11/04/2012 09:38 GMT+7

Xin đừng gọi đó là rác!

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Những ngày cuối tháng 3-2012, vừa tròn một năm sau ngày đen tối, chúng tôi đặt chân tới thành phố Rikuzentakata (tỉnh Iwate) - nơi động đất, sóng thần khiến 1.155 người chết, gần 1.900 người mất nhà cửa, chứng kiến những câu chuyện “kỳ lạ” thấm đẫm triết lý nhân văn trong công cuộc tái thiết ở mảnh đất này.

Kỳ 1: Cố lên, nước Nhật! Kỳ 2: Thay đổi suy nghĩ sau thảm họa

dHsdJXSK.jpgPhóng to

Công ty thủy sản Morishita Suisan được ví như ngôi nhà chung của các công nhân với những chính sách nhân văn - Ảnh: Lâm Hoài

Những ông chủ giàu tình thương

Ngày 11-3, khi 100 công nhân và 19 thực tập sinh Công ty thủy sản Morishita Suisan (đóng tại thị trấn Ofunato, thành phố Rikuzentakata) đang miệt mài bên những dây chuyền thì sóng thần ập đến. Đích thân giám đốc công ty tay cầm loa dẫn đầu đoàn người chạy lên núi lánh nạn. Từ trên cao, tất cả đau đớn nhìn sóng thần ập vào cuốn trôi toàn bộ nhà xưởng, máy móc cùng hàng chục nghìn tấn hàng ra biển. Sóng rút đi tất cả lại dò dẫm xuống vũng bùn vớt vát chút ít đồ đạc còn sót lại. Hơn một tuần sau đó, ban giám đốc công ty đã hoàn thành mọi thủ tục để chi trả bảo hiểm cho công nhân rồi chính thức cho công nhân nghỉ việc.

Thế nhưng sau đó, thay vì đi lánh nạn lãnh đạo công ty đã cùng toàn bộ công nhân tỏa đi khắp thị trấn Ofunato để cứu nạn và tìm kiếm những người mất tích. Ròng rã hàng tháng trời ngừng sản xuất và đi làm “việc xã hội” này, 100% công nhân vẫn được trả lương đầy đủ. Đến nay, chỉ mới hơn một năm trôi qua, từ trắng tay và nợ nần chồng chất, công ty đã gây dựng lại toàn bộ nhà máy, kho chứa trên chính nền đất cũ, năng suất sản xuất đã khôi phục 70%. Những công nhân của nhà máy mới không ai khác chính là những công nhân đã gắn bó với công ty trước đây.

Tại công trường của Công ty xây dựng Toyoshima Kensetsu nằm bên cửa biển Ofunato, hàng chục công nhân vẫn miệt mài làm việc. Họ đến đây từ nhiều nơi trong thành phố Rikuzentakata nhưng điểm chung đều là những người mất người thân, nhà cửa, mất việc làm sau thảm họa. Công ty đã tìm đến tận từng khu lánh nạn đưa họ đến đây hằng ngày làm công việc phân loại đống đổ nát để xử lý và tái chế. Công việc cho họ thu nhập để duy trì cuộc sống và điều quan trọng hơn là “để quên đi những ký ức buồn” - như anh Kikochi Nobuyuki, một công nhân tại đây, chia sẻ. Ở tỉnh Iwate có hàng loạt công trường như thế này được dựng lên, tạo việc làm cho hàng trăm người mất việc làm trong tỉnh.

Dọc các tuyến đường đi qua thành phố Rikuzentakata chúng tôi cũng mục sở thị hàng loạt ngôi nhà tạm được dựng lên dành cho những nạn nhân sóng thần trú ngụ. Điều đáng nói, dù trong cơn hỗn loạn nhưng chính quyền nơi đây vẫn sắp xếp cho những người dân vốn trước đây là hàng xóm của nhau thì bây giờ vẫn sống gần nhau. “Trong 1.800 ngôi nhà tạm cư, chúng tôi cố gắng tạo cho người dân cảm giác như sống ở nhà mình khi chưa có thảm họa để giảm bớt nỗi đau mất mát cho họ” - ông Owada Tomo, chủ nhiệm Phòng Xây dựng, thị trấn Ofunato, lý giải.

XlGWiTDZ.jpgPhóng to
Một năm sau thảm họa, hàng đống ôtô hư hỏng vẫn xếp chồng ở thành phố Ishinomaki (tỉnh Miyagi). Không ai gọi đó là rác, vì chủ của nó có người còn, người mất, người không biết ở nơi nào - Ảnh: N.T.U.

Xin đừng gọi là rác...

Hai giờ xe buýt phóng nhanh trên tỉnh lộ Rikuzentakata chúng tôi nhói lòng khi nhìn cả một vùng đất mênh mông chỉ còn trơ trọi một vài xác nhà, ôtô. Tất cả những gì còn lại của những khu dân cư sầm uất nhộn nhịp là những đống phế liệu chất cao như núi. Khi ai đó buột miệng hỏi “số lượng bãi phân loại rác ở trong tỉnh là bao nhiêu?”, thay vì trả lời ngay, ông Kimoro, giám đốc công trường xây dựng Toyoshima Kensetsu, đã trầm ngâm một lúc lâu rồi cất lời rất nhỏ: “Xin đừng gọi đó là rác”.

Sóng thần chôn vùi, vùi dập tan tành mọi thứ nhưng hơn một năm trôi qua, người dân Nhật không ai gọi đó là rác, dù nó đã trở thành rác đúng nghĩa. Họ gọi chệch đi là “đống đổ nát”, “đống tàn tích”... Dù không ai đưa ra quy chuẩn riêng nhưng trên các phương tiện truyền thông Nhật cũng hiếm hoi xuất hiện từ “rác” khi thông tin về thảm họa. “Sẽ làm tổn thương nạn nhân sóng thần nếu gọi những gì mà họ tự tay gây dựng, gắn bó, yêu thương cả cuộc đời mình là rác”, ông Kimoro lý giải. Đã có không ít người dân vì quá yêu ngôi nhà của mình trước khi chuyển đi lánh nạn vẫn cố cắm lại tấm biển trước nhà mình “xin đừng dọn chúng đi”.

Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người nhưng suốt một năm sau cơn thảm họa trên báo chí, truyền hình Nhật không hề có những hình ảnh chết chóc, tang thương. Ông Kosuge Hiroto, phó tổng biên tập phụ trách nội dung nhật báo Mainichi - một trong bốn tờ nhật báo lớn nhất Nhật Bản, nhớ lại: “Lúc đó trong tòa soạn của Mainichi và nhiều tờ báo khác nảy sinh những tranh luận về việc nên đưa những hình ảnh chân thực để cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần hay là không đưa. Cuối cùng tất cả những tờ báo lớn của Nhật, không ai bảo ai đều quyết định không đưa”.

Ông lý giải nếu những nạn nhân sóng thần nhìn thấy hình ảnh chết chóc, họ sẽ cảm thấy nỗi đau bị khơi lại và thêm một lần nữa tổn thương.

Điều ít biết - hội chứng tâm lý truyền thông

30 phút sau cơn dư chấn khủng khiếp ngày 11-3-2011, Yuhi Ytashi - phóng viên trẻ của đài truyền hình IAT - nhận nhiệm vụ lên đường tới vùng thảm họa để tác nghiệp.

“Khi đặt bước chân đầu tiên lên thị trấn Ofunato - nơi sóng thần quét qua, khung cảnh hoang tàn, tất cả trở thành bình địa, tôi không biết mình phải làm gì sau đó, nói cái gì, đưa hình ảnh nào đây”, anh Yuhi Ytashi run run nhớ lại. Bi kịch rơi vào tất cả những người làm báo lúc đó là đứng trước một sự kiện truyền thông lớn, nhưng thật đau đớn khi đó cũng là sự mất mát, nỗi đau thương to lớn của người dân. Giờ đây, một năm có lẻ trôi qua nhưng những ký ức khủng khiếp về ngày đen tối vẫn như những đợt “dư chấn tinh thần” ám ảnh, đeo đẳng những người trong giới truyền thông Nhật.

Đại diện ban thời sự của đài IAT thừa nhận một tháng sau ngày định mệnh đó, tất cả phóng viên của đài tham gia tác chiến hiện trường đều mắc các triệu chứng tinh thần - mất ngủ triền miên và bị ám ảnh bởi các hình ảnh tang thương. “Ba tháng sau ngày thảm họa, tinh thần của nhiều người trong số đó suy sụp nghiêm trọng” - vị đại diện này nói.

________________________________

Kỳ tới: Chisuikan - nhà chống động đất

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên