22/12/2015 09:38 GMT+7

Bóng ma hạt nhân đang trở lại

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Giữa lúc thế giới loay hoay với cơn khủng hoảng địa chính trị ngày càng trầm trọng ở Trung Đông, cụm từ “vũ khí hạt nhân” bỗng lại hiện về.

Tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg tại căn cứ hải quân vùng Murmansk - Ảnh: Reuters
Tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg tại căn cứ hải quân vùng Murmansk - Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có một phát biểu gây chú ý với dư luận quốc tế. Ông Putin tuyên bố rằng Nga sẽ tiếp tục hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của mình và dùng đó như một công cụ tạo sự cân bằng.

Ông Putin nhấn mạnh “bộ ba hạt nhân” gồm không quân chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân là nền tảng của chính sách an ninh hạt nhân Nga.

“Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dùng đến cây gậy hạt nhân, nhưng trong học thuyết quân sự của Nga nó có một vị trí và vai trò thích hợp” - ông Putin trả lời phỏng vấn với nhà báo Vladimir Soloviev trên kênh truyền hình Russia 1.

ừ tuyên bố của ông Putin, có thể thấy Matxcơva chưa bao giờ hết căng thẳng về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu đang ngày càng phình ra.

Tôi hi vọng là trên hành tinh này không có tên nào điên đến mức quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

Một cuộc đua hạt nhân mới

Báo Huffington Post hồi tháng 11 đưa tin Lầu Năm Góc lên kế hoạch chi 1.000 tỉ USD trong 30 năm tới để chế tạo “một thế hệ bom hạt nhân, máy bay ném bom, tên lửa và tàu ngầm hoàn toàn mới”.

Kế hoạch này bao gồm việc đóng hàng chục tàu ngầm có khả năng mang hơn 1.000 đầu đạn “đủ sức tiêu diệt bất cứ quốc gia kẻ thù nào”.

Còn trước đó hai tháng, Đài ZDF TV của Đức đưa tin không quân Mỹ bắt đầu triển khai bom hạt nhân B61 thế hệ mới đến căn cứ Büchel để “chống lại mối đe dọa từ Nga”.

Matxcơva cáo buộc hành động này vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Washington thì “diễn dịch” NPT không cấm họ “cất” vũ khí ở châu Âu, miễn là nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ.

Theo tờ Washington Post, Mỹ đã triển khai thêm 200 quả bom hạt nhân mới đến châu Âu.

Vì lẽ đó, trong phần trả lời trên truyền hình, Tổng thống Putin cho rằng “vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu đe dọa đến Nga nhiều hơn” thay vì ngược lại.

Ông Putin lập luận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ vì tầm bắn không đạt tới bên kia Đại Tây Dương, trong khi vũ khí của Mỹ tại châu Âu vươn tới lãnh thổ của Nga.

Tuy ông Putin “khiêm tốn” như thế, thực tế là Nga không kém cạnh đối thủ Mỹ trong cuộc chạy đua hạt nhân. Cách đâu không lâu, kênh Russia 1 “vô tình” tiết lộ một đề án chế tạo ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân tên gọi Status-6 của quân đội Nga.

Vũ khí này có thể di chuyển 6.000 dặm dưới mặt nước, không kém gì khoảng cách tên lửa đạn đạo bay trên trời. Khi phát nổ nó sẽ tạo ra một trận “sóng thần hạt nhân” đủ sức tàn phá các khu vực dọc theo bờ biển.

Lời thú nhận muộn màng

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry từng chỉ huy Lầu Năm Góc trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh đầy biến động.

Hai thập kỷ trôi qua, trong quyển sách Hành trình của tôi bên bờ vực hạt nhân, ông Perry đưa ra một lời thú nhận mang tính chất cảnh báo: “Thay vì tiếp tục tiến trình giải giáp hạt nhân hô hào trong hai thập kỷ qua, chúng ta đang khởi động một cuộc chạy đua hạt nhân mới”.

Nhận xét trên báo Washington Post, nhà phân tích Katrina Heuvel cho rằng ông Perry không hề nói quá. Tình trạng leo thang đối đầu giữa Nga - Mỹ đã diễn ra từ lâu và giới phân tích tại Mỹ không ngần ngại thừa nhận Washington cũng có phần lỗi của mình.

Dưới triều tổng thống Bill Clinton, Mỹ liên tục đẩy mạnh mở rộng khối NATO, phá vỡ lời hứa không xâm phạm vùng ảnh hưởng của Nga.

“Đó là bước sa chân đầu tiên xuống một sườn dốc trơn trượt. Lỗi thuộc về chúng tôi lẫn người Nga. Nó bắt đầu khi tôi là bộ trưởng quốc phòng” - ông Perry thừa nhận vai trò của mình và sai lầm trong chính sách của Mỹ thời kỳ trước.

Theo bà Katrina Heuvel, đến thời tổng thống George W. Bush lại xuất hiện những sai lầm khác, đáng chú ý là việc Mỹ bước ra khỏi Hiệp định giải trừ tên lửa đạn đạo, hành động gây ra những tổn hại không thể sửa chữa.

Rồi đến lượt ông Obama, Mỹ tiến hành chi viện vũ khí cho quân đội Ukraine, một môtip quen thuộc của cuộc chiến ủy nhiệm thời kỳ chiến tranh lạnh. Chỉ có điều lần này là ngay sát biên giới Nga thay vì một chiến trường xa xôi nào đó.

Nguy cơ từ “yếu tố con người”

Theo cựu bộ trưởng Perry, một trong những mối nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí hạt nhân là “tai nạn bất thình lình”. Đây không phải là nỗi lo vô cớ.

Tháng 5-2013, Không quân Mỹ đình chỉ 17 sĩ quan phụ trách điều khiển tên lửa hạt nhân sau khi thanh tra căn cứ Minot ở bang North Dakota. Họ bị buộc tội “vi phạm kỷ luật”.

Bảy tháng sau, một viên tướng không quân phụ trách trông coi 450 quả tên lửa xuyên lục địa (ICMB) của Mỹ bị sa thải vì hàng loạt sai phạm trong một chuyến đi đến Nga: nhậu đến say xỉn, “giao lưu” với hai phụ nữ nước ngoài, bỏ họp, xúc phạm chủ nhà...

Tháng tiếp theo, 34 sĩ quan hạt nhân bị bắt quả tang gian lận trong kỳ thi năng lực. Vụ này, theo ABC News, nhà chức trách lần ra từ một cuộc điều tra dùng thuốc cấm của 11 sĩ quan khác...

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên