23/06/2014 06:40 GMT+7

"Bóp chẹt" người lao động

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Không ký hợp đồng lao động, bắt làm việc như khổ sai, giam lương nhiều tháng liền... là những “chiêu” mà chủ sử dụng lao động đang dùng để “bóp chẹt” người lao động.

juWt7rh1.jpg
Công nhân Công ty Ngọc Minh Tâm tập trung trước công ty để đòi tiền lương - Ảnh: Q.Phương

Những ngày đầu tháng 6-2014, hơn 30 công nhân Công ty TNHH Ngọc Minh Tâm (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã lãn công nhiều ngày để phản đối cách tính tiền lương của công ty. Nhiều người đã tìm nơi làm mới vì không chịu nổi những quy định o ép do giám đốc công ty đưa ra.

Bỏ quên quyền lợi công nhân

Nghỉ có phép cũng bị trừ lương

Nhiều chủ lao động đưa ra quy định chèn ép người lao động, ngay cả nghỉ phép cũng bị trừ tiền. Quy chế tính lương quy định nếu công nhân không đi trễ về sớm, làm đủ ngày giờ sẽ được thưởng tiền chuyên cần. Nhưng cũng quy chế này quy định nghỉ một ngày có phép trừ 50%, hai ngày có phép trừ hết tiền chuyên cần nên có công nhân nhiều tháng không có tiền chuyên cần, còn phải bỏ tiền túi nộp phạt ngay cả khi nghỉ để đi khám bệnh.

Các công nhân chuyền may 1, 2 cho biết đã làm được 48.000 sản phẩm trong tháng 5 nhân với đơn giá, lương của mỗi người sẽ khoảng 6 triệu đồng. “Nhưng khi chốt số lượng để tính lương vào ngày 31-5, công ty thông báo chỉ có 23.719 sản phẩm. Tính ra mỗi người chỉ nhận khoảng 1,8 triệu đồng” - chuyền trưởng Nguyễn Kim Linh cho biết. Quá bức xúc, nhóm này ngừng việc tập thể, yêu cầu công ty phải trả lương đúng vào ngày 6-6. Đến ngày 7-6, khi họ trở lại làm việc thì bảo vệ không cho vào và nhiều ngày sau đó cũng vậy.

Dù hoạt động đã gần ba năm với khoảng 100 công nhân nhưng công ty này không ký hợp đồng lao động với bất kỳ người nào. Công nhân không có bất kỳ chế độ bảo hiểm nào, lại thường xuyên bị ép tăng ca vượt số giờ quy định. Giám đốc Nguyễn Văn Bằng lý giải việc không ký hợp đồng lao động: “Công nhân muốn làm việc tự do, không chịu ký, bắt ký họ sẽ nghỉ việc”!

Ông Phạm Công Tấn, trưởng Phòng LĐ - TB&XH huyện Hóc Môn, cho biết: “Đầu tháng 6, đoàn công tác liên ngành huyện Hóc Môn đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty và phát hiện rất nhiều sai phạm như: không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, không có thỏa ước lao động tập thể, không đăng ký thang bảng lương”. Theo ông Tấn, sau khi công nhân phản đối cách tính lương, phòng có làm việc với đại diện công nhân và giám đốc công ty cam kết sẽ trả lương cho các công nhân đã nghỉ việc vào ngày 11-7.

Không trả lương còn bị hăm dọa

21g một ngày cuối tháng 5, anh Nguyễn Văn Siêu (Vĩnh Long) cùng ba người bạn leo tường trốn khỏi cơ sở sản xuất bánh tráng của ông N.V.T. (xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM) vì chịu không nổi cảnh làm việc như “tù khổ sai”. Anh Siêu kể: “Vợ chồng tôi được ông chủ thỏa thuận mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng bao ăn ở. Chúng tôi phải làm mỗi ngày từ 4g - 21g. Tôi làm hơn 40 ngày nhưng không có đồng lương nào, xin nghỉ việc thì ông chủ không cho, chịu không nổi nên chúng tôi bỏ trốn, bỏ lại xe máy, quần áo, giấy tờ tùy thân”. Những người bạn của anh Siêu cũng có chung hoàn cảnh như vậy.

Có khoảng 10 lao động đang làm việc tại cơ sở của ông T. và ông thừa nhận không có bất kỳ hợp đồng nào được ký kết vì “cơ sở của tôi sản xuất theo kiểu hộ gia đình”. Khi anh Siêu trở lại lấy xe máy, ông T. mạt sát không tiếc lời. “Vợ chồng mày làm mới hơn một tháng mà trả lương cái gì, làm rách bánh, thiệt hại nên tao không trả tiền. Thằng Hải bỏ trốn cũng bị tao bắt về đây nè” - ông T. hăm dọa. Để yên thân, anh Siêu phải viết cam kết sau khi lấy tài sản xong không được làm khó dễ mới được lấy lại xe và giấy tờ tùy thân mà không được trả một đồng tiền lương của hai vợ chồng.

Tình trạng các cơ sở sản xuất nhỏ chèn ép người lao động hiện khá phổ biến. Anh Hồ Ngọc Hùng (Đắk Lắk) vừa nghỉ việc tại cơ sở may ở đường số 7, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân (TP.HCM) kể: “Không được ký hợp đồng lao động, mỗi tháng chủ chỉ cho ứng 200.000 đồng tiêu vặt. Nhóm chúng tôi làm sáu tháng nhưng không được trả lương. Xin nghỉ việc thì chủ chửi bới, thách thức”. Sáu tháng làm việc của anh Hùng cũng được khoảng 15 triệu đồng nhưng khi nghỉ việc không được trả lương, thậm chí ông chủ còn đòi kêu giang hồ xử nếu dám đến đòi tiền.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên