18/05/2012 10:35 GMT+7

Bức ảnh từ lòng đất

NGỌC NGA - TƯỜNG MY
NGỌC NGA - TƯỜNG MY

TT - Một phụ nữ hơn 30 năm trời đi tìm mộ em trai đã hi sinh trong chiến tranh. Hành trình ấy tưởng chừng dừng lại khi sức khỏe của bà yếu dần, còn tin tức về người em vẫn bặt vô âm tín.

2PzW4tym.jpgPhóng to

Bà Tâm quý bức ảnh hơn tất cả những gì mình đang có - Ảnh: N.Nga

Nhưng một ngày, bức hình kỷ niệm đã giúp người chị tìm ra em mình. Hành trình đi tìm mộ em trai của bà Phạm Thị Tâm (thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội) đã kết thúc nhờ bức ảnh của chính mình trở về từ lòng đất.

30 năm tìm em

“Chị ở nhà chăm thầy cho em, có tấm hình này của chị bên cạnh em sẽ chân cứng đá mềm”. Cậu em trai Phạm Văn Duyệt của bà Tâm, vừa tròn 17 tuổi, cười thật tươi rồi nhét bức hình chị gái vào túi áo. Bà Phạm Thị Tâm cứ nấc nghẹn mỗi lần nhớ lại từng lời của cậu em trai bé bỏng trong một buổi chiều năm 1967 ở Nho Quan (Ninh Bình).

Lặn lội tới thăm em trai trước lúc em lên đường nhập ngũ, bà Phạm Thị Tâm mang theo một bọc sắn luộc cùng mấy đồng bạc làm quà cho em. Nhưng anh Duyệt nhất quyết bắt chị mang tiền về mua thuốc cho cha, bọc sắn hai chị em cùng ăn với nhau và chỉ xin một tấm hình chân dung chị để mang bên mình cho đỡ cô đơn nơi chiến trường.

Đó là tấm hình mà bà Tâm góp tiền tiết kiệm để chụp lúc bà tròn 18 tuổi. Trước lúc trao cho em, phía sau bức hình bà vội vàng viết mấy chữ “Chị Tâm thương tặng em”. Bức hình được anh Duyệt bọc cẩn thận trong bao nilông và mang bên mình vào chiến trường.

Hai năm sau, bà Tâm nhận được giấy báo tử của em trai. Nỗi đau mất đứa em trai yêu quý khiến bà khóc chẳng thành tiếng. Khi đó bà là một cô gái xinh đẹp được nhiều người ướm hỏi làm vợ, nhưng lời dặn của em trai khiến bà không thể để người cha già đang đau bệnh một mình mà đi lấy chồng. Suốt mấy năm trời bà một mình nuôi cha, cáng đáng công việc gia đình. Lúc ông cụ hấp hối có dặn Tâm: “Con gắng tìm em về gần cha mẹ, dòng tộc. Đừng để em ở nơi xa xôi mà lạnh lẽo”.

Cũng như lời dặn của em trai, bây giờ lời của cha cũng khiến bà xem là một điều thiêng liêng cần thực hiện. Vậy là hơn 30 năm trời dửng dưng trước mọi lời ướm hỏi, bà lặn lội khắp nơi đi tìm hài cốt của người em: liệt sĩ Phạm Văn Duyệt. Chỉ cần nghe thấy một tin tức nhỏ nào của em là bà lặn lội đến đó. Gom bán hết tài sản có được, bà gõ cửa các ban ngành, tìm đến tận đơn vị của anh Duyệt để mong có được tin tức về mộ em nhưng vẫn là con số không.

Kiên quyết tìm, bà còn sang tận nước Lào xa xôi. Nhưng tin em vẫn mù mịt. Mong ngóng em nhiều nên bà dần yếu đi, bệnh tật triền miên. Giấc mơ tìm gặp đứa em tội nghiệp không thôi ám ảnh bà mỗi đêm. Có lúc sức khỏe của bà yếu quá, cuộc hành trình tưởng như phải dừng lại khi bà mang nhiều thứ bệnh trong người. Đêm đêm, người phụ nữ ấy vẫn đơn độc trong căn nhà cũ, khóc đẫm nước mắt vì nghĩ mình sắp sức cùng lực kiệt mà vẫn chưa thực hiện được lời trăng trối của cha, chưa đưa được em trai về bên gia đình, dòng tộc.

Hi vọng tưởng chừng như sắp tắt thì một ngày bà tình cờ gặp được trung tá Nguyễn Thị Tiến, khi ấy là phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4...

Bức ảnh trở về

Trung tá Nguyễn Thị Tiến vẫn còn nhớ như in trong tâm trí mình giây phút bắt gặp bà Tâm ở con đường vào xã Lệ Chi. Hôm ấy lúc vừa đến xã Lệ Chi, trung tá Tiến gặp một phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé đang ghìm con bò bên đường. Bà hỏi thăm đường vào UBND xã thì người phụ nữ ấy ngước nhìn lên nở một nụ cười thật tươi, bà Tiến giật mình nhận ra nụ cười ấy chính là nụ cười trong tấm ảnh mà bà đang đi tìm.

Mộ liệt sĩ Phạm Văn Duyệt được trung tá Nguyễn Thị Tiến tìm thấy ở khu vực suối Trâu (Kengthoong, Savannakhet, Lào).

“Trong mộ anh Duyệt, chúng tôi tìm thấy một số giấy tờ được bọc trong nilông nhưng tất cả đều đã mờ hết. Duy chỉ có tấm ảnh chân dung của một người con gái nằm giữa xấp giấy tờ ấy còn nguyên vẹn. Một người con gái có nụ cười rất xinh. Lúc đó tôi nghĩ có thể là người yêu của anh. Phía sau bức ảnh là những dòng chữ đã mờ chỉ còn những chữ: T.thắng-GN-HN. Tôi thắp hương xin với linh hồn anh hãy cho phép tôi mang bức ảnh ấy về bởi đó là manh mối duy nhất để trả lại tên cho anh” - bà Tiến nhớ lại.

Mang bức ảnh về, bà Tiến không thôi trăn trở làm sao để tìm ra người trong ảnh thì những bí ẩn về người liệt sĩ kia sẽ được giải mã. Ròng rã mấy năm liền, bà đi tìm các đầu mối liên quan đến bức ảnh. Bà đặt giả thiết những chữ viết tắt kia là quê của người liệt sĩ ở Toàn Thắng, Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi tìm hiểu xã Toàn Thắng đã được đổi thành xã Lệ Chi, bà lặn lội về đó để tìm tung tích người trong bức ảnh. Thật không ngờ, ngay khi đặt chân đến xã Lệ Chi, người đầu tiên bà Tiến gặp lại là người có nụ cười y hệt như trong bức hình.

Khi nhận ra nụ cười ấy, bà Tiến xin phép vào nhà người phụ nữ kia rồi lấy trong túi ra tấm ảnh chân dung. Lúc đó, người phụ nữ giật thót rồi hỏi dồn bà Tiến vì sao có tấm ảnh của mình. Bà Tiến trình bày câu chuyện đang đi tìm tên cho một liệt sĩ mà trong mộ chỉ có mỗi một tấm ảnh này còn nguyên vẹn.

Lúc nghe xong, người phụ nữ kia òa khóc nức nở. Thì ra người phụ nữ ấy chính là bà Phạm Thị Tâm, chị gái của liệt sĩ Duyệt. “Phạm Văn Duyệt, tên của anh đã được trả lại, anh không còn là liệt sĩ vô danh. Lúc về Lệ Chi, tôi nghĩ tìm ra người trong ảnh quả thật là mò kim đáy biển vì bức ảnh quá lâu rồi lại chẳng có một cái tên. Nhưng khi bắt gặp nụ cười của bà Tâm, tôi quá đỗi bất ngờ” - bà Tiến chia sẻ.

Lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Văn Duyệt được tiến hành ngay sau đó trong niềm hạnh phúc tột độ của người chị hơn 30 năm đi tìm mộ em. Sau khi đưa em trai về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Lệ Chi, bà Tâm làm một mâm cơm đạm bạc kết nghĩa chị em với bà Tiến, người mà bà coi là “ân nhân của dòng họ Phạm chúng tôi”- giọng bà Tâm xúc động khi nhắc đến người chị em kết nghĩa của mình.

Bức ảnh chân dung bà Tâm được trung tá Tiến xin phép giữ lại làm kỷ vật ở bảo tàng để kể chuyện cho mọi người nghe. Và bà cũng không quên phóng thêm một tấm hình nữa để tặng bà Tâm. Bây giờ, bà Tâm quý bức hình ấy hơn tất cả những thứ mình có trong nhà. “Bức ảnh này đã bên cạnh em tôi, vậy mà nó vẫn không chân cứng đá mềm được. Nhưng nhờ nó mà tôi tìm được Duyệt. Hình ảnh của tôi đã ở bên cạnh em mọi lúc, kể cả khi lạnh lẽo nhất” - bà Tâm mân mê bức ảnh, giọng nghẹn lại vì xúc động.

__________

Kỳ tới: Nhận và trao

NGỌC NGA - TƯỜNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên