Sáng nay 24-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai phòng chống dịch bệnh 2024.
Tại đây, bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, cho biết theo số liệu ca bệnh đến khám tại các cơ sở y tế TP.HCM từ ngày 18-12-2023 đến 22-1-2024 có 94 ca mắc COVID-19 đến điều trị nội trú, trong số này có 17 ca nặng phải thở oxy. Ngoài TP.HCM, có bệnh nhân trong số này cư trú tại các tỉnh thành lân cận.
Bà Nga cho hay trong năm 2023 có ghi nhận rải rác ca mắc COVID-19 nặng, nhưng 17 ca kể trên nhập viện liên tiếp trong 5 tuần vừa qua, và điều cần cảnh báo các bệnh nhân đều thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền), có người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc mới tiêm 1-2 mũi.
TP.HCM đã chỉ đạo theo dõi diễn tiến bệnh nhân nhập viện, số ca thở oxy để sớm có biện pháp ứng phó.
Ông Hoàng Minh Đức nói ngày 22-1 đã tham dự cuộc họp với WHO, tại đây WHO đã khuyến cáo xếp JN.1 thứ 4 về mức độ nguy hiểm. Bốn mức độ này gồm "quan tâm"; "quan ngại"; "cần theo dõi' và "nguy hiểm", ở đây biến thể JN.1 ở mức độ "quan tâm".
Theo ông Đức, hiện các bằng chứng cho thấy JN.1 chưa có biến đổi gene về độc lực hay gia tăng số ca mắc, nhưng có dấu hiệu né tránh miễn dịch.
Ông cũng chia sẻ cần quan tâm theo dõi diễn tiến dịch để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhưng trong tình huống hiện nay ở Việt Nam là hoàn toàn trong phạm vi kiểm soát.
Theo Bộ Y tế, năm 2023 thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới nổi, tái nổi.
Những tuần đầu năm, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu cũng gia tăng bệnh lây qua đường hô hấp như COVID-19, cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp... với nhiều biến thể mới, Việt Nam cũng cần cảnh giác phòng chống dịch, hạn chế ca nặng, tử vong, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận