Phóng to |
Ngày 14-1, trả lời phỏng vấn báo Russian Newspapers, thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga Nicolai Patrushev thông báo Tổng thống Dmitry Medvedev giao cho Hội đồng an ninh nhiệm vụ soạn thảo học thuyết an ninh năng lượng mới.
Theo đó, Chính phủ Nga đến cuối năm 2011 phải hoàn tất chương trình quốc gia thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản trên thềm lụa địa Bắc cực. “Kho dự trữ khổng lồ loại tài nguyên này không đâu khác hơn là thềm lục địa. Việc khai phá có ý nghĩa lớn về chiến lược và kinh tế” - ông Patrushev nhấn mạnh
Cùng ngày, Tập đoàn BP và Rosneft - công ty dầu khí lớn nhất nước Nga - đã ký thỏa thuận lập liên doanh để thăm dò khai thác dầu khí ở một khu vực rộng 125.000km2 trên biển Nam Kara thuộc vùng thềm lục địa Bắc cực của Nga.
BP sẽ bỏ ra phần lớn trong tổng đầu tư 2 tỉ USD của quá trình thăm dò ban đầu. Tổng giám đốc BP Bob Dudley khẳng định thỏa thuận “lịch sử” này sẽ “tạo ra giá trị, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới”. Ngay lập tức, giá cổ phiếu BP trên thị trường đã tăng 2%. Đây là liên doanh đầu tiên BP ký kể từ sau thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico hồi năm ngoái.
Đôi bên cần nhau
Trên báo Wall Street Journal, nhà phân tích năng lượng James Herron mô tả các đối thủ của BP như Exxon, Shell hay Conoco-Phillips sẽ phát điên lên vì ghen tị với tập đoàn dầu khí Anh. “Trong nhiều năm qua, tất cả đều từng vận động dữ dội để có cơ hội tiếp cận vùng biển Bắc cực giàu vàng đen của Nga - chuyên gia Herron cho biết - Đó là phần thưởng mà bất cứ ông trùm dầu khí nào cũng sẵn sàng bán cả bà ngoại mình để sở hữu”.
Sợ một “vịnh Mexico” mới ở Bắc cực Các nhà hoạt động môi trường ở Nga lo ngại một thảm họa môi trường tương tự vụ vịnh Mexico xảy ra ở Bắc cực. Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) ở Nga tuyên bố sẽ vận động các cổ đông BP và Rosneft cùng công chúng Nga chống lại kế hoạch khai thác dầu khí ở Bắc cực. “Trên thế giới chưa có công nghệ nào có thể làm sạch dầu trên biển băng” - chuyên gia Sergei Knizhnikov của WWF ở Nga khẳng định. Giám đốc chiến dịch của Tổ chức Hòa bình xanh ở Nga Ivan Blokov cảnh báo nếu tràn dầu xảy ra, “nhìn từ vũ trụ chúng ta sẽ thấy biển băng đen”. Bộ Tài nguyên - môi trường Nga đang soạn thảo một bộ luật nhằm ngăn chặn và khắc phục các tai nạn tràn dầu trên biển theo yêu cầu của Tổng thống Dmitry Medvedev. |
Theo ước tính của chính quyền Nga, khu vực biển Nam Kara có thể chứa tới 35 tỉ thùng dầu và 10.000 tỉ m3 khí đốt. Một nghiên cứu khác cho rằng con số thực tế có thể lên đến 51 tỉ thùng dầu và 87.000 tỉ m3 khí đốt.
“Tiềm năng tăng trưởng của một công ty dầu khí lớn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng xâm nhập vùng chứa dầu của các quốc gia” - các nhà phân tích của Hãng Bernstein Research nhận định.
Uy tín và giá trị thị trường của BP đã sụt giảm nghiêm trọng sau thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico, và thỏa thuận với Rosneft có thể là chiếc phao cứu sinh đối với tập đoàn này.
“BP cần làm đầy lại kho dự trữ và may mắn với họ là BP đã có tiếng sẵn ở Nga” - chuyên gia năng lượng Nga David Dusseault thuộc ĐH Helsinki (Phần Lan) nhận định. Công ty con TNK-BP hoạt động tại Nga đã và đang đạt được những kết quả kinh tế khả quan.
Thềm lục địa Bắc cực chính là mỏ vàng đen giàu hứa hẹn nhất, nhưng Rosneft không đủ trình độ kỹ thuật - công nghệ và sức mạnh tài chính để mở cửa kho vàng Bắc cực. Nhà phân tích Valery Nesterov của Công ty Nga Toika Dialog cho biết chi phí khoan giếng dầu qua các tảng băng dày ở độ sâu 100-200m có thể lên đến 200 triệu USD/giếng.
Trước giai đoạn khoan giếng, theo Rosneft là sẽ bắt đầu vào năm 2015, BP sẽ phải đổ hàng tỉ USD để khảo sát địa chất, xây dựng hạ tầng khoan và bơm dầu.
“Bạn phải có giàn khoan đặc thù để hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt ở Bắc cực. Chỉ riêng từng đó cũng đủ tốn 1 triệu USD/ngày - chuyên gia Nesterov cho biết - Ngoài ra bạn cũng cần tàu hỗ trợ đặc biệt và tàu phá băng”.
Nhà phân tích James Herron cho rằng Tập đoàn BP có đầy đủ tiềm lực kỹ thuật, kỹ năng quản lý dự án và sức mạnh tài chính mà Rosneft cần để chinh phục xứ sở Bắc cực khắc nghiệt. Hơn nữa, Phó thủ tướng Nga Igor Sechin tiết lộ chính vụ tràn dầu trên vịnh Mexico đã tạo lợi thế cho BP trong việc hợp tác với Rosneft. “Kinh nghiệm làm sạch dầu tràn là một trong những lý do Nga chọn BP làm đối tác ở Bắc cực”.
Nguy cơ chính trị - môi trường?
Sau khi BP công bố thỏa thuận với Rosneft, một số chuyên gia năng lượng đặt câu hỏi có phải BP đang “bí quá hóa liều” hay không khi hợp tác với Nga. Trên thực tế, nhiều tập đoàn dầu khí lớn từng đầu tư vào các liên doanh Nga nhưng đều vấp phải những chướng ngại vật khổng lồ.
Bản thân BP từng thiệt hại nặng nề khi tham gia dự án khí đốt Kovytka của Nga. Hãng Gazprom từ chối vận chuyển khí đốt từ các giếng khai thác. BP đối mặt với nguy cơ mất giấy phép khai thác và phải bán cổ phần dự án này cho Gazprom.
Tuy nhiên, tài liệu ngoại giao Mỹ bị rò rỉ trên trang WikiLeaks cho thấy mối quan hệ chiến lược giữa BP và Rosneft đã được hình thành từ nhiều năm qua. Theo một bức điện tín mật từ Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva, phó chủ tịch BP tại Nga là David Peattie cho biết BP sẵn sàng hi sinh liên doanh dầu khí TNK-BP ở Nga để xây dựng mối quan hệ tốt với Rosneft và Gazprom.
BP dự báo trong vài năm tới, chính quyền Nga sẽ công hữu hóa TNK-BP và trao lĩnh vực dầu, khí đốt của hãng này cho Rosneft và Gazprom quản lý. “Ông Peattie cho biết BP sẽ tiếp tục đóng vai trò phát triển tài sản TNK-BP và đối thoại với cả hai công ty Nga để xây dựng quan hệ đối tác dài hạn” - bức điện tín viết.
Nguy cơ chính trị lớn nhất BP phải đối mặt xuất phát từ Mỹ. Sau khi thỏa thuận giữa BP và Rosneft được công bố, hàng loạt nghị sĩ Mỹ, trong đó có cả những nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ BP, bày tỏ quan ngại về nguy cơ an ninh khi BP quan hệ quá chặt chẽ với Nga. “Chắc chắn Ủy ban đầu tư nước ngoài sẽ giám sát chặt chẽ” - nghị sĩ Cộng hòa Michael Burgess nhận định.
Ông Burgess cho biết việc BP là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho quân đội Mỹ và điều hành các hạ tầng năng lượng chiến lược của Mỹ khiến Washington lo ngại khi BP “tình thương mến thương” với Matxcơva. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của BP và khả năng trở lại hoạt động bình thường sau thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với các chính trị gia Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận