10/03/2013 08:24 GMT+7

"Bóp bụng" cảnh sát béo

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Nhiều nước phải ngăn chặn nạn béo bụng trong lực lượng thi hành luật pháp bằng các biện pháp kiên quyết như buộc tập thể dục, ăn kiêng... thậm chí giảm lương, sa thải.

LQQ2tEOT.jpgPhóng to
Cảnh sát Philippines tập thể dục trong chương trình giảm cân tại Manila ngày 19-6-2012 - Ảnh: Reuters

Tình trạng cảnh sát có vòng hai quá lớn đã và đang là vấn đề khiến chính phủ nhiều nước phải thực thi các biện pháp mạnh. Lý do quá rõ ràng: mất thiện cảm với dân chúng (béo quá thì làm sao nhanh chóng trấn áp tội phạm cho được), tốn tiền thuế của dân (phải nghỉ bệnh và chi phí chữa bệnh).

Từ châu Á...

* Tại Thái Lan, báo Bangkok Post ngày 8-3 đưa tin những cảnh sát giao thông có vòng bụng trên 92cm và chỉ số hình thể BMI (cân nặng (tính bằng kg) chia bình phương của chiều cao (tính bằng mét), kết quả từ 25-30 là thừa cân và trên 30 là béo phì) vượt quá 30 sẽ bị yêu cầu tham gia chương trình ăn kiêng.

Tướng Uthaiwan Kaeosaat, phó trưởng cảnh sát Bangkok, cho biết khoảng 50 cảnh sát đã bắt đầu chương trình với mục tiêu giảm 6kg trong hai tháng. Người giảm cân nhiều nhất sẽ nhận thưởng 5.000 baht. Dù thừa nhận cường độ làm việc góp phần làm cảnh sát giao thông không có thói quen ăn, ngủ lành mạnh, tướng Kaeosaat khẳng định việc giảm cân không chỉ giúp cảnh sát khỏe mạnh hơn mà còn cải thiện hình ảnh quốc gia hướng tới việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào 2015. Nhiều sở cảnh sát tại Thái Lan đã áp dụng các biện pháp giảm cân, tập thể dục cho nhân viên trong thời gian qua.

* Lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) giữa năm 2012 đã triển khai chương trình giảm cân cho khoảng 3.000 cảnh sát béo phì. Chương trình “cải thiện vóc dáng” dài tám tuần bao gồm chạy, đi bộ, đạp xe, các bài tập mềm dẻo, khóa học về ăn kiêng, kiểm soát sự căng thẳng. “Khi tuần tra bằng môtô trên đường cao tốc, cảnh sát có thể phản ứng nhanh hơn nếu vòng bụng không quá lớn” - một cảnh sát thừa nhận. Nhưng để hiệu quả hơn, PNP quy định những cảnh sát trượt liên tiếp ba lần các đợt kiểm tra thể lực, tổ chức hai lần mỗi năm, sẽ bị giáng chức hoặc thậm chí sa thải.

* Tại Indonesia, từ tháng 12-2012, những cảnh sát nặng trên 100kg tại Jakarta bị buộc tham gia chương trình giảm cân hai lần mỗi tuần như tập aerobic hay hít đất. Người phát ngôn lực lượng cảnh sát thủ đô Indonesia giải thích rằng phải áp dụng chương trình này do số nhân viên béo phì ngày một tăng, làm giảm khả năng trong việc đảm bảo an ninh và để cải thiện hình ảnh cảnh sát trong mắt người dân. Thói quen ngồi nhiều, ít vận động và ăn vặt thường xuyên là những nguyên nhân khiến cảnh sát bị béo bụng. Chính quyền cũng lên kế hoạch áp dụng chương trình này trên toàn quốc.

* Trong khi đó tại Malaysia, tình trạng thừa cân cũng thể hiện rõ trong lực lượng cảnh sát. Nhà báo nổi tiếng Frankie D’Cruz của tờ The Malay Mail cho rằng kiểu ăn uống tạm bợ với các khẩu phần thức ăn nhanh đã khiến cảnh sát nước này có vòng bụng to hơn vòng ngực. Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Ismail Omar thừa nhận lực lượng thực thi pháp luật của nước này gặp hai vấn đề sức khỏe lớn là tiểu đường và tim mạch - những hệ quả của tình trạng thừa cân.

* Ở khu vực thường xuyên xảy ra các vấn đề an ninh, cảnh sát Pakistan cũng bị chê là quá ì ạch. Văn phòng cảnh sát tại Punjab, tỉnh lớn thứ nhì của Pakistan, giữa năm ngoái đã buộc các cảnh sát béo phì phải giảm vòng bụng về mức dưới 100cm trong vòng một tháng nếu không muốn bị mất việc. Trong gần 20.000 cảnh sát của tỉnh, hơn 3/4 không vượt qua được kiểm tra về thể hình.

Đến châu Âu

Tháng trước, chính quyền đảo Cyprus đã phải lên kế hoạch đưa việc tập thể hình vào chương trình hoạt động mỗi ngày của hơn 5.200 cảnh sát nước này. Một khảo sát cho thấy 70% cảnh sát Cyprus bị thừa cân và béo phì.

Đầu năm ngoái, chính quyền Anh tỏ rõ kiên quyết trong việc dẹp cảnh sát bụng phệ sau khi một khảo sát cho thấy hơn 50% nhân viên an ninh tại thủ đô London thừa cân và béo phì. Theo đó, những cảnh sát trượt các đợt kiểm tra thể trạng ba lần sẽ bị trừ 8% lương, gần 3.000 bảng, và các biện pháp kỷ luật khác bao gồm sa thải.

“Công chúng có quyền kỳ vọng tất cả những cảnh sát bảo vệ mình phải cân đối. Chúng ta cần phải gọn gàng, đó là điều cần thiết cho việc bảo vệ người dân và đồng nghiệp. Đó là một vấn đề về an toàn” - trưởng thanh tra cảnh sát Tom Winsor, tác giả của đề xuất, nhấn mạnh khi yêu cầu kiểm tra định kỳ thể trạng của cảnh sát thay vì chỉ một lần duy nhất khi mới tuyển dụng. Nhiều cảnh sát Anh quá béo đến nỗi không thể hoàn thành các bài tập khởi động trong các đợt đào tạo an ninh cơ bản.

Đầu năm 2011 Bộ Nội vụ Nga cũng cảnh báo các cảnh sát béo phì phải giảm cân hoặc bị sa thải, trong nỗ lực tinh gọn lực lượng an ninh và cải thiện hình ảnh trong mắt du khách và nhà đầu tư. “Mắt thì bụp, hai má phệ, cổ nọng ra và cái bụng khổng lồ, cảnh sát Saint Petersburg trông thật đáng chán” - tờ Neva 24 mô tả khi cho biết 12.000 trên 40.000 cảnh sát ở thành phố này bị thừa cân.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên