Chỉ một tuần sau, Tokyo sáng rực trở lại, nhanh ngoài sức tưởng tượng của ông và mọi người. Ông tự hào: “Chúng tôi đang hồi phục rất nhanh. Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng người Nhật sẽ có thể tận dụng biến những thử thách này thành những cơ hội như chúng tôi từng làm trong lịch sử”.
Kỳ 1: Cố lên, nước Nhật! Kỳ 2: Thay đổi suy nghĩ sau thảm họa Kỳ 3: Xin đừng gọi đó là rác! Kỳ 4: Chisuikan - nhà chống động đất
Phóng to |
Chúng tôi đứng dậy
Đến thăm một ngôi trường tiểu học ba tầng vốn là tàn tích của trận sóng thần ở thành phố Ishinomaki (quần đảo Miyagi), chúng tôi thật lạ khi thấy một người đàn ông cần mẫn đi quét sạch từng lớp học đã để trống một năm qua.
Người đàn ông - Ino Hironuki, làm nghề tài xế - cho biết đã làm như vậy suốt hơn một năm qua, kể từ ngày gia đình ông chứng kiến sóng thần quét sạch mọi thứ. Hôm đó, cảnh báo sóng thần vang lên, ông và vợ con rời nhà bỏ chạy lên sân thượng ngôi trường này lánh nạn, không biết làm gì ngoài hoảng hốt nhìn cảnh sóng thần ùn ùn cuốn phăng mọi thứ. Có những cánh tay chới với, chìm dần. Sau này ông còn đau đớn hơn khi biết có những trẻ em do chạy không kịp đã bị kẹt lại trong các phòng học ở tầng dưới nơi ông đã đứng, cũng với những cánh tay chới với như vậy. Từ đó ông bắt đầu những đêm ám ảnh.
* Tính đến tháng 2-2012, còn 580 người sống trong các trung tâm sơ tán (cả nước có 343.000 người đi sơ tán sau thảm họa). * Trong vòng sáu tháng sau sự kiện ngày 11-3, khoảng 50.000 ngôi nhà đã được chính phủ cấp cho người mất nhà. * Để phục hồi công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới thành lập nhà máy ở vùng Tohoku sẽ được miễn thuế trong năm năm. * 100% điện ở vùng Tokyo và 95% ở vùng Tohoku có trở lại trong vòng một tuần, đường cao tốc hoạt động trở lại hai tuần sau. * Đến đầu tháng 2-2012, 96% các đống đổ nát đã được dọn sạch. |
“Nhưng không thể cứ ngủ mê mãi. Nhìn xung quanh láng giềng thấy nhà nào cũng tổn thất như mình, nếu nhụt chí thì sẽ quỵ luôn nên phải đứng dậy” - ông Ino Hironuki kể. Ông từ chối nhận tiền hỗ trợ của chính phủ và tiền giúp đỡ nhân đạo dành cho gia đình mình, dù gia đình ông sau sóng thần chỉ còn căn nhà trống hoác. Từ đó, sau những giờ lái xe kiếm sống, ông làm việc thiện nhiều hơn. Ông đi giúp mọi người gom góp làm lại nhà, một tuần hai lần ông đến trường để quét lớp.
“Tôi quét sạch trường để các em nếu trở về đây cũng có lớp học sạch sẽ. Tôi mang ơn ngôi trường này, nợ các em một món nợ cứu mạng, giờ tôi phải giúp mọi người, được gì giúp đó”, ông Ino Hironuki nói.
Dọc ven biển thị trấn Matsushima bây giờ đã có nhiều ngư dân trở lại làm việc. Ông Takahashi Toshinori - người khai thác hàu - kể sau sóng thần ông phải mất ba tháng mới dọn dẹp xong đống đổ nát xung quanh cơ sở khai thác của mình. 80% tàu bị cuốn trôi, một nửa thiết bị công nghệ trôi theo nước, giờ ông tận dụng những gì còn lại để tiếp tục công việc khai thác. Trước ông khai thác 400-500kg hàu mỗi ngày, bây giờ chỉ còn một nửa. Chúng tôi hỏi ông có nguyện vọng gì không, những tưởng ông sẽ mong muốn nhà nước hỗ trợ tiền và giúp đỡ nhiều hơn, nhưng không.
“Chính phủ bồi thường tiền, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí tái sản xuất, hội thủy sản địa phương vận động giúp sức, trong khi nhiều chủ trại khác đã bỏ nghề, bán trại do trắng tay, tôi được vậy là phúc rồi”, ông Takahashi trầm ngâm. Mỗi tuần ông mang hàu của mình đi kiểm tra phóng xạ theo yêu cầu của chính quyền, về trưng giấy chứng nhận ra cho khách hàng.
Ông khẳng khái: “Những tin đồn quái ác về mức độ phóng xạ như muốn ghìm chúng tôi vào thảm họa mất trắng một lần nữa, nhưng không đâu, chúng tôi sẽ đứng dậy”.
Phóng to |
Ông Takahashi Toshinori – người khai thác hàu: “Những tin đồn quái ác về mức độ phóng xạ như muốn ghìm chúng tôi vào thảm họa mất trắng một lần nữa, nhưng chúng tôi sẽ đứng dậy” - Ảnh: N.T.U. |
Tái sinh Nhật Bản
Ở trụ sở tòa thị chính Sendai - thành phố lớn nhất vùng Tohoku từng bị ảnh hưởng sóng thần một năm trước - người ta dành phần lớn tầng trệt để trưng bày những lá thư, hình ảnh và vô số hạc giấy đủ màu sắc từ khắp nơi trên thế giới gửi về động viên thành phố này đứng dậy sau thảm họa. Dòng chữ “Nước Nhật hãy hướng về tương lai” đặt lớn giữa không gian đầy ấn tượng này.
Chúng tôi thắc mắc tại sao đã một năm trôi qua, tòa thị chính vẫn cập nhật thường xuyên những hình ảnh, cánh hạc, lá thư ở khu trưng bày, ông Hitaro Mayashuki - trưởng phòng kinh tế của tòa thị chính - nói: “Vì chúng tôi muốn khi người dân Sendai đến đây thấy những hình ảnh này, họ hiểu được nỗi đau để làm việc tốt hơn, không có sự lựa chọn nào khác”.
Từ hơn 100.000 dân đi sơ tán sau sự kiện ngày 11-3, hơn 700 người chết, 30.000 căn nhà bị sập hoàn toàn, tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp thủy sản và nuôi trồng cũng như du lịch, thành phố Sendai nhanh chóng gượng dậy. Chính quyền Sendai đã vạch ra kế hoạch tái thiết năm năm để chuyển thành phố 1 triệu dân này từ ảnh hưởng nặng nề của sóng thần trở thành một thành phố xanh, phát triển mạnh mẽ hơn.
Các vùng bị thảm họa đã lên kế hoạch tái thiết từ rất sớm, do đó Chính phủ Nhật cũng nhanh chóng công bố kế hoạch tái thiết mang tên “Chiến lược tái sinh Nhật Bản” (Strategy for rebirth of Japan). Kế hoạch này kéo dài 10 năm (2011-2020), với tổng kinh phí lên đến 23.000 tỉ yen, trong đó tập trung cho năm năm đầu với tên gọi là thời kỳ tái thiết tập trung với tổng kinh phí lên đến 19.000 tỉ yen đã được Quốc hội Nhật nhanh chóng thông qua trong năm 2011.
Chính phủ Nhật đã lập ra Cơ quan Tái thiết trực thuộc chính phủ do đích thân Thủ tướng Yoshihito Noda điều hành, hoạt động từ tháng 2-2012, đồng thời thành lập các vùng tái thiết đặc biệt ở các khu vực từng bị sóng thần quét qua.
Với kế hoạch tái thiết này, người Nhật muốn không chỉ dựng lại nhà, dựng lại người sau thảm họa mà còn “xây dựng một nước Nhật mới” như lời tuyên bố của Thủ tướng Noda sau sự kiện ngày 11-3.
Ngày 12-3-2012, trong buổi tiếp các ngoại giao đoàn kỷ niệm một năm thảm họa sóng thần, Ngoại trưởng Koichiro Gemba tiếp tục nhấn mạnh: “Mời mọi người chứng kiến nỗ lực tái thiết không ngơi nghỉ và quá trình tạo ra một xã hội bứt phá sau thảm họa”.
Chúng tôi chưa biết nước Nhật sẽ ra sao trong tương lai, nhưng chỉ mới chứng kiến họ dọn dẹp tươm tất đống đổ nát cả vùng Tohoku sau thảm họa đã thấy đó là một kỳ tích.
Và từ kỳ tích này, chúng tôi tin nước Nhật sẽ làm được điều họ cam kết với cộng đồng thế giới, như câu khẳng định chắc chắn và đầy ân tình được viết treo khắp sân bay quốc tế Narita ở Tokyo để đón chào khách đến với xứ sở này một năm sau sự kiện 11-3: “Nước Nhật lại đang vươn lên. Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận