
Ông Dương Văn Trang, bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - Ảnh: TRẦN MAI
Sáng 15-4, tại Huyện ủy Kon Plông (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum tổ chức hội nghị “Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh”.
Thống nhất nhiều vấn đề sáp nhập Quảng Ngãi, Kon Tum
Tại hội nghị, hai tỉnh thống nhất thành lập 6 tổ công tác chung để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Trung ương giao, gồm: tổ công tác về đơn vị hành chính; tổ công tác về tổ chức, bộ máy, biên chế; tổ công tác về cán bộ; tổ công tác về chính sách địa phương; tổ công tác về trụ sở, tài sản công, tài chính, ngân sách; tổ văn kiện Đại hội Đảng.
Để công việc trôi chảy, hai tỉnh thống nhất các “đầu mối” tương ứng để thuận tiện trao đổi, giải quyết công việc.
Buổi làm việc cởi mở, lãnh đạo hai tỉnh thẳng thắn trao đổi để việc sáp nhập diễn ra song song và công việc không đứt đoạn.
Trong đó, Ban Thường vụ hai tỉnh đều thống nhất việc sáp nhập tỉnh là chủ trương đúng đắn. Vì Kon Tum và Quảng Ngãi đều có những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển mạnh sau khi sáp nhập.
Trong đó lợi thế của Kon Tum là cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu, sầu riêng…), cây dược liệu sâm ngọc linh; cửa khẩu Bờ Y; Măng Đen thuận lợi phát triển du lịch…
Còn Quảng Ngãi với lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất; nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng giao thông thuận tiện…
Vì vậy, hai tỉnh khi sáp nhập sẽ phát triển mạnh về kinh tế lẫn du lịch, dịch vụ nếu đầu tư đúng và trúng.

Ông Dương Văn Trang (phải) - bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - trao đổi với bà Bùi Thị Quỳnh Vân - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Nguyễn Hoàng Giang - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Giang, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Lê Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nhắc đến việc tăng tốc đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác, rút ngắn khoảng cách đi lại, mở rộng hành lang phát triển kinh tế của tỉnh sau sáp nhập.
Bởi hiện tại quốc lộ 24 là đường gần nhất nối hai tỉnh nhưng còn một đoạn (dài khoảng 62km) là đường cấp 5 miền núi rất hẹp và quanh co, đi lại khó khăn.
Tạo thuận lợi nhất cho bộ máy hành chính và cán bộ
Ông Dương Văn Trang, bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, cho rằng “sáp nhập là bàn và làm”, sau ngày 1-9 phải có bộ máy, có cấp ủy của tỉnh Quảng Ngãi mới.
Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thống nhất đề án sáp nhập do tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, giao UBND hai tỉnh tiếp tục bàn bạc, thực hiện kế hoạch sáp nhập, trình Ban Thường vụ hai tỉnh cho ý kiến để hoàn chỉnh và báo cáo Trung ương.
“Tôi đề nghị nghiên cứu, tự xử lý, tự giải quyết để làm sao bộ máy đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhanh nhất”, ông Trang nói.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng sau khi Quảng Ngãi - Kon Tum sáp nhập, từ biển lên đến biên giới phải đi khoảng 1 ngày. Đường sá xa xôi, sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi mới tập trung hành chính về TP Quảng Ngãi, việc xử lý công việc ở tỉnh Kon Tum hiện nay sẽ như thế nào, nhất là các xã biên giới. Cần tính toán để xử lý nhanh nhất mọi công việc.
Ngoài ra, cán bộ Kon Tum khi về TP Quảng Ngãi làm việc sau sáp nhập tỉnh, ông Trang mong quan tâm nơi ăn chốn ở sớm để ổn định làm việc. Quảng Ngãi có trách nhiệm lên phương án tiếp nhận con em cán bộ từ Kon Tum về TP Quảng Ngãi làm việc.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tin tưởng với tinh thần cởi mở, đoàn kết hai tỉnh sẽ đi đến thống nhất việc sáp nhập - Ảnh: TRẦN MAI
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho rằng từ đây đến ngày 1-9 chắc chắn sẽ có rất nhiều việc để làm, hai tỉnh làm việc với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ cùng nhau thì chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tốt nhất.
“Tôi tin rằng với không khí tình cảm mà hai tỉnh dành cho nhau, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu mong muốn”, bà Vân nói.
Với buổi làm việc đầu tiên này, bà Vân cho rằng chỉ là tiền đề bởi còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, tiếp thu đầy đủ ý kiến của bí thư Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, hoàn thành đề án sớm nhất, đảm bảo chất lượng, yêu cầu, thời gian theo đúng quy định của Trung ương. Đề án sẽ hoàn thành trình xin ý kiến ban thường vụ hai tỉnh để thảo luận.
Vừa xong đề án thì tiếp tục làm các nhiệm vụ có liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế… làm thế nào để tỉnh vận hành tốt nhất và sát dân.
“Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, sẽ thay mặt Bộ Chính trị chủ trì việc sáp nhập của tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.
Theo chương trình, đồng chí Thắng sẽ làm việc với Ban Thường vụ hai tỉnh để lắng nghe đầy đủ và chắc chắn hai tỉnh sẽ có đề đạt với Trung ương những nguyện vọng của mình để Trung ương có hướng tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc sáp nhập”, bà Vân thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận