12/08/2012 09:04 GMT+7

Bốn bàn tay, một con mắt

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Di chứng bệnh đậu mùa từ lúc 11 tuổi đã lấy đi đôi mắt và để lại những dấu vết khó phai trên gương mặt của ông. Nhưng mặc kệ những khiếm khuyết, thua thiệt so với người đời, ông vẫn rất hay cười. Nụ cười của sự mãn nguyện.

Kỳ 1: Cô gái mù hiếu thảo

mmAOtPj4.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Hai Năng chỉ còn một con mắt vẫn miệt mài lao động nuôi các con khôn lớn - Ảnh: Tấn Đức

Ông bảo: “Bà xã tôi bị hư một bên mắt hồi mới 3 tuổi, con còn lại bả cho tôi xài ké gần 40 năm qua. Bằng một con mắt và bốn bàn tay, vợ chồng tôi đã tạo dựng được nhà cửa, nuôi nấng sáu đứa con học hành không thua kém bạn bè trong xóm, vậy thì phải vui chứ”.

Cần cù bù khiếm khuyết

Người dân ấp Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) gọi ông là Hai Năng. “Hai” là thứ, còn “Năng” có lẽ do bản tính cần cù, lam lũ của ông. Nhờ siêng năng lao động mà ở tuổi 71 ông Hai Năng ít khi bị đau ốm lặt vặt, mỗi bữa vẫn “làm” hết bốn chén cơm. Hôm chúng tôi đến, dù đang giữa trưa trời nắng chang chang, vậy mà ông vẫn vác dao ra vườn, một mình rờ rẫm cả bụi tre gai rậm rạp, chọn cây già nhất để đốn hạ đem về chẻ nan, đan thúng. Đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng từ hồi 15, 16 tuổi, ông đã được cha mẹ dạy nghề đan thúng giê, thúng giạ (dụng cụ dùng xúc, đội lúa). Học được cái nghề thủ công truyền thống vốn cần sự khéo léo của đôi tay, với người mù như ông còn khó hơn leo cột mỡ. Vậy mà ông làm được tất tần tật, từ khâu chọn cây, chẻ nan, đan mê, tới bước khó nhất là vô vành, tạo ra những sản phẩm thuộc loại đẹp nhất nhì của làng nghề làm thúng Long Châu có bề dày lịch sử trên trăm năm.

“Ông Hai Năng là hình ảnh sống động về khả năng lao động của người mù. Suốt mấy chục năm qua ông đã miệt mài lao động, làm đủ mọi nghề như người sáng mắt để lo cho gia đình, cho con cái học hành không thua kém ai. Sắp tới chúng tôi sẽ đón ông đến Thành hội người mù TP Cần Thơ để nói chuyện về kỹ năng sống, giúp người mù nâng cao tinh thần tự thân vận động, phát huy hết khả năng, tự tin hòa nhập với đời sống xã hội. Song song đó chúng tôi cũng sẽ tổ chức các khóa huấn luyện để ông Năng dạy nghề đan lát cho các hội viên có nhu cầu” - ông Hoàng Quyết Thắng, phó chủ tịch Hội Người mù TP Cần Thơ, cho hay.

Chính sự “mát tay” nổi tiếng trong nghề đan lát, cộng với khả năng đờn giỏi hát hay trời cho mà mấy chục năm trước, anh thanh niên mù lòa Hai Năng vẫn được bao thiếu nữ trong vùng quan tâm chăm sóc. Ba người phụ nữ duyên dáng, không một chút khiếm khuyết về hình thể đã lần lượt tự nguyện đến với ông. Nhưng rồi họ cũng vội vã ra đi khi gặp phải những khó khăn thực tế trong cuộc sống vợ chồng. Lần thứ tư trong đường tình duyên, ông lọt vào “con mắt xanh còn lại” của thiếu nữ Trần Thị Bế, nhỏ hơn ông tới mười tuổi, quê ở Cái Sao, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên (An Giang). Hồi mới lên 3 tuổi, bà Bế bị bệnh ban sởi nhưng may mắn chỉ bị ảnh hưởng một mắt bên trái. Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia của người đồng cảnh.

Hai vợ chồng chỉ còn một con mắt nhưng đi đâu cũng có nhau, vợ là mắt, chồng là tay. Mùa thu hoạch lúa họ đi cắt thuê khắp vùng, có chuyến cả tháng mới về. Khi nước lụt tràn đồng, vợ chồng lại xuống xuồng, chồng bơi mũi, vợ bơi lái tìm mua đất mặt ruộng rồi ông lặn hụp xúc mang đi bán cho các lò gạch, hoặc đắp bờ bao, tô nền nhà cho những người dân vùng trũng. Những đứa con lần lượt ra đời vào thời điểm “đêm trước đổi mới”, hàng hóa bị “ngăn sông cấm chợ”. Nghĩ mình mù lòa, không ai làm khó, vợ chồng ông Hai Năng tính chuyện đi buôn. Sắm chiếc xuồng gỗ sao, bề hoành một thước ba, che cà rèm ở giữa để làm chỗ trú mưa nắng rồi mua thúng, thêm một số mặt hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm, đôi vợ chồng chèo ghe chở vô đồng sâu miệt tứ giác Long Xuyên, U Minh Hạ bán kiếm lời. Hằng ngày chồng ngồi trước mũi xuồng, vừa bơi vừa cất giọng rao “Ai mua thúng, muối, mỡ hè”. “Mỗi chuyến đi kéo dài 5-7 ngày, có khi cả nửa tháng. Hàng bán chậm rì, lại chịu nhiều khoản phí qua trạm nên ướt mái dầm còn tiền, khô mái dầm hết tiền. Sợ nhất là những khi sóng gió bất thường, nhỡ có bề gì bản thân mình còn lo chưa xong, làm sao cứu được tụi nhỏ nên đành bán xuồng đổi nghề” - ông Hai Năng nhớ lại.

Kéo nhau lên bờ, đôi vợ chồng tập tành làm ruộng. Từ khâu gieo sạ tới bón phân, nhổ cỏ, cắt, suốt lúa ông đều làm được tuốt. Không thấy đường thì ông căng dây để định hướng. Làm ngày không xuể thì tranh thủ làm đêm. “Cần cù bù khiếm khuyết. Mình chịu khó để ý một chút là làm được hết” - ông Hai Năng tâm sự.

Con là ánh sáng

Vợ chồng ông cứ làm quần quật bất kể ngày đêm. Vất vả nhưng căn nhà bên bờ sông Hậu lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói của các con. Đi đâu ông cũng khoe: “Vợ chồng tui mù nhưng có tới sáu con lận đó, đứa nào cũng học giỏi bá phát luôn”. Với vợ chồng ông Hai Năng, con cái là tài sản quý giá nhất. Vì con, ông bà sẵn sàng làm thuê mọi việc, từ đốn tre, chẻ trúc, cuốc đất, nhổ cỏ, cắt lúa... Làm nhiều nhưng chỉ cần ăn mỗi ngày một bữa, nhín lại một phần mua sách vở, tập viết cho con. Dạo đó cù lao Tân Lộc chưa có trường cấp III, nên học hết cấp II các con ông lại bơi xuồng vượt sông Hậu mênh mông sang trung tâm huyện Thốt Nốt học tiếp. Thương cha mẹ lam lũ, ba cô con gái ngoài thời gian đến trường lại phụ cha mẹ đan thúng, chẻ nan. Bữa nào có ai kêu đưa đò qua sông mấy chị em cũng nhận luôn. Vượt qua khó khăn, cả về kinh tế lẫn điều kiện đi lại, hai người con gái đầu của vợ chồng ông giờ đã là giáo viên trung học tại địa phương. Cô gái út cũng sắp ra trường tiếp nối nghề giáo của hai chị.

Khoảng chục năm trước, cồn Tân Lộc rộ lên phong trào lấy chồng ngoại tới nỗi xứ này được mệnh danh là “đảo Đài Loan”. Thấy ông có mấy cô con gái đẹp người đẹp nết, nhiều người định mai mối, ông gạt phăng: “Ai đời được mình mà làm khổ con”. Sợ con lấy chồng, lấy vợ xứ xa ít có điều kiện đi lại thăm nom, ông cứ dặn đi dặn lại: “Mấy đứa có thương ai thì thương... gần gần, đặng sau này cha mẹ có nghèo, không tiền thì đi bộ tới thăm con cháu”.

Nói về người hàng xóm, anh Nguyễn Hồng Ni, trưởng khóm Long Châu, phường Tân Lộc, hết lời ca ngợi: “Vợ chồng ông Hai Năng ăn ở với xóm làng được lắm. Dù bị mù lòa từ nhỏ, nhưng vợ chồng ông đã cố gắng vượt lên chính mình, làm được nhiều việc đáng kinh ngạc. Ông cũng là một trong những người đã góp một phần công sức gìn giữ làng nghề đan lát truyền thống của địa phương”.

_____________

Căn nhà có bốn người mù. Họ đã xoay xở ra sao?

Kỳ tới: Mưu sinh giữa lòng thành phố

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên