Mỗi gánh cá người phụ nữ này được trả công 2.000-3.000 đồng, mỗi đêm họ gánh chạy cả chục cây số - Ảnh: TẤN LỰC |
Với chiếc đòn gánh trên vai, họ đi thành hàng dài ra cảng, bắt đầu một ngày mưu sinh bằng nghề gánh cá thuê.
Hầu hết họ đến từ những miền quê nghèo khó ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và có chung ước vọng kiếm tiền nuôi con học hành nên người.
Mỗi gánh cá 2.000 đồng
Nửa đêm, cảng cá Thọ Quang sáng rực đèn, người xe đông đúc, vội vã. Những tàu cá xa bờ sau nhiều ngày rong ruổi đánh bắt tụ tập về đây bán cho thương lái.
Tàu cập cầu cảng, xe đẩy dỡ hàng đưa vào cho thương lái xem và thỏa thuận giá cả. Giao dịch xong, bà chủ hàng dáng thấp béo đưa tay phẩy nhẹ, nói gọn: “Gánh!”.
Tức thì ba phụ nữ ngồi trong góc tường quan sát cuộc mua bán nãy giờ đứng lên, cầm đòn gánh tiến lại xỏ vào mấy rổ cá thu rồi gánh chạy bon bon về hướng xe đông lạnh đậu cách đó hơn trăm mét.
Xong việc, mỗi người được bà chủ trả công bằng tờ tiền 2.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Vân (47 tuổi, quê tại thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có thâm niên 3 năm gia nhập đội quân gánh cá thuê, bảo nhờ nghề này mà nuôi được hai đứa con vào đại học, cao đẳng.
Hai vợ chồng làm nông, đất đai ít nên bà theo những người khác ra đây gánh cá thuê. Mười bữa nửa tháng một lần, bà đón xe về đưa tiền cho con và chồng trang trải chi tiêu trong nhà. Đến nay, con trai lớn đã ra trường đi làm, con trai nhỏ đang học cao đẳng ngành điện năm thứ 3 tại Hội An.
Bà Vân nói những ngày đầu thức đêm không quen, người xác xơ mệt mỏi, gánh chạy nhiều đau hai cái đùi lắm nhưng dần cũng quen. Mỗi gánh cá bà được trả 2.000-3.000 đồng, siêng chạy nhiều thì thu nhập hơn 100.000 đồng mỗi đêm. Ra tết tới nay tàu thuyền vào ít, tiền kiếm được giảm đi nhiều.
“Chị em ở đây ai cũng nuôi mấy đứa con đi học, người ít thì một đứa, nhiều thì ba, bốn đứa. Công việc cực nhọc thiệt nhưng nghĩ tới con học hành sau này có cái nghề ổn định ai cũng có động lực cố gắng, chỉ mong con sung sướng, thoát kiếp làm nông như cha mẹ” - bà Vân đưa tay quẹt mồ hôi, nói.
Trong đội quân gánh cá này, có những phụ nữ một mình nuôi con. Mặc áo mưa chống lạnh ngồi đợi chủ hàng kêu gánh, bà Phạm Ba (54 tuổi, quê tại xã Thủy Lương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) giọng trầm buồn kể chuyện đời mình:
“Chồng bỏ khi sinh con gái thứ hai, bà gửi con cho ông bà ngoại (ngoài 70 tuổi) chăm sóc rồi vào bến cá làm thuê nuôi con. Đến nay con gái lớn đã học lớp 9, còn con gái út học lớp 7”.
Mười năm làm nghề gánh cá thuê, thỉnh thoảng bà mới góp tiền về thăm con một lần. Căn bệnh bướu cổ làm hai mắt sưng vù lên nhưng tiết kiệm tiền bà không đi bác sĩ mà lên chùa xin lá thuốc về nấu uống cầm cự.
“Nhiều khi buồn không muốn tâm sự với ai, chỉ mong trời thương phù hộ cho sức khỏe làm thêm vài năm nữa nuôi con tới lúc ra trường. Đôi lúc muốn mua bộ quần áo, cái nồi điện nấu cơm nhưng nghĩ lại không dám mua.
Có những hôm đau bệnh muốn nghỉ vài ngày, nhưng hễ nghỉ là không có tiền, đành chấp nhận khổ chút nữa để con được học hành tới nơi tới chốn” - bà Ba nói.
Bé Lùn, con gái lớn bà Ba, thấy mẹ vất vả xin nghỉ học đi may nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Lúc nào nhớ con quá, bà nạp tiền điện thoại, đăng ký gói khuyến mãi rồi gọi nói chuyện với con. Cuộc gọi nào cũng kết thúc trong nước mắt thương nhớ.
Gần sáng, nhóm phụ nữ quê Thăng Bình (Quảng Nam) 15 người ngủ chung trên căn gác tạm bợ Ảnh: TẤN LỰC |
Dành hết cho con
Sau một đêm lao lực, khi trời sáng rõ nhóm phụ nữ về phòng trọ tắm giặt. Dãy phòng ẩm thấp nồng nặc mùi tanh. Nhóm phụ nữ huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khoảng 15 người ở chung một phòng đầu dãy. Nền nhà tráng ximăng là nơi tắm rửa, giặt giũ của cả nhóm.
Bà Nguyễn Thị Chỉ (57 tuổi, quê xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) ngồi chà rửa cây đòn gánh, nói vui rằng thứ tốn tiền nhất ở đây là xà phòng.
Nhiều giờ quần quật ngoài cảng, nước cá bẩn ám vào mọi thứ, từ giày ủng, quần áo đến cây đòn gánh trên vai. Nếu không giặt rửa hằng ngày, người sống trong phòng không thể nào chịu nổi mùi hôi kinh khủng đó.
Cũng bởi nền nhà luôn ẩm thấp, cả nhóm sinh hoạt, ngủ nghỉ trên cái gác gỗ áp mái chật hẹp. Căn gác có trần được kết tạm bợ bằng mấy miếng xốp, quyện mùi hôi của dầu nấu bếp, mùi cá và mồ hôi lâu ngày.
Bà Chỉ bảo mùa mưa chuột, muỗi hoành hành, mùa nắng thì nóng bức, ngột ngạt nhưng đến lúc xong việc ai nấy quá mệt mỏi nên vừa nằm xuống đã thiếp đi, chẳng còn bận tâm gì nữa.
Ngoài những lúc vất vả, cuộc sống trong dãy trọ cũng có vài niềm vui nho nhỏ như lúc cả nhóm ngồi quây quần ăn ghẹ và những con tôm tít luộc bé xíu nhặt được khi chủ hàng loại ra.
Đó là lúc họ bật ra tiếng cười khi kể cho nhau nghe về thành tích học tập của những đứa con mình hay một đêm trúng mánh được vài trăm ngàn đồng tiền công gánh cá.
Chiều tà, hai bếp củi trước dãy phòng nổi lửa nấu cơm tối, bà Trần Thị B. (64 tuổi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam) bê chiếc nồi nước nhỏ có mấy con tôm sang nhờ hàng xóm nấu giúp chén canh tôm rau má.
Đi tới đâu, chiếc loa nhạc mini trong túi áo bà phát những bài hát điệu bolero buồn vang vọng đến đó.
Bà B. bảo đời mình buồn quá nên lúc nào cũng phải có nhạc nghe giải sầu, đến tối máy hát để cạnh đầu giường mới ngủ được. Là một “cựu chiến binh” trong đội quân gánh cá thuê, bà bảo cái buồn của mình là con cái chơi bời báo khổ, nhiều khi con bài bạc thiếu nợ bà phải trả thay.
Khổ tâm, bà ít khi về nhà mà ở đây bầu bạn với những đồng nghiệp tứ xứ. Bà B. nói nhờ cái cảng cá này mà có tiền gửi về quê xây nhà, lo cưới hỏi cho các con.
Làm nghề gánh gồng lâu năm, ai cũng bị bệnh khớp hành hạ. Bà Dương Thị Hiển (53 tuổi, quê xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) nói vui đó là bệnh nghề nghiệp:
“Mỗi đêm gánh chạy trăm chuyến, tính sơ sơ hơn chục cây số, mỗi gánh cá nặng ba bốn chục ký, làm riết mấy năm trời xương khớp nào chịu nổi, không bệnh tật sao được. Bởi vậy ở dưới gối nằm mỗi người ai cũng để bịch thuốc tây bự chảng”.
Ba đứa con đi học, bà Hiển nuôi được tới nơi tới chốn nhờ nghề gánh cá. Nhắc tới con, mắt bà sáng lên. Bà bảo rằng hai đứa con đầu đã ra trường có công ăn việc làm, giờ chỉ còn nuôi đứa con út đang học lớp 11.
“Con ăn học thì cha mẹ phải chịu cực, tui ra đây đi làm còn chồng ở nhà lo quán xuyến ruộng vườn, nuôi heo gà phụ thêm. Công việc chẳng sung sướng gì nhưng thấy con cái học hành giỏi giang vợ chồng cũng mát cái ruột, có sức mà ráng cố gắng!” - bà Hiển chia sẻ.
Cả trăm người gánh thuê Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, ngoài những phụ nữ gánh cá thuê đến từ Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế thì còn một số người ở tại Đà Nẵng. Đa số coi đây là việc thời vụ, tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Vào lúc cao điểm, khi tàu thuyền về cảng nhiều thì số lượng lao động này tăng lên, có lúc hơn trăm người. |
Trải lòng bằng thơ Khi cảm thấy quá cực khổ, các chị các mẹ làm thơ giải sầu. Bà Nguyễn Thị Đoàn (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) được chị em đồng nghiệp nể trọng vì người gầy rộc mà sức gánh gấp đôi, gấp ba người khác. Một mình bà gánh cá nuôi 4 người con ăn học, có lúc cảm khái số phận mình rồi đọc thành những vần thơ da diết mà mỗi lúc ngân lên chị em đồng nghiệp ai nấy rơi nước mắt: Đêm đêm dưới ánh đèn đường Bước cao bước thấp còn vương nợ đời Bôn ba nơi chốn xứ người Gian nan vất vả một đời làm thuê Vai gầy đặt chiếc đòn tre Lê thê từng bước bờ kè từng đêm Gió khuya lạnh thấu ruột mềm Thương cho số phận nhói tim đau lòng Gối cao nệm ấm ai nằm Đời mình lại khổ sống trong cơ hàn Chẳng ai một tiếng hỏi han Đầu sông cuối chợ thân tàn như ma. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận