01/10/2021 11:23 GMT+7

Bữa trưa ngon nhất trong mùa dịch

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Những bệnh nhân đang điều trị đón nhận món phở trong tiếng rộn ràng của con trẻ và niềm vui của nhiều người bệnh lớn tuổi mấy lâu nay không ăn được vì mất mùi.

TP.HCM những ngày cuối tháng 9 cuộc sống bình thường mới đang có những thay đổi theo hướng tích cực sau thời gian dài căng mình chống dịch, tuy nhiên tại các bệnh viện dã chiến, thu dung vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang điều trị.

Cơn mưa lớn sáng 30-9 đã buộc bếp nấu phở dã chiến của những chủ quán phở trong "Xe phở yêu thương" di dời xuống tầng hầm của Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 (Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM). Nhưng cũng có thể vì mưa mà phở hôm nay được khen ngon, thậm chí là bữa trưa "ngon nhất từ đầu mùa dịch đến nay".

8 thương hiệu phở với hơn 3.000 suất được chuẩn bị để phục vụ những thực khách đặc biệt trong khu dã chiến đã làm nên một bữa tiệc phở đáng nhớ với những người tham gia. Nhiều bác sĩ sành ăn đã "tròn mắt" khi phát hiện phở được phục vụ hôm nay đến từ thương hiệu nổi tiếng mà mình rất ưa thích bấy lâu. 

Bác sĩ Hiếu (Trường ĐH Y dược TP.HCM) đứng xếp hàng nhận phở cho đồng nghiệp, nói trong 8 thương hiệu phở ở đây có vài thương hiệu anh vẫn hay dùng. Nhưng bất ngờ nhất là lần đầu tiên được thưởng thức hương vị đa dạng như thế. "Tôi hay ăn phở và chỉ ăn quán quen. Giờ mới biết phở Việt mình cũng cực kỳ phong phú, nhiều phong cách và có điểm chung là phở nào cũng ngon", bác sĩ Hiếu cho biết.

Những tô phở dù không quá lớn về vật chất nhưng tác động phần nào đến tâm lý của bệnh nhân.

TS.BS tâm lý Lê Minh Thuận

Những bệnh nhân đang điều trị đón nhận món phở trong tiếng rộn ràng của con trẻ và niềm vui của nhiều người bệnh lớn tuổi mấy lâu nay không ăn được vì mất mùi. Nhận các suất phở cho bữa trưa tại phòng điều trị, bà Đặng Thúy Liễu (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết mấy tháng nay giãn cách và đi cách ly nên chưa được ăn phở nóng như ở tiệm. "Hôm nay tôi vừa lấy lại được mùi thì được ăn phở, vui quá luôn", bà Liễu nói.

Bữa trưa ngon nhất trong mùa dịch - Ảnh 3.

Tình nguyện viên đẩy xe phở và gõ cửa từng phòng giao phở để mọi người ăn trưa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có phòng bệnh 11 người là cả xóm cùng đi cách ly, trong đó hơn một nửa là trẻ em, khi nghe có phở đã đứng ngóng sẵn trước cửa. "Được ăn phở ngon cảm giác chỉ mong ngày bình thường nhanh trở lại" - chị Thoa, một bệnh nhân, chia sẻ trong những ngày chờ xét nghiệm để được về nhà.

Các chiến sĩ dân quân ở khu bệnh viện dã chiến cũng có một ngày vất vả hơn vì phân phát phở phải thật nhanh để phở còn giữ được nóng và thật cẩn thận để tránh bị đổ nước dùng, nhưng thấy bà con xin thêm thì ai cũng vui.

Anh Nguyễn Tuấn Trung, chủ thương hiệu Phở Phú Gia, đơn vị tham gia 1.000 suất phở trong chuyến "Xe phở yêu thương", cho biết những ngày qua rất bận rộn nhưng vui thì không tả xiết.

"Cả mùa dịch quán đóng cửa, chúng tôi cũng đùa không khéo quên công thức nấu phở luôn. Nếu được nấu phở cho các bệnh nhân F0, cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch hằng ngày, quán vẫn sẵn sàng. Nếu có nguồn lực, có người cùng chung tay, chúng tôi không ngại tiếp tục đưa phở vào các bệnh viện, cùng hỗ trợ bác sĩ những bữa ăn ngon và bổ dưỡng trong cuộc chiến chống dịch", anh Trung nói.

Bữa trưa ngon nhất trong mùa dịch - Ảnh 4.

Sau khi hoàn tất trao phở tại Bệnh viện dã chiến số 3 (TP.Thủ Đức, T.HCM), chị Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân - chủ tiệm Phở 34 Cao Thắng đã tiêm vắc xin mũi - Ảnh: D.PHAN

Sự kiện "Xe phở yêu thương" tạm khép lại ba ngày phục vụ bằng một việc làm ý nghĩa của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đó là tiêm vắc xin cho 35 thành viên của 12 thương hiệu phở tham gia chương trình. Đây là những người đã đến thời hạn tiêm mũi 2 AstraZeneca nhưng vẫn chưa được tiêm.

Niềm vui tinh thần từ những tô phở yêu thương

Tiến sĩ - bác sĩ tâm lý Lê Minh Thuận (công tác tại Trường ĐH Y dược TP.HCM) được tăng cường về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để giúp việc điều trị sang chấn tâm lý của bệnh nhân F0. Ông cho rằng những chương trình từ thiện nói chung và "Xe phở yêu thương" nói riêng đã giúp bệnh nhân F0 những niềm vui tinh thần…

Tiến sĩ Thuận cho biết, ông quan sát thấy các bệnh nhân tại KTX Trường cao đẳng Công thương rất vui và háo hức khi nghe thông báo trưa 28-9, thay vì cơm hộp như thường lệ, là suất phở nóng hổi được "ship tận phòng". Những tô phở dù không quá lớn về vật chất nhưng tác động phần nào đến tâm lý của bệnh nhân. Mặc dù có người thích phở, người thích cơm, có người không thể ăn do bệnh nặng nhưng họ cũng có được niềm vui tinh thần.

"Niềm vui đó tạo nên tâm lý an tâm khi không ai bị bỏ lại phía sau. Trong nhóm chat Zalo của tôi với các bệnh nhân đang được tư vấn, điều trị tâm lý, họ nhắn cảm ơn chương trình "Xe phở yêu thương" nhiều lắm. Đó là một minh chứng cho thấy hiệu quả của chương trình" - ông Thuận cho biết.

Trong những ngày căng thẳng của dịch bệnh, thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong và nhiều người bệnh bị kích động, tổn thương do đại dịch, bác sĩ Thuận thú nhận bản thân ông cũng bị sốc nặng. Ngoài nhiệm vụ điều trị tâm lý cho F0, ông cũng nhờ đồng nghiệp giúp mình vượt qua căng thẳng trong quá trình chống dịch.

Bác sĩ Thuận cho rằng trong các bệnh viện điều trị COVID, gần như 100% bệnh nhân cần hỗ trợ tâm lý, mỗi người cần hỗ trợ một kiểu. Có những bệnh nhân F0 khi người thân qua đời do COVID-19 thì họ bị sốc, dẫn đến trầm cảm. Biểu hiện rõ nhất của họ là chỉ một câu hỏi nhưng họ hỏi đi hỏi lại hoài mà vẫn không nhớ được bác sĩ đã trả lời thế nào…

Hỏi ông trong mấy tháng chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân F0 có ca nào đáng nhớ nhất thì ông kể: "Xin phép cho tôi không nêu tên bệnh nhân, nhưng đó là một ca bị căng thẳng đến mức kích động nên đạp tôi một phát bay luôn (cười)! Thường những người ở tuổi trung niên hay gặp vấn đề tâm lý nặng nhất, bởi họ có quá nhiều nỗi lo", ông Thuận cho biết.

Không chỉ bệnh nhân, ngay cả tình nguyện viên, nhân viên y tế cũng cần được hỗ trợ tâm lý khi công việc quá vất vả lại còn phải chứng kiến quá nhiều thảm cảnh.

"Theo tôi, càng có nhiều chương trình thú vị như "Xe phở yêu thương" thì càng giúp chúng tôi được nhiều trong việc ổn định tâm lý cho mọi người", bác sĩ Thuận nói.

DIỆU QUÍ ghi

Thư cảm ơn

Ba ngày thực hiện "Xe phở yêu thương" - giai đoạn 1 chương trình Ngày của phở năm nay - đã hoàn tất vào trưa 30-9. Tổng cộng 5.800 tô phở đã được chuyển tới các y bác sĩ cũng như tất cả các bệnh nhân F0 trong hệ thống do Bệnh viện Lê Văn Thịnh quản lý như KTX Trường cao đẳng Công thương, KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3.

Từ y bác sĩ, bệnh nhân cho đến những người nấu phở đều đã trải qua ba ngày đầy ắp niềm vui. Vui không chỉ vì được thưởng thức một tô phở đúng chuẩn, được thực hiện bởi những đầu bếp lành nghề, nổi tiếng mà còn vui bởi tấm lòng gửi gắm vào từng tô phở đúng với tên gọi chương trình - Xe phở yêu thương.

Ban tổ chức Ngày của phở 2021 xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) vì đã hết sức nhiệt tình, tạo điều kiện cho chương trình được tiến hành vô cùng thuận lợi.

Ban tổ chức Ngày của phở cũng xin chân thành cảm ơn các đầu bếp, các chủ tiệm phở đã nhiệt tình đồng hành với chương trình, cả góp công nấu hộ cũng như nấu tặng trực tiếp trong ba ngày qua với số lượng lên đến 5.800 tô. Đó là các anh chị: Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân (Hoa hồi vàng 2019, chủ quán Phở 34 Cao Thắng), Phở Hoa hồi vàng 2019 Cao Văn Luận (Việt kiều Úc), Nguyễn Tiến Đức (Hoa hồi vàng 2020, chủ tiệm Phở Nhà), Nguyễn Thanh Nguyên (chủ tiệm Phở Hai Thiền), Nguyễn Tuấn Trung và Nguyễn Xuân Chính (Phở Phú Gia), Nguyễn Tự Tin (Hoa hồi vàng 2019, Phở Sâm Ngọc Linh), chủ tiệm Phố Hàng Phở, Nguyễn Ngọc Khánh Thy (Hoa hồi vàng 2020, chủ quán Phở Thy), Nguyễn Thị Khánh Thủy (Hoa hồi vàng 2020, chủ tiệm Phở Ấm), David Long (phó chủ tịch Hiệp hội Master Chief Việt Nam), Võ Thị Ngọc Duyên (Phở Đức Sài Gòn’s View), Mai Thị Ngọc Bích (chủ tiệm Phở Thái Hưng) và Công ty Sportlight.

Ngoài ra, chương trình được thực hiện với một phần kinh phí từ ngân sách tổ chức Ngày của phở 2021 với sự đồng hành chính của Acecook Việt Nam.

Ban tổ chức cũng xin ghi nhận sự mong mỏi của tất cả các quán phở, đó là muốn tiếp tục kéo dài chương trình "Xe phở yêu thương", để được tiếp tục phục vụ y bác sĩ, bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến khác. Đó cũng là ước mong của ban tổ chức Ngày của phở 2021, và chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn!

BAN TỔ CHỨC

Bữa trưa ngon nhất trong mùa dịch - Ảnh 8.
2.700 suất phở yêu thương phục vụ từ tầng hầm xe bệnh viện dã chiến 2.700 suất phở yêu thương phục vụ từ tầng hầm xe bệnh viện dã chiến

TTO - Cơn mưa lớn sáng sớm 30-9 khiến khu vực dành cho 8 gian hàng phở tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 (BV Lê Văn Thịnh, Thủ Đức, TP.HCM) ngập hoàn toàn. BTC đã cho di dời 'đại bản doanh' xuống tầng hầm.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên