Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) vừa công bố thông tin về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 6-1, một quỹ thuộc KIM Việt Nam là KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund đã nâng tỉ lệ nắm giữ lên 3,75%, sau khi mua thêm 200.000 cổ phiếu TLG.
Tổng cộng bốn quỹ thành viên thuộc KIM Việt Nam đã sở hữu 5,13% vốn Thiên Long và trở thành cổ đông lớn tại công ty văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam từ ngày 8-1.
Như vậy, ngoài hai cổ đông lớn quen thuộc là ông Cô Gia Thọ - chủ tịch hội đồng quản trị và Công ty cổ phần đầu tư Thiên Long An Thịnh (công ty do ông Cô Gia Thọ làm đại diện pháp luật), Thiên Long đã có thêm đối tác nước ngoài ở vai trò cổ đông lớn.
Theo thông tin tự bạch, quỹ đầu tư này tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2006 sau khi mở văn phòng đại diện thuộc Korea Investment Management (KIM).
Tiền thân của Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam là công ty cổ phần Quản lý quỹ Hùng Việt Nam.
Đầu năm 2020, KIM mua lại cổ phần từ các cổ đông của Hùng Việt và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập từ tháng 10-2020.
Tính đến cuối năm 2023, tổng quy mô tài sản ủy thác của KIM Việt Nam là hơn 24.700 tỉ đồng.
Danh mục ủy thác của công ty tập trung vào các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu thị trường.
Hiện, vốn điều lệ của KIM Việt Nam là 55 tỉ đồng và công ty có 32 nhân viên, tính đến cuối tháng 9-2024.
Lũy kế 9 tháng 2024, công ty này lãi hơn 16 tỉ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2023.
Về Thiên Long, lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hơn 3.400 tỉ đồng và lãi ròng 448 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Phương Nga - tổng giám đốc Thiên Long - đưa ra một số thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Ở trong nước, nhu cầu tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chưa ổn định, sức mua giảm trong các phân khúc khách hàng phổ thông.
Cuối năm cũng là mùa thấp điểm với các mặt hàng của Thiên Long.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, khi các đơn vị đẩy mạnh chiến dịch giảm giá và quảng bá.
Còn ở nước ngoài, thách thức đến từ tình hình kinh tế và địa chính trị thế giới phức tạp, chi phí logistics và vận chuyển quốc tế vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, thiết kế và tính năng của sản phẩm.
Đồng thời, với sự cạnh tranh về giá và thói quen mua giá rẻ đã khiến cho sự phát triển của kênh thương mại điện tử khó gia tăng lợi nhuận hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận