
Boeing vẫn giữ thái độ lạc quan trước việc bị Trung Quốc trả lại máy bay - Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian ngày 23-4, nhà sản xuất máy bay Boeing đang cố gắng chuyển giao nhiều nhất có thể số máy bay mà trước đó Trung Quốc đã đặt, nhưng sau đó đã hủy vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cho các khách hàng khác.
Hãng cho biết họ tự tin về việc có thể bán lại 50 máy bay, nhưng cũng nói rằng họ đang trực tiếp vận động Tổng thống Trump để giải quyết tình hình.
Không quá ảnh hưởng
"Rất nhiều khách hàng từ Bắc Kinh thông báo với chúng tôi rằng họ sẽ không nhận máy bay", Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg nói.
Công ty đang tìm cách để "tiếp thị lại" các máy bay và sẵn sàng sơn lại chúng để phù hợp với màu sắc của các hãng hàng không khác nếu cần.
Trước đó hai máy bay Boeing đã được Trung Quốc trả lại phía Mỹ, cùng với một chiếc khác đang trên đường trở lại, sau khi Trung Quốc áp thuế 125% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả mức thuế 145% mà Nhà Trắng đã áp trước đó - một động thái có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc gọi với các nhà đầu tư ngày 23-4, ông Ortberg cho biết ông hy vọng "vấn đề thuế quan này sẽ được giải quyết trong thời gian tới".
Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà sản xuất máy bay Mỹ công bố khoản lỗ trong quý đầu năm 2025 đã giảm xuống còn 31 triệu USD, so với khoản lỗ 355 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Ông cũng nói thêm rằng cả Boeing và Airbus - đối thủ chính của hãng - đều mong muốn được phát triển trong "môi trường không thuế quan", trái ngược với tuyên bố đanh thép của Tổng thống Trump rằng áp thuế sẽ giúp khôi phục vị trí thống trị toàn cầu của ngành sản xuất Mỹ.
Hầu hết các nhà kinh tế Washington đều phản đối lập luận này của vị tổng thống.
Boeing đã bắt đầu sản xuất 41 chiếc máy bay vốn định giao cho Trung Quốc, và còn 9 chiếc nữa dự kiến hoàn thành trong năm nay.
"Đây là một tình huống đáng tiếc, nhưng chúng tôi cũng có nhiều khách hàng cần giao hàng sớm", giám đốc điều hành Boeing cho biết. Hiện Boeing đang có 5.600 máy bay trong danh sách đặt hàng, trong bối cảnh các hãng hàng không toàn cầu dự báo nhu cầu tăng mạnh.
Ông Ortberg nhận định nhìn chung, nhu cầu đối với máy bay vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các mức thuế. Điều này cho phép công ty tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dòng máy bay bán chạy nhất - 737 Max - lên 38 chiếc mỗi tháng.
Giá cổ phiếu của Boeing cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng 5,7% vào hôm 23-4.

CEO Ortberg nhận định số lượng các đơn đặt hàng máy bay của hãng vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan - Ảnh: REUTERS
Thách thức lớn về lâu dài
Boeing - nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất nước Mỹ - được đánh giá là mục tiêu chính trong các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động. Dù danh tiếng bị tổn hại nặng nề sau nhiều vụ bê bối an toàn, Boeing vẫn duy trì các mối quan hệ chính trị vững chắc tại Washington.
Ông Ortberg cho biết công ty đã làm việc với nhiều quan chức và chính trị gia, "bao gồm cả tổng thống", để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên nếu bị loại khỏi một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới như Trung Quốc, đó sẽ là cú đánh mạnh - nhất là khi Airbus, đối thủ có nhà máy tại Pháp, Trung Quốc và Mỹ, vẫn có thể tiếp tục bán hàng.
"Chúng tôi sẽ không tiếp tục sản xuất máy bay cho những khách hàng không có ý định nhận hàng", ông Ortberg nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo nếu thị trường bị đóng cửa, đó sẽ là thách thức lớn đối với nhà sản xuất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận