Máy bay chở tổng thống Bolivia rời khỏi ÁoMáy bay tổng thống Bolivia hạ cánh khẩn vì tin chở Snowden
Phóng to |
Chiếc máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Bolivia tuyên bố sẽ xem xét các cơ sở luật pháp khác để chứng minh rằng chủ quyền của nước này theo luật pháp quốc tế đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Phản ứng lại, LHQ cho biết Tổng thư ký Ban Ki Moon hiểu rõ sự lo ngại của chính quyền Bolivia và kêu gọi các nước có liên quan thảo luận về vấn đề này.
Đại sứ Bolivia tại LHQ Sacha Llorenti Soliz bày tỏ sự giận dữ. “Đây là vụ một tổng thống đi thăm chính thức nước khác bị bắt cóc - ông Soliz cáo buộc - Chúng tôi biết chắc rằng vụ việc xuất phát từ lệnh của Nhà Trắng. Không thể chấp nhận được chuyện máy bay chở tổng thống bị buộc phải đổi lộ trình và hạ cánh xuống một nước khác”.
AFP cho biết hôm nay 4-7 máy bay chở Tổng thống Morales sẽ về đến Bolivia. Trước đó, máy bay đã dừng tại Áo sau khi bị Ý, Bồ Đào Nha và Pháp từ chối không cho hạ cánh để tiếp nhiên liệu vì tin đồn Snowden có mặt trên máy bay. Phó thủ tướng Áo Michael Spindelegger tiết lộ tại Áo, ông Morales đích thân khẳng định “người thổi còi” Snowden không có trên máy bay của ông và cho phép phía Áo kiểm tra.
“Một quan chức của chúng tôi đã lên máy bay quan sát mọi thứ và không phát hiện ai khác” - ông Spindelegger cho biết. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ruben Saavedra bác bỏ thông tin này và nhấn mạnh ông Morales không mời ai lên khám xét máy bay.
Báo Le Monde đưa tin cũng trong tối qua, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nói lời xin lỗi Bolivia vì đóng cửa không phận với máy bay chở Tổng thống Morales. “Chúng tôi không hề có ý muốn đóng cửa không phận với máy bay của Tổng thống Morales. Đất nước Pháp luôn chào đón ông ấy” - ông Fabius tuyên bố nhưng không giải thích rõ lý do tại sao Pháp từ chối cho máy bay của ông Morales hạ cánh.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước Mỹ Latin đã phản ứng rất giận dữ với vụ xìcăngđan trên. Tổ chức 12 nước Nam Mỹ Unasur mô tả hành vi của Ý, Bồ Đào Nha và Pháp là “thù địch và không thể biện minh”. Lãnh đạo các nước Unasur sẽ họp khẩn ở Bolivia trong hôm nay 4-7 để thảo luận vụ việc.
“Đây là dấu vết của chủ nghĩa thực dân tưởng như đã chết từ lâu - Tổng thống Argentina Cristina Kirchner tuyên bố - Đây là hành vi sỉ nhục không chỉ Bolivia mà cả Mỹ Latin”. Tổng thống Ecuardor Rafael Correa đòi châu Âu phải giải thích rõ ràng về vụ việc.
Các nguồn tin từ Mỹ và châu Âu cho biết trước đó, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo chính quyền nhiều nước là mối quan hệ với Mỹ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu cho Snowden tị nạn. Chiến dịch vận động của Mỹ đã khiến nhiều nước lên tiếng từ chối cho Snowden tị nạn.
Nguồn tin báo chí Nga cho biết hiện Snowden vẫn đang mắc kẹt ở khu quá cảnh tại sân bay ở Matxcơva.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận