07/12/2011 11:36 GMT+7

Bữa cơm nghĩa tình của ông Bảy

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TT - Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, cứ đến giờ tan lớp ca sáng mỗi ngày, gần 100 cô cậu học trò lớp 11, 12 Trường THPT Nguyễn Văn Khải (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) lại í ới rủ nhau đi dùng bữa trưa miễn phí ở nhà ông Bảy.

Read this on Tuoitrenews.vn

n4OZ8EBw.jpgPhóng to

Ông Đinh Văn Bảy (đứng) mỗi ngày vẫn chăm chút bữa ăn cho các cô cậu học trò -Ảnh: M.Thuận

Nhà ông Bảy cách trường chỉ hơn 1km. Sau khi dùng bữa trở lại trường, các em vẫn còn dư thời gian để nghỉ ngơi trước khi vào ca học buổi chiều. Tên đầy đủ của ông là Đinh Văn Bảy, cựu chiến binh. Nhưng do làm nhiều việc thiện nên mọi người quen gọi ông là ông Bảy “từ thiện”.

Giúp học sinh học tốt

Khoảng 11g30, con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Bảy ở ấp 1, xã Hàng Bình Trung trở nên rộn rã tiếng nói cười của các cô cậu học trò tinh khôi áo trắng. Đến nơi, ai nấy nhanh nhẹn xếp xe đạp ngay hàng thẳng lối rồi lần lượt chia nhau ngồi ngay ngắn vào bảy chiếc bàn tròn. Trên đó đã dọn sẵn những thố cơm, dĩa rau luộc, dĩa đồ xào, tô đồ kho, chén mắm... một cách chỉn chu, sạch sẽ.

Bên mâm cơm dọn ra tinh tươm, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 12CB1, xúc động nói: “Nhờ bữa cơm nghĩa tình của ông Bảy mà em và các bạn không phải đạp xe về nhà ăn trưa. Năm nay em học lớp 12, tụi em phải ở lại học ca chiều liên tục. Nếu cứ đi từ trường về nhà rồi lại từ nhà lên trường chỉ để ăn cơm, mà nhà bạn nào cũng cách trường gần 5km thì rất mệt, học sẽ không hiệu quả” - Tuyết chia sẻ.

Ông Bảy cho biết ý tưởng ban đầu chỉ tính nấu bữa cơm dành cho các em học sinh nhà xa. Nhưng thấy các em nhà gần nhưng gia đình nghèo thì vẫn có nhu cầu ăn bữa cơm từ thiện. Trong khi nếu vì tiết kiệm mà ăn cơm bụi thì không đảm bảo vệ sinh.

Vậy là đối tượng được đến ăn cơm từ thiện cứ mở rộng dần. Ông Bảy từ chỗ cho dựng một phòng ăn đơn sơ rộng chừng 20m2, chứa được ba bàn ăn đã trở nên chật chội nên phải mở rộng thành một chái nhà rộng hơn 50m2, lợp tôn hẳn hoi. Chái nhà này giờ chứa được bảy bàn ăn cùng lúc.

“Ngày xưa mấy đứa con tui cũng từng học xa như thế nên tui biết nếu buổi trưa mà các em cứ phải đạp xe đi đi về về, có khi nhà cách trường gần chục cây số thì làm sao các em có sức khỏe, tinh thần để học tốt được” - ông Bảy giãi bày.

Để có những mâm cơm tươm tất là nhờ công sức của những người như dì Minh, bà Hai, bà Tươi, bà Xuyến, vợ chồng ông Chánh... Tổng cộng mỗi ngày có khoảng mười người luân phiên nhau đi chợ, chế biến thức ăn, nấu nướng và dọn ra bàn.

Ông Đinh Văn Chánh vừa xào chảo rau lớn vừa quệt mồ hôi chia sẻ: “Nhà tui ở xã Bình Hàng Tây, cách đây hơn chục cây số. Tuy có xa một chút nhưng thấy việc làm của anh chị Bảy rất thiết thực nên hai vợ chồng tui mỗi ngày vẫn tranh thủ chở nhau đến giúp sức”. Không trực tiếp góp sức nhưng theo ông Bảy, nhiều bà con tiểu thương tại các chợ như Mỹ Hiệp, Bình Hàng Tây, Miễu Chánh, Mỹ Xương... đã giúp bếp ăn bằng những phần gạo, rau củ quả, trái cây mỗi ngày.

Yêu thương không ngừng nghỉ

Năm 1999, ông Bảy xuất ngũ về mở xưởng mộc làm kinh tế. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi ba đứa con khôn lớn. Nhưng hễ gặp ai khó khăn hơn mình là ông lại muốn giúp đỡ. “Lần đó vợ chồng tui mới đóng được một cái giường gỗ để nằm. Sau lần ổng đi thăm nhà anh ông hàng xóm về, ổng biết vợ người ta mới sinh mà không có giường nằm cữ. Thế là ổng biểu “hay vợ chồng mình nhường cho người ta nằm trước”. Tui chỉ biết nghe lời ổng giúp người” - bà Huỳnh Thị Ảnh, vợ ông, nhớ lại.

Cứu tinh của các bệnh nhân hiểm nghèo

Ngoài việc mở nhà ăn, từ năm 2010 đến nay ông Bảy còn được mọi người biết đến như vị cứu tinh của các bệnh nhân hiểm nghèo, gặp tai nạn bất ngờ vì ông sắm được một ôtô bảy chỗ và tự làm tài xế chở giúp những người nghèo khó đi khám, chữa bệnh mà không tốn tiền.

Ông cũng đưa danh thiếp cá nhân, trên đó có ghi số điện thoại 0673.914803 cho nhiều nơi để ở đâu có tai nạn giao thông hoặc có những ca bệnh nặng cần xe chở đi cấp cứu thì gọi cho ông và miễn phí hoàn toàn nếu họ có hoàn cảnh khó khăn.

Hôm chúng tôi đến nhà, vợ chồng ông Bảy đang nhận nuôi bé trai Hoài Nam, học lớp 4. Bà Ảnh cho biết nhà Nam có đến năm anh em. Bố Nam đi làm mướn, mẹ bị bệnh tim nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cao Lãnh nhiều tháng qua.

Thương hoàn cảnh của Nam nên từ hai tháng nay, vợ chồng ông đã không chỉ giúp bố mẹ Nam chuyện tiền nong chữa bệnh mà còn đưa Nam về nhà nuôi, cho em có điều kiện tiếp tục đi học. Đây chỉ là một vài trong vô số việc thiện mà vợ chồng ông Bảy âm thầm làm suốt bao năm qua.

Để cùng chồng lo bữa cơm cho các em học sinh, mỗi buổi sáng bà Ảnh rất bận rộn với công việc bếp núc. Vừa nêm nếm cho từng món ăn, bà vừa tự hào khoe: “Tui tin việc làm của vợ chồng tui có ý nghĩa nên từ lúc bắt đầu làm đã nhận được sự giúp sức của rất nhiều người. Từ các con trong nhà đến những người hàng xóm, các doanh nghiệp lớn nhỏ gần xa biết chuyện cũng giúp gạo, giúp thức ăn... Bếp ăn vì thế không tắt lửa bao giờ”.

Cùng có mặt tại mâm cơm với học trò của mình, cô Đỗ Nguyễn Xuân Thảo, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Văn Khải, cho biết nhà trường rất cảm kích trước những việc làm của ông Bảy. Đoàn trường cũng đã quyết định tổ chức phong trào quyên góp từ thiện với số tiền thu được sẽ hỗ trợ nhà ăn của ông Bảy.

“Chương trình nhằm giúp các học sinh, nhất là các em con nhà khá giả trong toàn trường, biết phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn có điều kiện học tốt” - cô Thảo nói.

MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên