Phóng to |
Ông Martin Rama - Ảnh: Cẩm Hà |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ông Martin Rama phân tích:
- “Trong ba năm liên tiếp GDP của VN tăng trên 8%, điều đặc biệt là tăng cùng với sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Năm nay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng mức kỷ lục cả về vốn cam kết và thực hiện, cho thấy tín hiệu tích cực từ cải cách đang hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy vậy, VN đang đối mặt với thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai, nhưng do nhập siêu chủ yếu tập trung vào máy móc thiết bị nhằm chuẩn bị cho tăng trưởng, chẳng hạn nhập máy bay, thiết bị lọc dầu, sợi cho ngành dệt... cộng với ở đầu kia là nguồn ODA, FDI, tiền chuyển từ nước ngoài về... đều tăng nên thâm hụt thương mại chưa ở mức đáng lo ngại lắm.
Điều đáng chú ý là lạm phát đến nay đã ở mức trên 10% tính cho cả năm, trong đó giá thực phẩm chiếm đến 43% chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), một phần do giá thực phẩm quốc tế tăng, phần do lũ lụt trong nước kéo dài.
Ngoài ra giá sắt thép, bột mì ở thị trường quốc tế tăng mạnh là một nguyên nhân. Một tác động ngắn hạn nữa là giá dầu. Theo WB, VN đã có chính sách đúng khi không trợ cấp các nhà cung cấp sản phẩm chế biến từ dầu thô.
Những điểm cộng trong tình hình kinh tế năm nay: - Nợ công và nợ nước ngoài vẫn ở mức kiểm soát được. - Thị trường chứng khoán đi vào ổn định, các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn. - Sức ép chứng khoán chuyển sang đối với các tài sản khác như bất động sản. |
Dòng vốn đổ vào thị trường mạnh nhưng chưa có cơ quan điều tiết đủ năng lực, chính sách ngoại hối, ngoại tệ chưa phát huy tác dụng vì chính sách của Chính phủ trong thị trường tiền tệ và hối đoái không nhất quán.
Chính phủ mua vào nhiều USD và bơm tiền đồng ra thị trường có thể làm giảm giá đồng USD không chỉ ở mức 16.000 đồng/USD mà có thể là 12.000 đồng, 10.000 đồng... sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu hơn và tạo sức ép cho lạm phát.
Các tập đoàn kinh tế như Petro Vietnam, Vinashin... có xu hướng thành lập tập đoàn tài chính nội bộ, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa tài chính và thương mại, có thể ẩn giấu tình huống không lành mạnh về lâu dài.
Kinh nghiệm khủng hoảng ở Chile năm 1998 cho thấy các tập đoàn kinh tế mạnh cho vay nội bộ từ nguồn vốn huy động của công chúng, khi mất chức năng đầu tư tiền hiệu quả sẽ có nguy cơ xáo trộn thị trường”.
Về triển vọng VN trở thành nước có thu nhập trung bình sẽ tác động đến ODA dành cho VN như thế nào, ông A. Chhibber nhận định:
“Tôi không thể dự báo về con số cụ thể ODA cam kết cho VN, nhưng lạc quan về điều đó. Tuy FDI vào VN tăng trưởng rất mạnh nhưng chủ yếu dồn vào một số lĩnh vực nhất định, còn lại nhiều lĩnh vực rất khó thu hút FDI như xóa đói giảm nghèo, phát triển khu vực nông thôn... vẫn cần thêm ODA khi VN chuyển đổi nền kinh tế của mình.
Kinh nghiệm ở các nước khác là ngoài đầu tư tư nhân thì đầu tư công vào mạng lưới giao thông cơ bản, truyền dẫn điện... là chính. WB sẽ thuyết phục các đối tác phát triển của VN đẩy mạnh cam kết vì trong 3-5 năm tới, VN vẫn cần rất nhiều vốn ODA. Xin đừng có ấn tượng là ODA sẽ biến mất và FDI tăng vọt khi VN trở thành nước có thu nhập trung bình”.
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) vào ngày 6 và 7-12 tới sẽ tập trung vào các chủ đề tham nhũng, quản trị quốc gia; triển vọng giai đoạn 2010-2020 của VN với các kế hoạch trung hạn ra sao để duy trì tăng trưởng và đưa thành quả phát triển tới mọi người, những thách thức sẽ nảy sinh khi VN trở thành nước có thu nhập trung bình. Diễn đàn doanh nghiệp VN diễn ra trước đó, ngày 4-12, sẽ là cơ hội để đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại VN bày tỏ suy nghĩ về môi trường đầu tư và kinh doanh tại VN, những ưu điểm và vướng mắc cần giải quyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận