09/01/2017 09:00 GMT+7

Bóng đá Trung Quốc coi chừng bài học của Nga

HUY ĐĂNG (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
HUY ĐĂNG (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)

TT - Người Trung Quốc vẫn chưa ngừng cơn đầu tư điên cuồng vào bóng đá, nhưng những gì họ bỏ ra liệu sẽ thật sự thu được hiệu quả như ý?

Oscar - bản hợp đồng đắt kỷ lục của bóng đá Trung Quốc được người hâm mộ Shanghai chào đón. Ảnh: SPORTAL
Oscar - bản hợp đồng đắt kỷ lục của bóng đá Trung Quốc được người hâm mộ Shanghai chào đón. Ảnh: SPORTAL

 

Kỳ chuyển nhượng mùa đông đầu năm 2016 (từ ngày 1-1 đến 26-2), các CLB Trung Quốc khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi liên tiếp vung tiền mua về những siêu sao đắt giá, trị giá hàng chục triệu euro như Alex Teixeira (50 triệu euro - Jiangsu Suning), Jackson Martinez (42 triệu euro - Guangzhou Evergrande), Ramires (28 triệu euro - Jiangsu Suning)...

Những bản hợp đồng phá giá

Theo thống kê cuối cùng, các CLB Trung Quốc chi tổng cộng 281 triệu euro cho kỳ chuyển nhượng này, trong khi con số tương tự của cả Giải ngoại hạng Anh (Premier League) cũng chỉ là 171 triệu euro.

Bất chấp việc Hiệp hội Bóng đá (CFA) lẫn Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc đang tìm cách hạn chế chuyện mua sắm cầu thủ nước ngoài, xu hướng vung tiền mang về những siêu sao từ các giải đấu châu Âu của những CLB ở Giải vô địch Trung Quốc (China Super League - CSL) vẫn tiếp diễn ở mùa đông này. Thị trường chuyển nhượng chỉ mới mở cửa được vài ngày, nhưng Shanghai SIPG đã thực hiện thương vụ chấn động - mua Oscar từ Chelsea với giá 60 triệu euro, còn Tianjin Teda cũng mang về John Obi Mikel - ngôi sao khác của Chelsea. Hàng loạt thương vụ “bom tấn” khác đang hứa hẹn được các CLB Trung Quốc kích hoạt như Carlos Tevez từ Boca Juniors hay nhiều ngôi sao khác của Premier League...

Những siêu sao này mang đến ảnh hưởng như thế nào với nền bóng đá Trung Quốc? Những tín hiệu tích cực tất nhiên là có. Người hâm mộ CSL tất nhiên bây giờ háo hức đến sân hơn hẳn để được chiêm ngưỡng những bản hợp đồng đắt giá hàng đầu thế giới thi đấu. Theo thống kê của tờ China Daily (Trung Quốc), lượng khán giả trung bình mỗi trận của CSL năm 2016 đã tăng đến 30%, từ 18.680 CĐV/trận lên 24.238 CĐV/trận so với năm 2014. Và các siêu sao nước ngoài cũng không khiến họ phải thất vọng: Teixeira đã ghi được 19 bàn trong mùa giải đầu tiên khoác áo Jiangsu Suning, tiền vệ Ramires cũng có 5 bàn sau 38 lần ra sân...

Nhưng liệu chừng đó đã đủ cho giấc mơ “đưa Trung Quốc sánh ngang tầm bóng đá châu Âu”? Đó là một câu hỏi của tương lai, nhưng lúc này đây những người Trung Quốc cũng nên dè chừng với một bài học nhãn tiền từ Nga - một kẻ “giàu xổi” bất thường cách đây vài năm. Giai đoạn những năm 2008 - 2013, các CLB của Giải vô địch Nga (RFPL) mang dáng dấp tương tự CSL bây giờ - vung tiền tấn cho các siêu sao nước ngoài.

Tàn tích của bóng đá Nga

Còn nhớ hồi năm 2011, đội bóng vô danh Anzhi Makhachkala (chỉ mới lên hạng từ năm 2010) gây chấn động thế giới khi mang được Samuel Eto’o về từ Inter Milan, biến anh trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới khi đó với con số 20 triệu euro/mùa. Ngoài ra còn có hàng loạt thương vụ đình đám khác diễn ra giai đoạn đó, như việc Zenit tậu bộ ba siêu sao Hulk, Axel Witsel, Danny với giá lần lượt là 55, 40 và 30 triệu euro.

Hulk được SHanghai mua về từ chính Zenit của Nga. Ảnh: GOAL.COM
Hulk được SHanghai mua về từ chính Zenit của Nga. Ảnh: GOAL.COM

Đặc điểm chung của những bản hợp đồng này? Đều có giá đội lên gấp 2, 3 lần so với thực tế. Như trường hợp của Witsel - người chỉ có giá 20 triệu euro lúc đó (theo định giá của Transfermarkt). Các siêu sao này ban đầu cũng tạo ra chút ảnh hưởng tích cực, nhưng rồi không đủ để cứu vãn khi các ông chủ CLB lao đao vì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2014. Anzhi - kẻ giàu xổi - “nghèo đi đột ngột” vào cuối năm 2013 khi tỉ phú Suleyman Kerimov gặp khó khăn về tài chính. Từ ngân sách 135 triệu euro/năm, Anzhi phải cắt giảm chỉ còn 37 - 53 triệu euro/năm thời gian qua.

Và các ngôi sao lũ lượt rời khỏi RFPL cũng nhanh và đột ngột như khi họ đến. Willian là trường hợp buồn cười nhất. Mới tháng 1-2013, anh còn háo hức khoác áo số 10 ở Anzhi thì chỉ sau đó 8 tháng, đội bóng Nga phải bán anh sang Chelsea với giá 35,5 triệu euro, nhiều hơn... nửa triệu euro so với lúc họ mua. Tương tự, Hulk được bán sang chính Shanghai SIPG với giá 55,8 triệu euro, còn Witsel là một thương vụ lỗ nặng của Zenit khi chỉ thu về được 20 triệu euro từ Quanjian - một CLB Trung Quốc khác... Và rồi RFPL trở lại với tình cảnh lèo tèo khán giả sau vài mùa giải sôi động. Mùa 2012-2013, lượng khán giả trung bình của họ là 13.140, còn ở thời điểm hiện tại con số này chỉ là 10.679, thấp hơn cả mức 11.793 cách đây 10 năm.

Cách mà bóng đá Trung Quốc thu mua tàn tích từ thất bại của một nền bóng đá khác khiến nhiều người dự đoán một tương lai tương tự dành cho họ. Những Teixeira, Ramires hiện tại hay Oscar, Mikel tương lai có thể tạo ra hiệu quả tích cực, nhưng chưa chắc đủ để bù đắp sự lãng phí. Oscar ở đẳng cấp nào mà lại có thể lãnh mức lương 400.000 bảng/tuần, cao hơn cả quả bóng vàng 2016 Ronaldo (365.000 bảng/tuần), gấp 4 lần so với khi ở Chelsea? Giá trị của các siêu sao từ bóng đá châu Âu bị Trung Quốc phá giá gấp mấy lần. Và trong trường hợp những nhà tài phiệt đang vung tiền như nước cho CSL gặp khó vì kinh tế, bóng đá Trung Quốc có lại trở thành “bom xịt” như những gì mà Nga từng gặp phải?

Tổng cục TDTT Trung Quốc cũng “tuýt còi”

Ngoài CFA, Tổng cục TDTT Trung Quốc (GAS) cũng tỏ thái độ không ủng hộ với cơn mua sắm điên cuồng của các CLB. Một người phát ngôn của GAS mới đây cho biết họ sẽ hành động để kiềm chế “những khoản đầu tư không hợp lý”, cũng như “hạn chế thu nhập của các cầu thủ ở mức hợp lý” và những CLB có khoản nợ vượt quá tài sản sẽ bị cấm thi đấu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng những công ty Trung Quốc mua lại các đội bóng châu Âu cũng bị đặt dưới tình trạng theo dõi bởi các nhà quản lý kinh tế của quốc gia này.

“Nếu bạn nhìn vào những con số, đây rõ ràng là một sự vô lý. Điều này không hề bền vững ở góc độ kinh doanh và chẳng giúp gì cho bóng đá Trung Quốc

Báo China Sport Insiders bình luận về việc các CLB Trung Quốc điên cuồng mua về những siêu sao đắt giá

 
HUY ĐĂNG (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên