22/06/2024 13:15 GMT+7

'Bức tử' cây xanh bị xử phạt ra sao?

Nhiều bạn đọc bức xúc về tình trạng hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường bị bức tử bằng nhiều hình thức: đóng đinh, trám xi măng, trói gốc cây... Quy định hiện nay xử phạt ra sao?

Dùng cây xanh để treo vỏ xe trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú - Ảnh: HỒNG ĐIỆP

Dùng cây xanh để treo vỏ xe trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú - Ảnh: HỒNG ĐIỆP

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, nhiều cây xanh trên các tuyến đường ở TP.HCM bị "bức tử" bằng nhiều cách như trám xi măng kín gốc, đóng đinh vào thân cây...

Ai "bức tử" cây xanh?

Nhiều bạn đọc bức xúc lên tiếng truy tìm thủ phạm "bức tử" cây xanh.

Độc giả Tuấn Trần cho rằng: "Chắc chỉ một bộ phận kinh doanh, buôn bán mặt tiền đường xung đột lợi ích với cây xanh mới có hành vi xâm hại, tìm cách bức tử, triệt hạ cây xanh". 

Bạn đọc Trương Kiệt nêu ý kiến: "Hành vi này đều do cá nhân hoặc tổ chức ở chỗ có cây làm là chính. Vì họ muốn có mặt bằng không bị cây chắn và để có đủ chỗ cho khách để xe thì đổ bê tông bao sát gốc cây.

Đi các tuyến đường mà có hoạt động kinh doanh đều thấy rất ít cây có không gian gốc rộng rãi. Chỉ có mấy cây ở công viên may ra còn có chút đất mà thở".

"Phần nhiều do chủ nhà ích kỷ, họ chỉ muốn có mặt bằng để kinh doanh không vướng víu cây xanh. Họ chỉ biết lợi ích cá nhân mà không nghĩ lợi ích của cộng đồng" - tài khoản trap****@gmail.com bình luận.

Trong khi đó, bạn đọc VT quy trách nhiệm của đơn vị được giao chăm sóc và bảo vệ cây xanh: "Chăm sóc kiểu nào mà để giàn giáo chống đỡ bóp nghẹt cây sắp chết, bảo vệ kiểu gì mà để gốc cây bịt kín bê tông bao năm mà không xử lý?".

Bạn đọc Nguyễn Đình chất vấn: "Ai là người bức tử cây xanh? Nếu báo chí không lên tiếng thì Công ty Công viên cây xanh TP có biết không?". 

Và theo bạn đọc Nguyen Dong, "công ty cây xanh có trách nhiệm chính trong chuyện này. Cây xanh do đơn vị mình quản lý mà để bức tử ngày này qua tháng nọ không hay biết".

Để chấm dứt tình trạng này, bạn đọc Than Vũ đề xuất: "Nên giao nhiệm vụ bảo vệ cây xanh cho các tổ, khu dân cư vì họ ở tại chỗ giám sát hằng ngày. Bổ sung nội dung bảo vệ cây xanh vào tiêu chí khu phố văn hóa".

Còn độc giả Hang Vinh góp ý: "Tăng cường quản lý chặt cho thuê vỉa hè với cam kết và trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng gắn liền vỉa hè, trong đó có việc bảo vệ cây xanh".

Đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh, có thể bị phạt 30 triệu đồng

Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 54 nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa sẽ bị xử phạt:

Cụ thể phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: 

Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây; chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.

Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định.

Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.

Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.

Ngoài ra phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

Suốt ngày đòi bóng mát, lại thản nhiên Suốt ngày đòi bóng mát, lại thản nhiên 'bức tử' cây xanh

Cây xanh đô thị ở TP.HCM bị "bức tử" bằng nhiều cách như trám xi măng kín gốc, đóng đinh vào thân, vết chém trên thân cây.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên