14/01/2012 07:18 GMT+7

Buồn nhớ quê nhà

MAI VINH
MAI VINH

TT - Ở nhiều nơi tại TP.HCM, cứ chiều 27 tháng chạp, công nhân vừa tan ca thì một số xe khách (do công nhân hùn tiền hợp đồng thuê) đã đợi sẵn. Song chỉ một số công nhân lên xe, còn đa số lặng lẽ về phòng trọ như ngày thường.

fKtB1yfM.jpgPhóng to
Ba cô công nhân Phan Thị Tích, Đậu Kim Liên, Đậu Thị Hương (từ trái sang) mua quần áo gửi về làm quà cho họ hàng - Ảnh: MAI VINH

Nhiều người trong số đó như nữ công nhân Đậu Kim Liên (quê Thanh Hóa, làm việc ở Công ty PouYen, TP.HCM) đã ăn tết xa nhà 12 lần nếu không tính luôn cái tết đang đến gần.

Sợ lời chào tạm biệt

Tiêu chí đầu tiên: rẻ

Ban đêm, con đường nhỏ cạnh siêu thị Big C An Lạc đông nghịt công nhân mua sắm. Thời điểm này một số người không làm công nhân đã bắt đầu về quê nên nhiều công nhân phải tranh thủ giờ tan ca đi mua quà. “Tiêu chí đầu tiên là rẻ”, công nhân Phan Thị Tích ngượng ngùng nói.

Ở cùng phòng trọ với cô là em ruột Đậu Thị Hương - cũng ăn tết ở Sài Gòn 11 lần - và người bạn cùng là công nhân Công ty PouYen Phan Thị Tích (Nghệ An), vào Sài Gòn được chín năm thì hết sáu năm đón tết trong nhà trọ. Về quê là một ao ước ấm êm mà họ không dám chạm đến vì mỗi lần chạm đến là vướng phải cảnh thiếu trước hụt sau.

Tốt nghiệp THCS, Đậu Kim Liên vào Sài Gòn kiếm việc khi bố mẹ vừa nghỉ hưu non. Nghĩ là sẽ sớm về lại gia đình nhưng rồi cô hạ quyết tâm chỉ khi nào có một số vốn lận lưng mới về. Đầu tiên cô nhờ bạn bè xin cho đi làm công nhật ở các xí nghiệp gia công giày dép, làm nhận tiền công từng ngày, không có lương và chế độ. Đó là những ngày bấp bênh vì không có việc đều đặn. Ngay cạnh căn nhà trọ lụp xụp trên đường Hồ Học Lãm (Q. Bình Tân, TP.HCM) là một ao nước tù mọc đầy rau muống dại. Cô bảo ngày cô mới vào đã có ao rau muống này, nhờ nó mà cô có những bữa ăn có canh rau. “Hầu như ai mới làm công nhân đều có hũ rau muống giầm chua trong phòng”, Liên cười.

Trước kia Liên cảm nhận ngày tết trôi nhanh đến “tiếc đứt ruột”, nhưng 12 năm nay ngày tết trôi qua ì ạch đến sốt ruột. Buồn nhất là lúc bạn bè lên xe về quê còn mình ở lại. Liên kể người lên xe không dám vui vì sợ bạn ở lại buồn, còn người ở lại, nói theo cách của Hương - em gái Liên, thì “chỉ muốn bay về quê”. Liên đã từng an ủi một người bạn khóc rưng rức sau khi tan ca vì một cái vỗ vai hớn hở của người bạn: “Tao về quê đây”. Với Liên, người ở lại sợ nhất là lời chào tạm biệt.

Hương đã ở lại trong căn nhà trọ này với chị và đón giao thừa 11 năm. Xóm trọ công nhân đêm giao thừa là vui nhất, chủ trọ cho công nhân mở nhạc to hết ga. Dọc đường Hồ Học Lãm vui như mở hội, công nhân ùa ra tay bắt mặt mừng chúc nhau những lời tốt đẹp. Hương cho rằng những lời chúc đó để dành cho giấc mơ, còn bây giờ mong sao năm tới có chút tiền để muốn về là về, khỏi phải tính.

Liên kể mấy năm gần đây có điện thoại gọi về nghe tiếng bố mẹ cho đỡ nhớ, ngày trước ngồi viết thư là khóc. Trong điện thoại Liên hỏi mẹ gia đình ăn tết có vui không, mẹ đều lảng sang chuyện khác. Liên hiểu rằng không lẽ mẹ nói vui khi các con của mẹ đón xuân tha hương, chẳng lẽ lại nói buồn giữa ngày tết.

Gửi tết cho quê nhà

Liên nói mình cũng như nhiều công nhân khác đang làm việc ở đây, cũng tính toán thiệt hơn chuyện về - ở rồi thở dài: Coi như ở lại để gửi quê nhà cái tết ấm cúng. Liên, Hương, Tích ngồi tính nhẩm tiền quà, tiền xe... rồi nói giọng buồn buồn: “Tiền vé xe hai chiều hơn 2 triệu đồng, không về thì mua được nhiều quà, mà muốn mua vé xe thì cũng khó mua được, nghe nói phải chen chúc, chờ đợi mà tụi mình suốt ngày ở xưởng”. Tích nói: “Phải có chút ít tiền biếu họ hàng, chẳng lẽ đi xa về mà không có gì”. Như vậy lại đụng đến khoản dành dụm lâu nay. Họ cứ tính tới tính lui như vậy nhiều năm và quyết định sau cùng là ở lại Sài Gòn chờ tết đi qua.

Đến ngày nghỉ tết mới nhận tiền thưởng nên ba cô gái trong nhà trọ đã tạm ứng tiền tiết kiệm mua quà cho gia đình. Mỗi buổi tan ca, cả ba lại cùng đi dạo dọc các con đường. Ngắm nghía một chiếc áo ấm, Hương bảo: “Ngoài quê chắc lạnh lắm, em mua cho mẹ chiếc áo này, ở đây bán rẻ chứ ngoài đó mắc lắm”.

Khu nhà trọ Liên ở có hơn 40 phòng với hơn 120 công nhân, đa số là thanh niên đến từ khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ. Liên cho biết quá nửa số công nhân này sẽ không về. Suốt mấy năm liên tiếp họ đã như thế. “Năm nay sẽ làm một cây hoa đào, ngày 28 tháng chạp sẽ đi sắm một mâm ngũ quả để cầu mong năm tới sẽ được ăn tết ở quê cùng cha mẹ”, Liên lạc quan.

Tặng quà cho sinh viên đón tết xa nhà

Tối 12-1, tại nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (Q.11, TP.HCM), Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ hàng Việt tổ chức chương trình “Sinh viên đón tết xa nhà”, tặng quà và lì xì cho 200 sinh viên khó khăn của 22 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Mỗi phần quà gồm bánh kẹo, nhu yếu phẩm và bao lì xì trị giá 800.000 đồng. Tổng giá trị quà tặng 160 triệu đồng.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên