29/07/2016 17:02 GMT+7

“Bốn nhà” đề xuất tâm huyết gửi tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

C.QUỐC - Đ.VỊNH - H.T.DŨNG ghi
C.QUỐC - Đ.VỊNH - H.T.DŨNG ghi

TTO - Ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Cường được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Tuổi Trẻ đã ghi lại những đề xuất tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL gửi đến tân bộ trưởng.

Nông dân giờ đây rất cần một tổ chức đứng ra thu gom để không còn cảnh bị cò chèn ép như hiện nay - ẢNH BỬU ĐẤU
Nông dân rất cần một tổ chức đứng ra thu gom để không còn cảnh bị “cò” chèn ép như hiện nay - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tất cả đều mong muốn có sự bứt phá mạnh mẽ để đưa nền nông nghiệp nước nhà vượt qua khó khăn, giúp nông dân vựa lúa, cá, nông thủy sản của cả nước vươn lên làm ăn lớn thoát nghèo, làm giàu.  

* PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Đột phá liên kết vùng, nâng giá trị bốn ngành hàng chủ lực

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Ảnh: CHÍ QUỐC
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tôi mong muốn tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ đột phá vào lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh của bốn ngành hàng chủ lực (lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây) của đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua liên kết vùng.

Muốn làm được, bản thân Bộ NN&PTNT phải liên kết được các bộ ngành liên quan để tập hợp lại, cùng thực hiện. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng khó khăn, thách thức của đồng bằng sông Cửu Long từng bước sẽ được giải quyết.

* Ông Nguyễn Triệu Dõng (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi, Sóc Trăng):

Cần tạo điều kiện để nuôi tôm bền vững

Tôi có hai đề xuất với tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Một là xây dựng được mô hình nuôi tôm công nghiệp trong “khu công nghiệp”, nông dân có đất sẽ tham gia vào khu này. Nơi đây sẽ được quản lý chuyên nghiệp gồm phòng lab, có sự tham gia của nhà khoa học từ đầu tới cuối, được xử lý môi trường, con giống, thức ăn một cách chặt chẽ…

Muốn làm được điều này phải có sự tham gia của nhà nước và nông dân, còn với cách làm manh mún hiện nay sau mỗi mùa vụ là phân bón, thức ăn, tảo làm cho đáy ao tôm dơ, vi khuẩn tiềm ẩn nên có năm làm trúng, có năm thất mùa, rất bấp bênh.

Vấn đề thứ hai tôi muốn kiến nghị là với chính sách nông nghiệp nông thôn từ trước tới nay thì cây lúa được đầu tư thủy lợi nội đồng (kênh mương ở miền Nam và cống hộp ở miền Bắc) rất tốt, còn con tôm không được quan tâm lớn về quy hoạch, thủy lợi nên cứ hô hào là nuôi tôm bền vững nhưng thực chất là không bền vững.

Muốn nuôi tôm bền vững thì phải có chính sách bảo vệ môi trường nuôi tôm, mà muốn làm được việc này cũng phải có nhà nước tham gia. Có thể quy hoạch khu thu gom cặn bã, chất thải trong nuôi tôm để đưa vào lâm trường phục vụ việc trồng cây con và quan trọng nhất là công tác thủy lợi (dẫn nước, nạo vét, bảo vệ môi trường).

Làm được những việc này mới hi vọng ngành tôm có thể cạnh tranh được vì có nguồn tôm bền vững, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định thì các nhà máy mới an tâm thu mua, chế biến, xuất khẩu và ngành mới phát triển hơn được.

* Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

Tổ chức sản xuất phải kèm theo luật hóa bằng những quy định pháp luật

Ông Nguyễn Minh Nhị - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Minh Nhị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tôi nghĩ rằng trung ương cũng biết rõ tình hình nên mới chọn ra tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tôi cũng mong muốn, kỳ vọng.

Trước tiên cũng phải nói rằng trong bối cảnh và thực trạng nền nông nghiệp hiện nay, khách quan mà nói ngay lúc này một người dám đứng nhận chức bộ trưởng Bộ NN&PTNT là dũng cảm, có tâm huyết, cho nên chúng ta cần có sự cảm thông, chia sẻ.

Chúng ta kỳ vọng, nhưng cũng không quá lạc quan, bởi trong bối cảnh khó khăn vừa nêu, việc tìm cách, giải pháp gỡ rối đã là vất vả lắm rồi.

Theo tôi, với thực trạng nông nghiệp hiện nay cần nhìn rõ thực chất, bản chất để từ đó có những cách làm, giải pháp đúng bệnh, đúng thuốc.

Với tân bộ trưởng, tôi nghĩ trước tiên song song với tổ chức sản xuất phải kèm theo luật hóa bằng những quy định pháp luật, những thông tư, nghị định quy định chặt chẽ trong quản lý, xử lý nghiêm sai phạm về quy hoạch, kế hoạch. 

Vấn đề này phải làm thực chất, cụ thể. Đồng thời tạo mặt bằng sản xuất minh bạch, tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, nhằm tạo lòng tin cho sản phẩm với thị trường. Một khi làm được vậy nông sản VN dần khẳng định uy tín sẽ đảm bảo đầu ra bền vững, nông nghiệp sẽ dần khởi sắc.

Mặt khác, theo tôi lúc này chưa nên nghĩ tới việc tích tụ ruộng đất, mà nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê đất của nông dân để sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị hàng hóa lớn. Nông dân vừa cho thuê đất vừa làm cho doanh nghiệp sẽ có thu nhập ổn định.

Tôi hi vọng và mong tân bộ trưởng thực hiện những điều này.

* Ông Huỳnh Văn Thòn (tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời):

Cải cách, đột phá, mạnh dạn tái cơ cấu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Ông Huỳnh Văn Thòn - Ảnh: Đ.VỊNH

Với tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tôi kỳ vọng sẽ mạnh dạn cải cách, đột phá, mạnh dạn tái cơ cấu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp với những yêu cầu đặt ra, quy định cụ thể và đòi hỏi có sự tham gia đồng bộ của các thành phần, đơn vị liên quan. 

Bên cạnh đề ra những chính sách hỗ trợ cần giải pháp căn cơ để củng cố, hoàn thiện và mở rộng quy mô chuỗi giá trị sản xuất một cách thực chất, nhằm đảm bảo sản phẩm có chất lượng, uy tín và đảm bảo khâu tiêu thụ bền vững cho nông dân cũng như doanh nghiệp.

Có như vậy doanh nghiệp và nông dân mới có thể gắn chặt cùng nhau, cùng phát triển.

Lâu nay đầu tư toàn xã hội, của nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Bộ NN&PTNT cần đưa ra giải pháp để khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về phía nhà nước cũng đầu tư đúng chỗ, thiết thực, đặc biệt cần chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất.

Mặt khác, cũng nên mạnh dạn trong chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất để tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, giúp nông sản đủ sức cạnh tranh trong thời hội nhập.   

* Ông Nguyễn Văn Thành (nông dân thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp):

Giúp nông dân làm ăn căn cơ theo tổ hợp tác, theo HTX

Thực trạng sản xuất nông nghiệp bao nhiêu năm nay là… mạnh ai nấy làm, trì trệ. Doanh nghiệp vốn là nơi lo việc tiêu thụ nhưng lại cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường xuất khẩu.

Lúa gạo và thủy sản là hai sản phẩm chủ lực có thế mạnh mà họ chào bán giá thấp rồi sau đó ép giá nông dân, khiến đầu ra và giá cả luôn bấp bênh. Lâu nay nông dân thiếu vốn sản xuất, bị động trong khâu tiêu thụ nhưng những chính sách hỗ trợ sản xuất hầu như chưa đến được, hầu như họ phải tự bơi.

Vấn đề đột phá, cải cách trong nông nghiệp là chuyện bức bách lẽ ra được thực hiện từ lâu. Với tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nông dân chúng tôi kỳ vọng ông sẽ mạnh dạn đột phá với việc cho tổ chức lại sản xuất có quy hoạch theo mô hình liên kết đảm bảo đầu ra.

Cụ thể, giúp nông dân làm ăn căn cơ theo tổ hợp tác, theo HTX có gắn kết trong chuỗi với doanh nghiệp; hỗ trợ vốn, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời có chính sách, có những quy định để triển khai thực hiện những điều vừa nêu để không phải là nói cho có, chứ không làm.

C.QUỐC - Đ.VỊNH - H.T.DŨNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên