10/11/2011 01:55 GMT+7

Bữa ăn và bàn thắng

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Khi cầm quân thi đấu tại Indonesia trong khuôn khổ SEA Games 26, HLV Falko Goetz đã cấm các cầu thủ ăn khoai tây chiên và uống các loại nước ngọt có gas. Đấy không chỉ là chuyện chống béo.

TT - Khi cầm quân thi đấu tại Indonesia trong khuôn khổ SEA Games 26, HLV Falko Goetz đã cấm các cầu thủ ăn khoai tây chiên và uống các loại nước ngọt có gas. Đấy không chỉ là chuyện chống béo.

 Kỳ 1

Nhớ ngày nào chúng ta có câu nói vui vẻ: Đói thì ăn, khát thì uống. Ung dung tự tại, thanh thản đề huề. Nhưng trong thể thao thì khác: nếu khát mới uống thì sai mất rồi, VĐV phải uống để không cảm thấy khát thì mới đúng. Vì khi khát là cơ thể chúng ta đã thiếu đi 3-5% lượng chất lỏng, một con số đủ để thành tích thi đấu bị suy giảm.

Ăn no uống đủ là cần, nhưng cũng cần không kém là ăn uống phải đủ chất và đúng cách. Đấy là một phần trong công nghệ thể thao hiện đại mang tên dinh dưỡng thể thao. Khi sang giảng về y học thể thao ở Việt Nam, TS Steger, bác sĩ của đội tuyển điền kinh Đức, đã khẳng định: ”Dinh dưỡng thể thao là một trong những điểm yếu nhất của khoa học thể thao ngày nay. Ngay cả ở Đức cũng vậy”.

Uống kiểu người và uống... kiểu ta!

Tại Asiad vừa diễn ra tại Quảng Châu tháng 11-2010, chúng ta có mời ba chuyên gia Đức tham gia chăm sóc sức khỏe cho VĐV. Tại một cuộc họp của ban y tế có chuyên gia đã khẩn thiết đề nghị: “Các bạn phải cho VĐV uống nhiều nước hơn nữa. Chứ cứ thế này thì thế nào cũng ảnh hưởng đến thành tích”.

Trưởng ban y tế, BS Nguyễn Văn Phú, ủy viên Hội đồng y khoa Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), lập tức tán đồng và nhấn mạnh: ”Nên hết sức chú ý khoản nước uống. Tôi đi làm việc với AFC ở các giải trẻ, các chuyên gia đều kêu VĐV của ta uống ít nước quá. Cuối cùng họ phải đề tên từng người lên chai nước, để ở đường biên và yêu cầu chai nào cũng phải uống hết”.

Như trên đã nói, uống để không bị khát. Nhưng cũng không thể uống đến mức “nặng bụng”. Uống chậm quá, để cảm giác khát xuất hiện thì cơ thể đã mất trạng thái sung mãn nhất, vì mất nước không chỉ là mất chất lỏng mà còn mất muối và những chất khoáng rất quan trọng đối với hoạt động sinh lý.

TS Bettina Graf, chuyên gia dinh dưỡng của Ủy ban Olympic Đức, khuyên nhủ: ”Thức uống dùng cho thể thao thường là chất lỏng đẳng tương (hiểu nôm na là có áp suất thẩm thấu tương đương như máu), nhờ đó mà tác dụng xuất hiện nhanh. Một chất bổ sung được ưa chuộng hiện nay là caffein, đã được đưa ra khỏi danh sách doping từ năm 2004, giúp cơ thể tỉnh táo và có khả năng phản xạ tốt.

Trong nhiều đồ uống có bổ sung thêm gas (khí CO2) là rất không tốt, vì khí này làm nặng dạ dày và bị xem như yếu tố gây nhiễu trong thể thao. Ngoài ra, khi chọn đồ uống cho VĐV nên tính đến bản chất các môn thể thao. Nếu thi đấu dưới một giờ thì chỉ uống nước không là được, vì cơ thể có đủ năng lượng. Còn thi đấu lâu hơn thì có thể bổ sung thành một tổ hợp: nước, khoáng, hydrat cacbon”. Nếu hiểu hết những chi tiết này, cầu thủ U-23 sẽ từ chối nước ngọt có gas, không để HLV Goetz phải cấm.

Ngoài ra, phải chú ý đến việc bổ sung chất lỏng đều đặn trong ngày, phân ra từng lượng nhỏ, uống từ từ để tránh gây áp lực cho bàng quang. Khi thi đấu lâu dài có sự bổ sung thường xuyên. Ngay cả sau khi thi đấu, VĐV cũng nên có một chai nước bên mình, nhiều chất khoáng như kali, canxi, magiê... Ở Đức, các giới chức thể thao kiểm tra từng loại thức uống, công bố kết quả theo một thang điểm số xác định để các VĐV lựa chọn. Khác với ở ta, nhà tài trợ cho gì thì uống nấy.

Bữa ăn cho “cư dân” sân cỏ

Năm 2007, Holger Stromberg được bổ nhiệm làm bếp trưởng của đội tuyển bóng đá CHLB Đức. Từ năm 23 tuổi, Stromberg đã được nhận giải thưởng “Ngôi sao Michelin”, một danh vị ẩm thực danh giá được công nhận trên toàn thế giới. Stromberg còn giới thiệu công khai một danh mục khẩu phần thức ăn cho cầu thủ bóng đá.

Theo ông, mỗi ngày cầu thủ nên ăn ba bữa chính và một bữa phụ. Với mỗi bữa, ông cho thực đơn theo ba biến thể:”Cầu thủ phải ăn bữa cuối cùng chậm nhất là ba giờ rưỡi trước khi ra sân. Sau đó có thể thêm một chút quả khô hay chuối là đủ. Vì bóng đá thuộc loại thể thao cần sức bền, nên có 60- 65% thực phẩm là hydrat cacbon”.

Chúng ta nhớ CLB Hopffenheim là một đội bóng đặc biệt của Bundesliga. Trong bốn năm đội bóng này leo qua bốn hạng và sau đó trụ vững tại Bundesliga, thậm chí đôi khi còn có thể thăng hoa. Hopffenheim của nhà tin học Hopp là nền bóng đá được xây dựng từ “phòng thí nghiệm”, trong đó vấn đề bữa ăn được giải quyết rất tỉ mỉ.

Phụ trách chủ đề này là một phụ nữ, chị Kirsten Dickau. Quan điểm của Dickau rất mạnh mẽ: ”Dinh dưỡng đúng cách có thể giúp cầu thủ nâng cao thành tích 20-25%”. Thông qua việc giảm cân nặng, tăng cơ bắp, tăng sự sung mãn của cơ thể, nguyên tắc làm việc của Dickau: ”Tôi chú ý đến khẩu vị của từng người, và bao giờ cũng tìm được món khoái khẩu cho cầu thủ thích hợp với thành phần dinh dưỡng”.

Tiền vệ T. Weiss không bao giờ ăn cá, nhưng Dickau đã khiến anh bây giờ ăn món này một cách say mê, đến nỗi mẹ anh phải đến tận bếp tìm thăm chị và giăng một khẩu hiệu trên khán đài chính của sân vận động để cảm ơn đầu bếp của đội bóng.

Sự phân chia về mặt dinh dưỡng ở Hopffenheim còn phụ thuộc cả vào vị trí cầu thủ trên sân. Một tiền đạo ăn khác một hậu vệ. Tiền đạo chạy nhiều, thường xuyên phải mở nước rút, mất nhiều năng lượng, do đó phải ăn nhiều hydrat cacbon. Trái lại, hậu vệ phải trụ vững, phải chịu đựng xô đẩy, cần nhiều lực, do đó phải ăn nhiều protid. Chậm nhất một giờ sau thi đấu hay tập luyện, cầu thủ phải có bữa ăn, quan trọng nhất là một lít dung dịch đẳng trương. Đấy không phải là ý thích mà là kỷ luật.

Làm thế nào để giảm 14,6kg mà vẫn thắng?

Felix Sturm, 32 tuổi, vô địch thế giới về quyền anh ở Leverkusen. Để đảm bảo trọng lượng cho một cuộc thách đấu, anh phải giảm 14,6kg trong vòng 12 tuần. Giảm không đã khó, giảm mà đủ sức để đấm và để chiến thắng thì còn khó đến mức nào.Thế nhưng Felix đã làm được nhờ chương trình ăn kiêng trên máy tính.

Người thực hiện chương trình này cho anh là Clive Salz, cựu VĐV thể hình, giờ là chuyên gia thể lực ở Cologne. “Chúng tôi có một ngân hàng dữ liệu. Dùng chương trình máy tính có thể tạo ra các món ăn theo kiểu may đo quần áo cho từng người. Chúng tôi có thể tính nhu cầu về chất cho VĐV chính xác đến từng quả hạt dẻ”.

Cứ mỗi ngày máy tính đưa ra chương trình có sẵn: Sturm phải giảm bao nhiêu, phải ăn thế nào. Bên cạnh những món ăn chống béo như cá, gà... có thêm vào mỗi ngày 20 viên thuốc các loại và 6 lít nước. Mỗi ngày Felix ăn đều đặn năm bữa, trong khi thực hiện hai đơn vị tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV vô địch thế giới Fritz Sdunek.

Đối thủ theo dõi cuộc chiến giảm xuống 72,5kg của Sturm (hạng trung) với một niềm hi vọng đầy thích thú. Nhưng rồi Sturm vẫn chiến thắng.

VŨ CÔNG LẬP

____________________

Đón đọc Số tới:

Con đường trà Việt

Từ những gốc trà cổ thụ ở miền quê Yên Bái cho tới những đồng chè bát ngát của trung du Thái Nguyên hay tận miền cao nguyên Bảo Lộc của phương Nam... Người Việt đã hình thành một nền “văn hóa trà” mang đậm tính đặc trưng trong suốt hành trình khai phá, trưởng thành và phát triển. Những câu chuyện thú vị nhân Festival trà thế giới diễn ra ở Thái Nguyên.

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên