20/06/2018 13:17 GMT+7

Bóng đá châu Á vẫn còn khoảng cách với thế giới

THẠCH BẢO KHANH
THẠCH BẢO KHANH

TTO - Chỉ có hai đại diện của bóng đá châu Á là Iran (thắng Morocco 1-0), Nhật Bản hạ Colombia (2-1), ba đội còn lại là Úc, Hàn Quốc và Saudi Arabia cùng trắng tay sau trận mở màn vòng bảng ở World Cup 2018.

Bóng đá châu Á vẫn còn khoảng cách với thế giới  - Ảnh 1.

Hình ảnh gục ngã của Saudi Arabia trong trận thua Nga 0-5.- Ảnh: FIFA

Chiến thắng của Nhật Bản và Iran phần nào đó làm mát mặt bóng đá châu lục đông dân nhất thế giới. Nhưng ở góc độ nào đó thì bóng đá châu Á vẫn còn khoảng cách so với châu Âu, châu Phi hay Nam Mỹ ở sân chơi World Cup. 

Khoảng cách đó là gì? Ưu điểm, nhược điểm của họ ra sao?

Dưới đây là những phân tích của cựu tuyển thủ Thạch Bảo Khanh, nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2008.

Nếu xét về kỹ chiến thuật, bóng đá châu Á không kém các đội bóng đẳng cấp thế giới. Đơn giản chỉ vì cầu thủ hiện tại được đào tạo hết sức căn bản, có trình độ văn hóa cao cho nên họ tiếp thu rất nhanh các ý tưởng, chiến thuật mà HLV đề ra.

Và cũng chính vì được đào tạo cơ bản từ nhỏ nên đến tuổi trưởng thành, các cầu thủ châu Á cũng không kém cạnh về kỹ thuật cá nhân, tất nhiên là không thể so sánh với các siêu sao tầm cỡ như Neymar, Messi hay Ronaldo…

Bóng đá châu Á vẫn còn khoảng cách với thế giới  - Ảnh 2.

Colombia chết lặng người khi bị cầu thủ Nhật Bản phá lưới- Ảnh: REUTERS

Kỹ thuật cá nhân nhuần nhuyễn giúp cầu thủ châu Á biết làm chủ quả bóng, dám đột phá hay phối hợp trong phạm vi hẹp để thoát khỏi sự truy cản của đối phương. Trong trận thắng Colombia 2-1, cầu thủ Nhật Bản thể hiện nhiều pha ngoặt bóng, đảo người khá ngoạn mục để thoát đi.

Điểm yếu cố hữu của bóng đá châu Á là chưa thể sánh bằng cầu thủ châu Âu, Nam Mỹ về mặt thể hình. Có thể, cầu thủ Iran, Saudi Arabia, Úc hay Hàn Quốc cao lớn nhưng khi đặt bên cạnh cầu thủ châu Âu, Nam Mỹ hay châu Phi thì người châu Á vẫn chưa thể so đọ được về độ dày, sức mạnh, tốc độ...

Bóng đá là môn thể thao mang tính đối kháng cao, do vậy phần thua thiệt luôn thuộc về cầu thủ thấp bé, nhẹ cân. Về điều này thì chỉ có dân chơi bóng đá chuyên nghiệp mới cảm nhận một cách đầy đủ nhất nỗi khổ khi phải liên tục rượt theo đối thủ to cao và khỏe hơn mình.

Có thể hai cầu thủ cao ngang nhau, nhưng cơ bắp chưa rắn chắc, độ dày của cơ thể không bằng đối phương tất yếu sẽ nhận phần thất bại trong các tình huống tranh chấp tay đôi, vốn luôn diễn ra trong suốt 90 phút. Và cứ sau mỗi lần va chạm, thất thế như vậy sẽ mang lại sự trạng thái tâm lý cho cầu thủ, từ đó kéo theo sự xuống sức.

Tâm lý không ổn định, cũng là một yếu tố rất quan trọng khiến cho cầu thủ thiếu tự tin, e dè trong các lần tranh chấp tiếp theo. Thua thiệt trong đối đầu tay đôi đi liền với mặc cảm. Nhiều cầu thủ lùi dần về sân nhà với suy nghĩ nếu mình đánh chặn không thành công thì sẽ có đồng đội bọc lót hỗ trợ.

Bóng đá châu Á vẫn còn khoảng cách với thế giới  - Ảnh 3.

Cổ động viên Nhật Bản phấn khích với chiến thắng của đội nhà trước Colombia- Ảnh: REUTES

Nếu để ý, sẽ thấy rất rõ các đội bóng châu Á luôn chơi với số đông trên phần sân nhà. Có thể là do đội của họ kém thế, yếu hơn đối thủ nhưng mấu chốt của vấn đề là sự thiếu tự tin.

Việc được chơi bóng đỉnh cao, cọ xát quốc tế thường xuyên sẽ trang bị cho cầu thủ rất nhiều điều bổ ích. 

Nói vậy, sẽ có người phản bác rằng LĐBĐ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Iran hay Saudi Arabia đâu có thiếu tiền, đi đá giao hữu quốc tế thường xuyên, thế thì tại sao trình độ của họ chưa sánh bằng nhiều đội khác? Họ cũng không thiếu chế độ dinh dưỡng khoa học, cơ sở vật chất thì trên cả tuyệt vời, nhiều cầu thủ của các nước này đang đá thuê ở châu Âu. 

Vậy thì điều gì khiến họ chưa thật sự là chính mình?

Xin thưa, chơi bóng ở châu Âu, nhưng là ở hạng nào chứ không phải sang châu Âu đá thuê thì sẽ lừng danh ngay lập tức. Đội bóng nào cũng cần có ngôi sao, nhưng cần phải hiểu rằng một cánh én không thể mang lại mùa xuân, và yếu tố kỷ luật chiến thuật phải được đặt lên hàng đầu.

Tôi đồng ý với nhiều chuyên gia, HLV kỳ cựu ở VN cho rằng khoảng cách giữa các đội đang được thu hẹp lại ở World Cup 2018. Nhưng dẫu có hẹp đến mấy chăng nữa thì khoảng cách giữa bóng đá châu Á với châu Phi, châu Âu hay Nam Mỹ vẫn còn khá xa. Cách biệt ấy, theo tôi, nằm ở chỗ thua thiệt về thể hình, thể lực, sức mạnh.

Viết đến đây, tôi cảm nhận biết bao khó khăn trong việc trả lờicâu hỏi- đến bao giờ thì đội tuyển VN hiện diện ở World Cup?

Một câu hỏi hết sức hóc búa. Khó trả lời ở chỗ hầu hết các cầu thủ VN hiện nay đều có chiều cao dưới 1,80m, nhẹ cân và không có độ dày của cơthể dù rằng kỹ thuật cá nhân của tất cả đều rất khéo. Với thể hình như vậy, thật khó mà đòi hỏi họ chiến thắng trong các tình huống một chọi một trên cao. Không tương đồng với đối phương ở khía cạnh này thì chuyện bao giờ đội tuyển VN góp mặtở World Cup hãy còn xa vời lắm.

Để xóa dần khoảng cách ấy không là điều đơn giản, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thể hình, thể lực là vô cùng quan trọng.

Có thể, bạn đọc không đồng tình với nhận định này, nhưng đó là góc nhìn và suy nghĩ của tôi sau loạt trận mở màn của năm đội tuyển châu Á.

THẠCH BẢO KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên