07/08/2014 06:35 GMT+7

Hà Nội quyến rũ như hương vị của phở

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Cuốn sách ảnh cùng những dòng cảm nhận độc đáo về Hà Nội của một người nước ngoài đã từng sống, làm việc nhiều năm ở Hà Nội vừa được Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành. Ðó là Hà Nội, một chốn rong chơi của MARTIN RAMA.

Tác giả Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, người Uruguay, sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 2002-2010.

Ông còn là tác giả cuốn sách Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi, viết dựa trên rất nhiều cuộc trao đổi với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về cuốn sách mới.

* Ðộng lực nào thôi thúc ông cầm máy ảnh, chụp hàng nghìn bức ảnh và tìm hiểu chi tiết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… của Hà Nội để cho ra đời Hà Nội, một chốn rong chơi?

* Hình ảnh đầu tiên về Hà Nội, đối với hầu hết du khách nước ngoài, là sự hỗn loạn. Cực kỳ hỗn loạn. Như một dòng sông cuộn chảy, hàng nghìn xe máy lấp kín những con phố (đôi khi tràn lên cả vỉa hè) và dường như chẳng thèm quan tâm đến đèn tín hiệu hay quy tắc an toàn giao thông... (trang 25).

* ... Và có một mùa thu thật kỳ diệu, những làn gió dịu dàng và ánh nắng vàng rực rỡ đã là nguồn cảm hứng của không biết bao nhiêu thế hệ nhà thơ [...]. Chẳng phải ngẫu nhiên mà phụ nữ Hà Nội có nhiều người tên Thu hơn là Xuân (trang 85).

- Thật sự thì nhiều năm trước tôi không hề có ý định viết sách về Hà Nội. Tôi đã sống ở đó từ năm 2002 đến năm 2010. Tôi yêu thành phố này ngay từ lần đến đầu tiên, đó là vào năm 1998.

Trong khoảng thời gian dài tôi ở lại đó, tôi thường cầm máy ảnh dạo chơi khắp các ngõ ngách Hà Nội vào cuối tuần, cố gắng chụp lại mọi thứ tôi thấy hay, thú vị mà không có bất kỳ mục đích cụ thể nào.

Tôi tìm hiểu về thành phố, về lịch sử, kiến trúc, văn hóa và con người nơi đây.

Chỉ sau khi tôi chọn lọc, phân loại các bức ảnh, tôi mới nhận ra rằng chúng có cùng chủ đề và đủ tư liệu để làm một cuốn sách thú vị. Ðó là khoảng năm 2009, bảy năm sau khi tôi đến sống ở Hà Nội.

* Vậy điều gì khiến ông yêu Hà Nội ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên?

- Với tôi, sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến Hà Nội thật hấp dẫn. Tôi thích kiểu kiến trúc pha trộn của Hà Nội, có nét kiến trúc Trung Hoa, Pháp xen lẫn kiến trúc ảnh hưởng Xô viết. Các kiến trúc thường có những đường viền hỗn độn... nhưng là một sự hỗn độn rất sống động.

Trên tất cả, tôi như bị mê hoặc bởi cuộc sống trên đường phố. Không chỉ là một nơi đi lại, đường phố còn là nơi diễn ra các sinh hoạt đời thường một cách náo nhiệt. Bạn có thể bắt gặp hầu hết mọi thứ như làm việc, ăn uống, những câu chuyện tình... đều có thể xảy ra trên vỉa hè hay trên xe.

* Với riêng ông, cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học về Hà Nội hay là cuốn sách về tình yêu Hà Nội của ông?

- Trước tiên, tôi muốn khẳng định nó là một cuốn sách nghiên cứu khoa học. Khi lên ý tưởng cho cuốn sách, tôi xem các tư liệu, tìm sự kết nối tới mỗi chương, đọc hầu hết mọi thứ tôi có trong tay, nói chuyện với các nhà báo và hỏi thêm ý kiến từ bạn bè.

Nhưng bên cạnh đó, tôi viết cuốn sách bằng tình yêu, như thể Hà Nội là một người con gái rất đẹp. Và cuốn sách là minh chứng tình yêu tôi dành cho “cô ấy” và tôi muốn cho mọi người thấy “cô ấy” thật đặc biệt trong mắt tôi.

* Ông viết trong sách: “Hà Nội giống như một bát phở - đồ ăn tinh tế của thành phố”. Vậy vị ngon của thành phố được tạo nên từ những nguyên liệu nào?

- Phở là một món ăn tinh túy của người Hà Nội, một món ăn thật sự tuyệt vời với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu. Tôi nghĩ nét quyến rũ của Hà Nội cũng như hương vị của phở là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: cách bố trí đường phố, kiến trúc, thời tiết, cuộc sống đường phố…

Mỗi chương trong cuốn sách Hà Nội, một chốn rong chơi được bố trí tương ứng như một thành phần của “tô phở” đặc biệt mà tôi dành tặng người tình Hà Nội.

* Nhưng “cô ấy” từ lần đầu tiên ông gặp năm 1998 đến khi ông rời xa năm 2010 đã thay đổi như thế nào?

- Hà Nội đã thay đổi nhiều so với lần đầu tiên tôi tới vào năm 1998. Hà Nội đang dần phát triển mạnh hơn, thịnh vượng hơn, phức tạp hơn, đông đúc hơn.

Nhiều tòa nhà đẹp được sửa sang lại, nhưng nhiều ngôi nhà khác cũng bị phá hủy hay biến đổi. Xe đạp dần nhường chỗ cho xe máy và sau đó là ôtô.

Thành phố có nhiều thay đổi lớn, theo cả hướng tích cực và tiêu cực xảy ra đồng thời. Và người ta tự hỏi liệu những cô gái làng có giữ mãi được tính cách hay sự ngây thơ của mình.

Liệu cô ấy sẽ vẫn thích đạp xe với người đàn ông cô ấy yêu hay thích đi mua sắm với những người giàu có hơn và thường trả tiền cho cô ấy.

Thi thoảng tôi cũng lo lắng bởi sự phát triển mà tôi chứng kiến. Nhưng tôi hi vọng Hà Nội sẽ không đánh mất “linh hồn” khi “cô ấy” ngày càng phát triển.

Một “Hà Nội đáng yêu và đáng sống”

Cuốn sách (bản tiếng Việt của cuốn sách do Nguyễn Văn Tùng dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành) gồm 20 chương và hàng trăm bức ảnh tái hiện một “Hà Nội đáng yêu và đáng sống” - theo lời ông Martin Rama. Ở đó, có những món ăn được chế biến bằng những nguyên liệu tươi ngon với liều lượng lý tưởng, những tòa nhà được xây dựng với rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, đền chùa và nhà thờ nằm xen lẫn với những khu buôn bán sầm uất, những khu phố cổ mang dáng dấp cổ xưa nhưng chật chội với những xe xích lô, gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè…

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hà Nội Martin Rama