Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp chiều 5-2 - Ảnh: Chinhphu.vn
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết từ ngày 25-1 đến nay đã ghi nhận 389 trường hợp mắc tại 11 địa phương. Tuy vậy, trong 2 ngày gần đây chỉ có 6/10 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh mới, phần lớn là người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng...
Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM…
Tránh ban hành quy định "gây sốc"
Ông Nguyễn Đắc Vinh - phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - cho rằng cần tiếp tục cố gắng phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng như thời gian qua để vừa tổ chức khoanh vùng dập dịch hiệu quả vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, xã hội.
Đồng thời khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh ban hành những quy định hay những việc làm gây sốc cho xã hội.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của chính quyền cơ sở, ông Vinh yêu cầu các địa phương, đặc biệt ở tuyến cơ sở phải kiểm soát được người ra vào địa bàn, cũng như cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng; phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Địa phương ghi nhận ca bệnh tại cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người.
Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng.
Sẽ có hướng dẫn về vùng dịch
Đối với việc đi lại của người dân nhiều tỉnh siết chặt, PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.
Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong tỏa là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu...) mới được ra khỏi khu vực phong tỏa và được kiểm soát chặt chẽ.
Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2).
Các địa phương "không được ngăn sông cấm chợ", không được "làm quá" yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình "phong tỏa trong phong tỏa" được thực hiện ở TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.
Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn việc "phong tỏa trong phong tỏa", cố gắng khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm hàng hóa cho bà con được lưu thông trong dịp tết.
Từ trường hợp ca nhiễm ở Điện Biên, Ban chỉ đạo cho rằng gần tết người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là vận chuyển hành khách công cộng.
Việt Nam được hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí
Cũng trong hiều 5-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp các trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Theo đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tổng giám đốc WHO cho hay với chương trình cung cấp, hỗ trợ vắc xin cho các nước nghèo trên tinh thần công bằng và Việt Nam cũng nằm trong số nước được các tổ chức này rất quan tâm.
Dự kiến, COVAX sẽ cung cấp miễn phí một số lượng vắc xin phù hợp cho các nước nghèo, còn Chính phủ nước sở tại cung cấp kinh phí triển khai tiêm chủng.
Được biết, hiện nay, các trưởng đại diện UNDP, UNICEF, WHO đang làm việc sát với Bộ Y tế để khẩn trương lên kế hoạch tiêm chủng của Việt Nam theo đúng yêu cầu của COVAX. Nếu trong điều kiện thuận lợi, trong quý 1-2021, những liều vắc xin đầu tiên của COVAX có thể về đến Việt Nam.
Sẽ lại điều chỉnh thời gian cách ly?
Về quy định thời gian cách ly tập trung là 21 ngày (trước đó là 14 ngày), tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang xem xét những phân tích khoa học cuối cùng để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 đều vào khoảng từ 14 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận