12/03/2022 10:41 GMT+7

Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng sau vụ bỏ cọc, hủy hợp đồng mua đất vàng Thủ Thiêm

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Theo Bộ Tư pháp, pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng sau vụ bỏ cọc, hủy hợp đồng mua đất vàng Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Các lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ngày 12-3, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc doanh nghiệp bỏ cọc, hủy hợp đồng mua đất vàng Thủ Thiêm, TP.HCM vừa qua.

Theo Bộ Tư pháp, những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.

Cụ thể, khoản 1, khoản 2 điều 8 Luật đấu giá tài sản quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Đối với quyền sử dụng đất, Luật đất đai, nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai, nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Do đó, việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản.

Về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, theo Bộ Tư pháp, hiện nay Luật đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá.

Còn tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định.

Về tiền đặt cọc tham gia đấu giá và chế tài xử lý vi phạm, Luật đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5-20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

"Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá... Pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá", Bộ Tư pháp nêu.

Tuy nhiên, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều này dẫn đến cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh.

Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Rà soát điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá...

Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nghị định 62/2017 quy định biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.

Sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm: Kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm tình trạng ‘thổi giá’ trục lợi Sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm: Kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm tình trạng ‘thổi giá’ trục lợi

TTO - Sau các vụ việc doanh nghiệp bỏ cọc, hủy hợp đồng mua đất vàng Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đấu giá đất, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.



DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên