có một nơi bán phở ở Việt Nam được gắn sao Michelin. Phở là báu vật quốc gia của Việt Nam và có thể trở thành bảo vật của cả thế giới. Tôi cũng từng ăn phở trên đất Mỹ rồi, ở những nơi có nhiều Việt kiều đang sinh sống và ngay cả cha tôi cũng đã học cách nấu phở. Đó là một minh chứng tuyệt vời cho thấy văn hóa nói chung, ẩm thực nói riêng có thể kết nối hai quốc gia sâu sắc như thế nào.
(chia sẻ của ông Cameron Thomas-Shah - tùy viên báo chí kiêm người phát ngôn ĐSQ Mỹ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận