27/06/2016 08:19 GMT+7

Brexit không chỉ chống EU

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC AN
 (ĐH Bournemouth, Anh)
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC AN
 (ĐH Bournemouth, Anh)

TTO - Sẽ có rất nhiều cuộc nghiên cứu để tìm được câu trả lời đầy đủ về cuộc trưng cầu ý dân vừa qua ở Vương 
quốc Anh. Nhưng dường như có một nhân tố rất rõ đằng sau Brexit: toàn 
cầu hóa.

Đa số những người bỏ phiếu “ở lại” thuộc thành phần trung lưu, sống ở các đô thị và siêu đô thị như London hay Manchester và thuộc nhóm dân trẻ. Với họ, hội nhập toàn cầu thông qua các liên minh kinh tế - chính trị siêu lãnh thổ như EU đem lại - hay ít ra hứa hẹn đem lại - những lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội to lớn.

Giới trẻ Anh vốn thờ ơ với chính trị nhưng đợt này tham gia đông đảo vì họ biết mất đi đặc quyền tự do đi lại, làm việc và sinh sống ở 27 quốc gia thành viên EU khác là mất đi một phần tương lai. Còn cư dân các siêu đô thị hướng ngoại như London thì hiểu rõ rằng nếu không có dòng trao đổi lao động tự do với EU thì London sẽ khó giữ được vai trò thủ đô tài chính châu Âu.

Trên thực tế, sau kết quả trưng cầu đã xuất hiện lời kêu gọi London tách riêng thành một quốc gia độc lập thuộc EU vì lẽ đó.

Cá nhân tôi muốn “ở lại” phần lớn vì tôi hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, mặc dù chưa có gì trực tiếp từ EU. Nếu không nhờ có dòng chảy lao động xuyên quốc gia hình thành từ quá trình hội nhập toàn cầu trong hơn nửa thế kỷ qua, một đứa trẻ xóm chợ nghèo miền Trung Việt Nam như tôi sẽ không bao giờ có cơ hội đi đến vị trí học giả cao cấp trên một giảng đường Anh.

Những người bỏ phiếu “ra đi” thì ngược lại: họ thuộc tầng lớp lao động, tập trung vào các khu vực nông thôn và thuộc thế hệ đi trước. Với họ, ý niệm hội nhập toàn cầu chỉ gói trong những gì họ trải nghiệm trên đường phố, trong đời sống hằng ngày và trong truyền thống.

Đó là các nhà máy ở miền Bắc và Trung nước Anh lần lượt đóng cửa, dẫn đến thất nghiệp hàng loạt, vì giới chủ di dời sang những nước lao động rẻ mạt (sản xuất hiện chỉ còn chiếm hơn 10% GDP Anh), hoặc vì cạnh tranh không nổi với hàng hóa giá rẻ từ những quốc gia này.

Đó cũng là dòng người nhập cư ồ ạt từ các nước thành viên Đông Âu như Ba Lan, Hungary và Bulgaria, vốn được gắn với trăm điều không đẹp: họ “cướp” bớt việc làm địa phương, kéo đồng lương cơ bản xuống bằng giá lao động rẻ; họ gây áp lực khiến hệ thống y tế và trường học (đều miễn phí ở Anh) không đáp ứng nổi; họ chơi trò “du lịch phúc lợi”, sang Anh chỉ để “ăn chực” hệ thống phúc lợi xã hội tương đối rộng rãi, hào phóng ở đây; họ sẽ vĩnh viễn làm thay đổi bản sắc, tính cách và giá trị Anh...

Và trên hết, một thế giới sung túc hơn nhờ toàn cầu hóa, với những người bỏ phiếu “ra đi”, vẫn chỉ là những lời hứa hão huyền từ giới tinh hoa chính trị. Cuộc sống họ vẫn chỏng chơ và chật vật, hố ngăn giàu - nghèo càng lúc càng sâu, vì của cải tạo ra từ toàn cầu hóa chỉ rơi vào tay một thiểu số.

Hơn thế nữa, rất nhiều người trong nhóm “ra đi” cảm thấy bị giới chính trị khinh thường, bỏ rơi, thậm chí “lừa bịp”. Cho nên, nhiều nhà phân tích nói - và tôi đồng ý - rằng Brexit chưa hẳn là một cuộc bỏ phiếu chống EU, mà chỉ đơn giản là cuộc “nổi loạn” với giới cầm cân chính trị.

Đó có thể xem như là cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên về toàn cầu hóa, mà trong đó tầng lớp thấp cổ bé họng nhất xã hội chọn bất cứ thứ gì, trừ nguyên trạng (status quo). Không biết có phải vì thế không mà chỉ trong vòng hai ngày sau Brexit, gần 3 triệu người, trong đó rất nhiều người đòi “ra đi”, ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Hạ viện trưng cầu ý dân lần 2?

Đáng sợ là gần đây, tình trạng chán ngấy nguyên trạng này trở thành con bài đắc lực cho tham vọng quyền lực chính trị cực hữu. Từ Nigel Farage và Đảng Anh quốc độc lập (đóng vai trò lớn trong cuộc vận động Brexit), đến Marie Le Pen (Mặt trận Dân tộc, Pháp) hay Geert Wilders (Đảng Vì tự do, Hà Lan) khiến cho tương lai EU hậu Brexit rất bấp bênh...

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC AN
 (ĐH Bournemouth, Anh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên