23/11/2019 14:20 GMT+7

Bỗng dưng làm ba

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - “Một là gửi bé vô chùa, hai là đưa vào trung tâm, không thì Long nuôi cho”. Bên kia đầu dây, Quỳnh Anh bảo: “Được không đó ông?”…

Bỗng dưng làm ba - Ảnh 1.

Thôi nôi bé Bình Minh trong vòng tay nội và ba - Ảnh: LƯU ĐÌNH LONG

Tôi vẫn nhớ ngày 28-9-2018 đang ở quê (Nông Sơn, Quảng Nam), bạn tôi - Quỳnh Anh - gọi điện: "Có việc nhờ Long tư vấn giúp". Và đó chính là khoảnh khắc thay đổi đời tôi.

Nếu có một ước mong, tôi mong không một đứa trẻ nào chào đời không bởi vì tình yêu của ba mẹ chúng. Và mong đừng một ông bố, bà mẹ nào chối bỏ con khi các cháu còn trong bụng, đừng vứt bỏ con khi con chào đời...

LƯU ĐÌNH LONG

"Không thì Long nuôi cho"

Quỳnh Anh ngập ngừng rằng sau khi đưa một người mẹ trẻ vào Bệnh viện Bình Tân cấp cứu trong lúc vừa đẻ rơi đứa trẻ trước chi nhánh ngân hàng bạn đang làm, thì mới biết cô ấy không có cả giấy tờ tùy thân. 

Người mẹ kém may mắn ấy thều thào tên mình là Lê Thị Th., ở Tân Hồng (Đồng Tháp). Nhóm Quỳnh Anh liền gọi về công an địa phương để xác nhận và liên lạc với người nhà của Th..

Sau đó, mẹ Th. tìm lên bệnh viện mà không nhận ra con gái mình vì Th. bỏ nhà đi 5-6 năm chưa về. Theo mẹ Th., ở quê, cô ấy cũng đã có hai người con, một đang học lớp 7, một học lớp 3, đều do ông bà ngoại nuôi dưỡng từ bé. Th. đã rời quê lên TP.HCM mưu sinh. Thời gian đầu cô đi làm phụ hồ, rồi quen người cai xây dựng và về sống với người này.

Sau khi sinh bé gái được hơn 1 tuổi, Th. mang bầu đứa thứ 2 thì người đó bỏ đi. Từ ở nhà nuôi con, Th. phải bươn chải với cái thai trong bụng bằng nghề bán vé số, kiếm tiền mua sữa nuôi bé lớn. Cả hai mẹ con đều không có giấy tờ. 

Trên đường mưu sinh, có bữa họ ngủ bên hiên nhà người ta, có lúc thuê được chỗ trọ rẻ tiền để ở tạm một đêm, rồi lại tiếp tục bơ vơ với hi vọng có ngày người đàn ông bỏ đi quay trở lại vì thương con.

Ngày 21-9-2018, Th. đau bụng quá mức, tưởng mình "ăn bị trúng" nên bắt xe ôm tới bệnh viện. Cô chưa đến nơi, chỉ kịp tới trước phòng giao dịch của ngân hàng Quỳnh Anh đang làm thì sinh con ngay lề đường.

Thấy tình cảnh quá đáng thương, các bạn trong ngân hàng đã đưa người mẹ đi cấp cứu, quyên góp tiền trong nội bộ để chia sẻ phần nào kinh phí cho Th. lo con buổi ban đầu. 

Thế nhưng, mẹ Th. kể hoàn cảnh gia đình ở quê cũng nghèo, không thể nuôi nổi thêm cháu, trong khi trên TP.HCM ngoài cháu bé mới sinh, còn một bé 20 tháng tuổi ê a gọi mẹ, khóc đòi sữa mỗi ngày...

"Đã giúp phải giúp cho trót, không thể bỏ ngang vậy, nhưng làm sao cho chu toàn?", Quỳnh Anh trăn trở gọi cho tôi. Sở dĩ các bạn chọn tôi vì thấy thi thoảng tôi có làm từ thiện, lại quen biết nhiều cơ sở nuôi trẻ, chùa chiền. Và sau khi biết hoàn cảnh cùng nguyện vọng Th. muốn gửi con đến nơi nào đó tốt hơn để được nuôi dưỡng, tôi thương quá, đã nói: "Một là gửi vô chùa, hai là đưa vào trung tâm, không thì Long nuôi cho". Bên kia đầu dây, Quỳnh Anh bảo: "Được không đó ông?"...

Bỗng dưng làm ba - Ảnh 3.

Long hứa với mẹ là sẽ cố nuôi Bình Minh thành người tử tế - Ảnh: NVCC

Và tôi đã làm ba...

Trong khoảnh khắc cần trả lời câu hỏi của bạn, tôi chỉ bảo "được" như thể chuyện giữ giùm món đồ gì đó, chứ không phải là đứa trẻ, lại là trẻ sinh thiếu tháng, thiếu ký. Bạn bảo để hỏi lại mẹ và ngoại bé. Còn tôi, sau khi dứt cuộc điện thoại, cũng đi hỏi má mình.

"Con nhận một đứa nhỏ về làm con nuôi nghe má?". Má tôi trả lời nhẹ hều: "Ở đâu? Mà nuôi được thì nhận". Tôi nghe như má đang đùa. Nhưng tôi tin đó là lời thuận ý của má để tôi tiếp sức người mẹ trẻ không nuôi nổi con, đành gửi cháu đến một nơi nào đó tốt hơn.

Sau đó một ngày, tôi bay vào TP.HCM để ẵm cậu nhóc 7 ngày tuổi về Quảng Nam.

Vì quá gấp, vào tới nơi, tôi mới biết không thể đưa con về bằng đường hàng không do vướng thủ tục. Con chưa là gì của tôi cả, ngoài giấy chứng sinh và thư viết tay gửi gắm của mẹ bé. Thế là má tôi được "mời vào" cũng bằng chuyến bay gấp, để sau đó hai mẹ con cùng đưa cháu về trên hành trình dài 1.000km bằng xe khách giường nằm. Đó là một ngày cuối tháng 9-2018.

Thằng bé thương, nên gần như không "mè nheo" trên chuyến "di cư". Con về nhà, sáng hôm sau, trời Nông Sơn quê tôi sáng bừng nắng sớm sau nhiều ngày mưa ủ ê. Tôi nhìn ra phía vườn, nơi má giặt mớ tã của con phơi mà mỉm cười: trời ơi, vậy là mình đã là ba của một đứa trẻ rồi sao?

Mong con ấm áp, có cuộc đời mới

Tôi quyết định đặt tên con là Bình Minh (đầy đủ là Lưu Đức Bình Minh) với gửi gắm: con hãy thật ấm áp như nắng mai, cuộc đời con sẽ sáng hơn như ngày mới đến. Tôi dồn cả yêu thương cho con, từ việc làm thủ tục nhận con nuôi (hơi bị khó) cho đến việc quay trở lại TP.HCM tiếp tục làm việc. Trước đó tôi đã quyết định nghỉ việc để về nhà ở với má một thời gian rồi đi xuất gia.

Bình Minh đầy tháng, đó là quãng thời gian nhiều trải nghiệm với ông-bố-bất-ngờ, lại đơn thân ở tuổi 36 như tôi: phụ thay tã, hát ru, cho con bú sữa bình, nói chuyện u ơ với con... Đong đầy cảm xúc yêu con, tôi bắt đầu tự hứa với lòng và nói với má: "Con sẽ cố gắng lo cho thằng Minh, nuôi nó lớn khôn, thành người tử tế. Má ráng khỏe để phụ con nghen!".

Rồi tôi rời quê đi, như đã từng rời quê 19 năm trước. Nhưng lần này tôi phải bấm bụng để giấu nỗi nhớ thương đến hai người, là má và con trai.

Từ ngày có Minh, má tôi có cực hơn với việc chăm lo cho thằng bé. Má thức khuya dậy sớm, nhưng tinh thần vui vẻ, có nhiều việc để phấn đấu... phải khỏe lên. Tết, rồi tới thôi nôi con (tháng 9-2019), tôi về thăm má, thăm con, mà cảm nhận má tôi vui, con tôi lớn mỗi ngày trong vòng tay nội. Tôi biết Minh có nhân duyên lớn với gia đình tôi.

Nhiều người bảo nên cắt liên lạc với mẹ ruột Minh. Tôi không làm vậy, bởi tôi hiểu không có người mẹ nào không thương con mình. Tôi muốn Th. tin rằng ở đâu đó trên đời vẫn có tình thương thực sự hiện diện, để cô ấy yên tâm rằng con mình đang lớn lên bình yên trong vòng tay người thực sự thương yêu con. Tôi tâm niệm sau này con lớn sẽ cho con biết gốc gác, và cũng mong con hiểu gốc gác không quan trọng.

Hoàn cảnh mình sinh ra không quyết định giá trị thực sự bằng những điều mình sống, bằng những kiến tạo từ nỗ lực bản thân. Mỗi ngày, dẫu chỉ "điện đàm" với con bằng Zalo qua điện thoại của nội, nhưng tôi tin con cảm nhận được tình thương tôi dành cho. Bởi những gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim.

Và tôi tin tình yêu thương của tôi sẽ giúp con trở thành người ấm áp như cái tên: Bình Minh.

Thương trẻ hoàn cảnh như mình

bong dung lam ba 3 2(read-only)

Long thương cậu bé như con ruột thịt của mình - Ảnh: L.Đ.LONG

Thực ra, tôi nhận nuôi con "mạnh miệng" như vậy còn vì từng đọc nhiều bản tin trẻ bị bỏ trước cổng chùa, bỏ lại bệnh viện, thậm chí bỏ đâu đó ngoài thùng rác chỉ vì hận người cha bội bạc, vì hoàn cảnh… Và còn nữa, tôi cũng từng là trẻ gần giống như vậy. Má mang bầu, ba tôi cũng biền biệt phương trời khác, đứt liên lạc. Má đã vượt cạn một mình và nuôi tôi trong khó nghèo. Tôi đặc biệt thương những hoàn cảnh như mình…

Bỗng dưng làm ba - Ảnh 6.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên