Ảnh vệ tinh chụp thành phố hạt nhân Ấn Độ đang xây dựng - Ảnh: CPI |
Theo điều tra của tổ chức báo chí Mỹ, Trung tâm Liêm chính công (CPI), từ năm 2012 chính quyền Ấn Độ đã bắt đầu đền bù giải tỏa đất đai ở bang Karannataka để phục vụ một dự án bí mật có tên là Challakere.
Khi người dân địa phương khiếu nại, các quan chức Ấn Độ cho biết đích thân Văn phòng thủ tướng ở New Delhi điều hành dự án này.
CPI mở cuộc điều tra quy mô lớn, phỏng vấn người dân địa phương, các quan chức và nhà khoa học Ấn Độ, các chuyên gia nước ngoài, giới tình báo… và phát hiện hai cơ quan chính phủ đứng sau dự án xây dựng thành phố Challakere.
Đó là tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) và Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Bhabha (BARC), hai cơ quan đóng vai trò trọng yếu trong chương trình thiết kế vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Dự án hạt nhân khổng lồ
Các chuyên gia phương khẳng định công trình Challakere phục vụ mục tiêu tăng cường sức mạnh hạt nhân của Ấn Độ. Trên thực tế nước này đã thực hiện dự án chuẩn bị từ bốn năm trước, khi chi 100 triệu USD xây dựng một cơ sở hạt nhân có tên Nhà máy Vật liệu hiếm ở gần thành phố Mysore.
Trung Quốc có 260 đầu đạn hạt nhân Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ hiện sở hữu 90 - 110 đầu đạn hạt nhân quy mô nhỏ. Trong khi đó Pakistan có 120 đầu đạn hạt nhân còn Trung Quốc có tới 260. Trung Quốc thử thành công bom nhiệt hạch có sức mạnh lớn từ năm 1967. |
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trong cơ sở này có một hệ thống làm giàu uranium đang phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Giới phân tích nhận định cơ sở ở Mysore mở đường cho dự án sản xuất bom nhiệt hạch, và đây là bài thử nghiệm ban đầu đối với dự án Challakere, là nơi để các kỹ thuật viên tập huấn làm giàu uranium cấp độ vũ khí.
Theo các tài liệu mật từ Bộ Môi trường Ấn Độ, cơ sở Mysore lấy uranium từ các mỏ tại Jadugoda thuộc miền bắc Ấn Độ.
Từ năm 2014, tổ chức Viện Khoa học và an ninh quốc tế (ISIS - Mỹ) và tạp chí tình báo IHS Jane’s đã bắt đầu phân tích hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở Mysore và dự án Challakere. Nhà phân tích Serena Kelleher-Vergantini của ISIS cũng phỏng vấn nhiều quan chức hạt nhân của Ấn Độ.
Chuyên gia này khẳng định thành phố Challakere sẽ có các cơ sở làm giàu uranium cho phép Ấn Độ sản xuất uranium ở quy mô công nghiệp với 1.50 máy ly tâm thế hệ mới và 700 máy cũ.
Như vậy, Ấn Độ có thể sản xuất 183 kg uranium cấp độ vũ khí mỗi năm. Trả lời phỏng vấn CPI, các quan chức và khoa học gia chính phủ Ấn Độ cho biết hạm đội tàu ngầm hạt nhân nước này sẽ là đối tượng đầu tiên sử dụng uranium làm giàu.
Đối phó với Trung Quốc
Ấn Độ hiện đã triển khai tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và đang đóng chiếc thứ hai INS Adridaman. Mỗi tàu được trang bị 12 tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Nhưng một quả bom nhiệt hạch chỉ cần 4-7 kg uranium làm giàu.
Và kể cả khi Ấn Độ sử dụng phần lớn uranium làm giàu để tiếp nhiên liệu cho toàn bộ hạm đội tàu ngầm hạt nhân thì CPI ước tính mỗi năm Ấn Độ vẫn đủ sức sản xuất 22 quả bom nhiệt hạch với số uranium còn sót lại.
Một cựu quan chức Ấn Độ tiết lộ chính quyền nước này phát triển chương trình bom nhiệt hạch để phòng thủ.
“Trung Quốc từ lâu đã có bom nhiệt hạch và nếu Ấn Độ muốn có một chính sách quốc phòng chiến lược đủ mạnh thì phải phát triển loại vũ khí tương tự” - quan chức này nhấn mạnh.
Tướng Balraj Singh Nagal, người lãnh đạo Bộ Chỉ huy lực lượng chiến lược Ấn Độ từ năm 2008 đến 2010 khẳng định cạnh tranh với Trung Quốc và phát triển kho vũ khí đối trọng là “vấn đề thiết yếu” của Ấn Độ.
“Chúng tôi không đề phòng Pakistan như phương Tây đánh giá. Bắc Kinh có chương trình vũ khí nhiệt hạch từ lâu. Trung Quốc có bom hydro từ nhiều thập kỷ trước đây và Ấn Độ cũng phải tiếp bước” - tướng Nagal quả quyết.
Việc Ấn Độ phát triển tàu ngầm hạt nhân chủ yếu do lo ngại sau khi tàu ngầm Trung Quốc di chuyển qua vịnh Bengal tới Sri Lanka hồi tháng 10-2014.
“Có một kho vũ khí để chuẩn bị cho một ngày xấu trời nhằm đối phó với Trung Quốc là vấn đề quan trọng - một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên khẳng định - Ngăn chặn Trung Quốc đặc biệt ở khu vực Nam Á là điều có lợi cho tất cả mọi người”.
Tuy nhiên các nhà quan sát cảnh báo nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận