12/07/2016 09:59 GMT+7

Bộ Y tế rà soát dịch vụ độc quyền trong bệnh viện

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sáng 11-7, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với Bệnh viện Nhi T.Ư, đánh giá những điều chỉnh của bệnh viện này sau vụ bảo vệ chặn xe bệnh nhi hấp hối.

Xe taxi Hãng ABC xếp hàng dài trong khuôn viên Bệnh viện Nhi T.Ư, nếu khách không muốn đi xe hãng này thì phải đi bộ ra ngoài đường để đón xe khác - Ảnh: NAM TRẦN
Xe taxi Hãng ABC xếp hàng dài trong khuôn viên Bệnh viện Nhi T.Ư, nếu khách không muốn đi xe hãng này thì phải đi bộ ra ngoài đường để đón xe khác - Ảnh: NAM TRẦN

 

“Việc ký hợp đồng cho taxi vào độc quyền trong bệnh viện là có thể có lợi ích vật chất, nếu lợi ích đó không vào quỹ chung mà là lợi ích nhóm thì đó là tham nhũng. Bên cạnh dịch vụ vận chuyển, Bộ Y tế cũng đề nghị xem xét cả các dịch vụ khác đang được độc quyền trong bệnh viện

Ông Lương Ngọc Khuê​ (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh)

Với Bệnh viện Nhi T.Ư, hai vấn đề vướng mắc trong những ngày qua là Công ty AZ có bảo vệ chặn xe của bệnh nhân và Hãng taxi ABC được độc quyền trong bệnh viện.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, bệnh viện đã yêu cầu Công ty AZ chấn chỉnh chất lượng dịch vụ, nếu không sửa đổi được theo yêu cầu thì sẽ chấm dứt hợp đồng trong tuần này. Việc độc quyền taxi chắc chắn phải chấm dứt. Bệnh viện cũng đang phối hợp với cơ quan công an để rà soát tình trạng “cò” xe cấp cứu, mối liên hệ giữa cán bộ bệnh viện và các “cò” xe...

Về việc Bệnh viện Nhi T.Ư trao trả cho người nhà bệnh nhi 35 triệu đồng trong khoản 40 triệu quyên góp được cho bệnh nhi, giữ lại 5 triệu để trả viện phí, ông Khuê cho biết các khoản hỗ trợ đối với bệnh nhi này lên tới trên 100 triệu đồng, nhưng các khoản chi đều có hóa đơn nên phần chi trả cho gia đình cháu bé là 35 triệu, không phải bệnh viện cố tình giữ lại khoản 5 triệu đồng kể trên.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết sau buổi làm việc này, Bộ Y tế chờ thêm báo cáo từ các bệnh viện, xem việc tổ chức các dịch vụ ngoài chuyên môn như dịch vụ vận chuyển (taxi, xe cấp cứu), dịch vụ ăn uống và vệ sinh, Bộ Y tế cũng sẽ có cuộc họp riêng với các bệnh viện để chấn chỉnh việc này.

Theo ông Khuê, các bệnh viện đều kêu có khó khăn về nguồn vốn, nhưng Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức được đội xe cấp cứu 10 chiếc phục vụ bệnh nhân, trong khi trước đây bệnh viện này cũng rất lúng túng với vấn đề “cò” xe và sau khi có 10 xe cấp cứu thì tình hình lộn xộn đã được giải quyết khá cơ bản. “Tại sao các bệnh viện không làm được như Việt Đức?” - ông Khuê đặt câu hỏi.

“Trong trường hợp chưa tổ chức được đội xe bệnh viện đủ phục vụ nhu cầu bệnh nhân, theo tôi, các bệnh viện nên công khai các hãng xe có cung cấp dịch vụ trong bệnh viện, giá cả từng hãng, xe taxi thì giá cả theo đồng hồ, còn xe cấp cứu thì nên có bảng giá, ví dụ như đi về địa phương nào thì giá bao nhiêu, có y tá đi kèm thì bao nhiêu và có số điện thoại kèm theo để bệnh nhân chọn. Bệnh viện cũng phải yêu cầu các hãng xe gửi cam kết về chất lượng dịch vụ và giá để bệnh viện lựa chọn” - ông Khuê nói.

“Lẽ ra khi người bệnh ra viện thì cán bộ bệnh viện phải đưa bệnh nhân xuống và chào hỏi người ta, nếu người bệnh không may thì phải chia buồn và tiễn họ về, thì ở đây có hiện tượng làm khó bệnh nhân. Phải sớm chấm dứt tình trạng này” - ông Khuê yêu cầu.

Ông Đỗ Quốc Bình (chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội):

Sớm xóa độc quyền taxi trong bệnh viện

Việc các hãng taxi độc quyền đón trả khách trong các bệnh viện vừa tạo ra sự cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh vừa làm hạn chế quyền được lựa chọn dịch vụ của người dân. Các điểm dừng đỗ không chỉ trong bệnh viện mà ở nhiều nơi công cộng bị biến thành món hàng đem ra mua bán, và chỉ một hãng taxi được hoạt động ở đó.

Các bệnh viện lấy lý do vì để nhiều hãng vào đón trả khách dễ xảy ra tình trạng lộn xộn. Giải quyết vấn đề này có nhiều cách chứ không thể vì vậy mà bắt người dân chỉ được sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ.

Đây là trách nhiệm trong quy hoạch từ Bộ Y tế đến bệnh viện, có phương án tốt, có quy định cụ thể, chế tài nghiêm nếu vi phạm thì sẽ hạn chế được tình trạng đón trả khách lộn xộn. Các bãi đậu xe dành cho các hãng taxi độc quyền bây giờ có thể xây dựng thành đường vòng cung để người dân ra đấy đón xe, còn các hãng có khu vực cụ thể đón khách thì hoạt động sẽ vào quy củ nhất định.

Phải lấy tiêu chí có lợi cho dân để hoạt động chứ không phải mượn lý do này, lý do kia để phục vụ mục đích cho một đơn vị nhất định. Bởi thế cần sớm xóa độc quyền kinh doanh dịch vụ taxi trong bệnh viện.

THÂN HOÀNG ghi

Ký hợp đồng với các hãng taxi để tiện quản lý

Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã ký hợp đồng với một hai hãng taxi để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Ông Vương Ngọc Quang, phó phòng hành chính quản trị Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bệnh viện ký hợp đồng với hai hãng taxi lớn nên taxi của hai hãng này được ưu tiên chạy vào trong khuôn viên của bệnh viện đón bệnh nhân. Những bệnh nhân xuất viện, đi lại bình thường nếu không muốn đi những hãng xe taxi này thì ra cổng bệnh viện để đón xe khác.

Còn với những trường hợp bệnh nhi không đi lại được, trẻ sơ sinh xuất viện thì bệnh viện vẫn cho các loại xe mà người nhà bệnh nhân đã thuê, ôtô riêng của gia đình vào khuôn viên trong bệnh viện để đón. Theo ông Quang, hai hãng taxi này cũng hỗ trợ kinh phí làm những con đường trong bệnh viện.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết bệnh viện ký hợp đồng với hai hãng taxi lớn tại TP.HCM để phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Diễm Tuyết khẳng định việc bệnh viện ký hợp đồng với hãng taxi uy tín là cần thiết vì lỡ có chuyện gì xảy ra bệnh viện còn có đầu mối để liên hệ.

Bác sĩ Diễm Tuyết cũng cho biết hai hãng xe này hỗ trợ một phần kinh phí (phí đỗ xe tại bệnh viện) cho bệnh viện và khoản này được đưa vào quỹ phúc lợi. Những trường hợp có người nhà đến đón bằng xe riêng hoặc bằng một hãng taxi khác, bệnh viện đều giải quyết cho vào để đón bệnh nhân.

THÙY DƯƠNG

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên