Hanoi Cinematheque sẽ mất đi là một sự kiện văn hóa được chú ý nhất tuần qua - Ảnh: tư liệu |
Ngay sau khi gửi đến văn phòng Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bức thư này cũng được gửi riêng cho Tuổi Trẻ.
TTO xin trích đăng một phần bức thư này:
Tôi trân trọng gửi bức thư này để trao đổi với ông về vấn đề liên quan đến khu đất 22A Hai Bà Trưng, nơi sẽ xây dựng một khu trung tâm mua sắm.
Mặc dù không phải là công dân Việt Nam, nhưng tôi rất yêu quý đất nước của ông. Tôi đã có 8 năm rất hạnh phúc khi sống và làm việc ở Hà Nội, với vai trò là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Tôi cảm thấy tự hào rằng trong suốt giai đoạn đó, tôi đã hỗ trợ nhiều kế hoạch phát triển quan trọng của Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì tình thân ái và sự tin tưởng mà những người bạn Việt Nam luôn luôn dành cho tôi. Những năm tháng đó đã củng cố niềm tin của tôi rằng Hà Nội là một thành phố kỳ diệu với nhiều tiềm năng để trở thành một trong những đô thị tốt nhất châu Á.
Có thể ông chưa biết, tôi đã cố gắng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với thành phố trong cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi và cuốn sách đã giành được giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014.
Hôm nay tôi viết thư này tới ông với tư cách là một người yêu Hà Nội, chứ không phải với danh nghĩa chính thức từ Ngân hàng Thế giới.
... Tôi muốn nói với ông rằng, tôi hoàn toàn nhận thức được sự cần thiết phải hiện đại hóa khu 22A Hai Bà Trưng. Chất lượng của các công trình trong khu này đang ngày càng xuống cấp, và với vị trí trung tâm của nó, khu đất đó rất có tiềm năng trong việc tạo ra giá trị thương mại lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Mục đích của tôi không phải cố gắng phản đối tiến hành dự án đã được lên kế hoạch từ năm 2009. Dự án này đã được thiết kế với một tổ hợp dịch vụ thương mại và văn hóa, một trung tâm sách và một văn phòng du lịch.
Tuy vậy, tôi tin rằng dự án này có thể tạo thêm giá trị cho thành phố và đóng góp nhiều hơn vào sự sống động về kinh tế và văn hóa của Hà Nội, nếu như dự án kết hợp được cả yếu tố cải tạo và bảo tồn.
Khu đất 22A Hai Bà Trưng, nơi có một khoảng sân vườn tuyệt đẹp, đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của thành phố. Với những lan can theo phong cách trang trí nghệ thuật Art Deco và quán cà phê ngoài trời, mảnh sân vườn này tựa như một ốc đảo thanh lịch và yên bình giữa một khu phố tất bật.
Một cây cổ thụ tuyệt đẹp đã từng được trồng tại đây càng làm tăng sự duyên dáng của nơi này. Mặc dù cây cổ thụ này đã chết, nhưng chắc chắn nó có thể được thay thế bằng một cây mới trong chiến dịch trồng cây xanh của ông.
Khu vực này cũng là một phần không thể thiếu trong lịch sử của thành phố. Các tòa nhà xung quanh khoảng sân vườn đã từng là trụ sở của Vụ Bảo tồn bảo tàng.
Việc bảo tồn thành công di sản văn hóa phong phú của Việt Nam những năm sau khi độc lập chính là nhờ vào Vụ Bảo tồn bảo tàng này, cùng với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế (chủ yếu từ khối Xô viết), những người đã giúp phát triển năng lực và chuyên môn của các nhà bảo tồn Việt Nam.
Sau đó, nơi đây đã trở thành khách sạn Văn nghệ sĩ, nhà khách của Bộ Văn hóa. Nhiều trí thức hàng đầu của Việt Nam đã từng sống một thời gian dài ở đây.
Gần đây hơn nữa, trong ít nhất 14 năm qua, khoảng sân vườn này đã trở thành địa điểm của rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque. Được vận hành như một tổ chức phi lợi nhuận bởi Gerald Herman, một công dân Mỹ, rạp Cinematheque đã trở thành một điểm sáng trong đời sống văn hóa của Hà Nội.
Nó là nơi chúng ta đã được xem những bộ phim tuyệt vời nhất từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nó cũng là nơi chúng ta đã thưởng thức Bao giờ cho đến tháng mười, một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam; hay bộ phim rất Hà Nội và vô cùng tinh tế Mùa hè chiều thẳng đứng. Và nó là nơi chúng ta đã có thể giao lưu với Phùng Thị Lệ Lý, nhân vật ngoài đời thật của bộ phim Trời và Đất của Oliver Stone.
Việc xây dựng và duy trì một trung tâm văn hóa được xem là khó hơn rất nhiều so với việc xây dựng và vận hành một trung tâm mua sắm. Nhưng ít nhất, việc duy trì và bảo tồn sự sống động của thành phố là điều rất quan trọng.
Một thành phố muốn thu hút được những tài năng từ khắp nơi trên thế giới thì rất cần một nơi (hoặc nhiều nơi) như khu sân vườn này… và thành phố có thể sẽ chỉ giống như một tỉnh lẻ quê kệch nếu chọn xóa bỏ những nơi như vậy.
Những người làm trong các lĩnh vực có trị gia tăng cao, từ phần mềm đến tài chính, từ các trường đại học đến truyền thông, đều bị hấp dẫn bởi những thành phố sôi động và sống động, với điểm nhấn ấm cúng như khoảng sân vườn trong khu 22A Hai Bà Trưng, và với những tụ điểm văn hóa giống như rạp Cinematheque của nó.
Một vài trong số những thành phố hấp dẫn nhất trên thế giới đã làm được việc rất tuyệt vời là kết hợp giữa bảo tồn và hiện đại, theo những cách mà vừa làm tăng cả lợi nhuận kinh doanh lẫn sự sống động về văn hóa.
Từ Covent Garden tại London tới Ghirardelli Square tại San Fracisco, các trung tâm thương mại sầm uất đã bảo tồn được những kiến trúc cổ trong khi chúng vẫn mang dáng dấp một không gian mua sắm hiện đại. Và các cửa hiệu đều trở nên phát đạt hơn vì chúng dường như tao nhã và tinh tế hơn các cửa hiệu ở một trung tâm mua sắm “thông thường”.
Người Paris vẫn hối tiếc vì quyết định của họ trong việc phá bỏ Les Halles, những cửa hàng của chợ bán buôn cổ, là vì trung tâm mua sắm thay thế chúng đã được cho là nhạt nhẽo, thiếu bản sắc. Ba mươi năm sau đó, Paris hiện vẫn đang cố gắng sửa chữa sai lầm này một cách khó nhọc.
Hà Nội có một cơ hội tuyệt vời để bảo tồn khoảng sân vườn tại 22A Hai Bà Trưng như một phần tinh tế nhất (thậm chí có thể là đắt giá nhất)... Thông qua bức thư này, tôi muốn đề xuất ông xem xét tới phương án này.
Là một chuyên gia kinh tế, tôi hoàn toàn hiểu rằng trong một nền kinh tế thị trường thì các hợp đồng cần phải được tôn trọng. Nhưng tôi tin rằng dự án sắp tới sẽ có thể thu được lợi nhuận cao hơn nếu nó cũng trở thành một biểu tượng đáng tự hào của một Hà Nội đang ngày càng tinh tế hơn.
Thông qua thư này, tôi muốn trân trọng kiến nghị ông tạm hoãn việc phá bỏ khu sân vườn tại 22A Hai Bà Trưng cho đến khi việc nâng cấp khu vực mang đậm nét văn hóa này được cân nhắc một cách đầy đủ.
Tôi hiểu rằng phương án bảo tồn và nâng cấp khoảng sân này sẽ có thể bị loại bỏ sau khi đã được phân tích kỹ lưỡng bởi các chuyên gia. Nhưng nó sẽ là một tổn thất cho thành phố nếu trước tiên dự án không cân nhắc tới phương án này một cách thấu đáo.
Giống như những người yêu Hà Nội và mong muốn nhìn thấy sự lớn mạnh của nó về kinh tế, xã hội và văn hóa, tôi xin cảm ơn ông vì sự quan tâm của ông đối với bức thư này.
Trân trọng, Martín Rama.
Ông Martin Rama là một chuyên gia kinh tế tại World Bank (Ngân hàng Thế giới). Ông là người yêu Hà Nội với một tình yêu sâu sắc và rất gắn bó với Hà Nội. Ông từng sống ở Hà Nội suốt 8 năm, từ 2002-2010, khi là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Năm 2014, sau khi đã rời Hà Nội, ông Martin Rama vẫn dành tâm huyết viết cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi, như một lời "tỏ tình" của ông dành cho thành phố mà ông yêu và mong muốn được sống ở đó hơn bất cứ một thành phố nào khác trên thế giới. Cuốn sách đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cuối năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận