Hạt vàng được cho là cổ xưa nhất thế giới chỉ nặng 15 centigram và có đường kính 4mm - Ảnh: REUTERS |
Theo Reuters, hạt vàng nói trên được phát hiện cách đây hai tuần tại một di chỉ khảo cổ của người tiền sử có niên đại khoảng 4500 - 4600 trước Công nguyên. Khu vực này ngày nay là thị trấn Pazardzhik, miền nam Bulgaria.
Giáo sư Yavor Boyadzhiev tại Viện Khoa học Bulgaria nhấn mạnh: “Đây là một phát hiện rất quan trọng. Dù nó chỉ là một hạt vàng nhỏ bé nhưng nó đủ lớn để có chỗ đứng trong lịch sử”.
Theo giáo sư Boyadzhiev, niên đại của hạt vàng này lớn hơn vàng Varna khoảng 200 năm.
Năm 1972, cũng tại Bulgaria, người ta đã phát hiện được các đồ trang sức bằng vàng có từ thời đồ đồng đá tại thành phố Varna bên bờ biển Đen.
Các nhà khảo cổ sau đó đã đặt tên chúng theo nơi khai quật là vàng Varna. Suốt một thời gian dài sau đó, chúng được xem là đồ tạo tác bằng vàng cổ xưa nhất thế giới.
Nói về phát hiện mới, giáo sư Boyadzhiev tin rằng hạt vàng được chế tác ngay tại địa điểm khai quật bởi những người thuộc một “xã hội có trình độ văn hóa cao” đến từ vùng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) cách đây khoảng 6.000 năm trước Công nguyên.
Ông cũng tin rằng khu vực bên ngoài thị trấn Pazardzhik hiện tại từng là thành phố đầu tiên ở châu Âu.
Hơn 150 mẫu vật là các tượng chim bằng gốm cũng được khai quật cho thấy rất có thể chúng đã từng là vật được các cư dân tại đây tôn thờ. Khoảng năm 4100 trước Công nguyên, thành phố này bị phá hủy bởi các bộ tộc thù địch từ phương bắc.
Nói với Reuters, một nhân viên bảo tàng ở Pazardzhik cho biết hạt vàng nói trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Pazardzhik sau khi nó được phân tích và giám định niên đại chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận