Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Chiều 2-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kết luận việc thi công sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bắt đầu vào ngày 10-4 nhưng rút ngắn xuống còn 1 tháng rưỡi thay vì kéo dài 2 tháng rưỡi như kế hoạch ban đầu.
Kết thúc cuộc họp, cục trưởng Cục Hàng không (CAA) Lại Xuân Thanh, cục phó CAA Võ Huy Cường, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) có cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu các hãng hàng không có bị ảnh hưởng lịch bay nếu thi công theo kết luận của bộ trưởng.
“Với phương án đó (thi công nhanh hơn kế hoạch ban đầu), các anh phải làm sao mà chỉ có một đường băng 25R vẫn có thể đảm bảo 30 lần cất hạ cánh/giờ” - ông Võ Huy Cường một tay vừa đưa lịch bay của các hãng vừa chất vấn đại diện ACV, VATM. Đại diện ACV và VATM đều đồng thanh “sẽ đảm bảo 30-32 chuyến/giờ”.
“Các ông có công văn lên đây, mồm thì nói 30 chuyến/giờ, mà công văn thì nói 25 chuyến/giờ” - ông Lại Xuân Thanh cắt ngang. Trao đổi với PV Tuổi Trẻ qua điện thoại, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết không biết cuộc trao đổi này nhưng ông khẳng định: “Tôi đã kết luận thì cứ thế mà làm”.
“Nếu không vướng thì khỏi họp”
Trước đó, tại buổi làm việc do ông Đinh La Thăng chủ trì, chủ tịch hội đồng thành viên ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết phải sửa chữa, nâng cấp đường lăn và bãi đậu sân bay Tân Sơn Nhất để khắc phục việc máy bay đấu đầu, mở thêm đường lăn thứ hai vào khu vực bãi đậu nội địa và khu hàng hóa, nâng tổng số chỗ đậu tại sân bay này từ 44 lên 47 vị trí. Cả công trình sẽ thi công trong vòng 2 tháng rưỡi, chia ra ba giai đoạn nên phải quyết liệt làm trong mùa khô mới đảm bảo.
Theo ông Nguyên Hùng, hiện sân bay Tân Sơn Nhất có năm khung giờ cao điểm, tuy nhiên trong khoảng thời gian cao điểm lễ 30-4 và 1-5 cũng chỉ có khoảng 500 chuyến bay, vẫn thấp hơn thời gian cao điểm Tết Nguyên đán có ngày lên đến 576 chuyến.
Theo giải thích của ông Nguyên Hùng, do công trình đường lăn này cần đến ba lớp bêtông với tổng độ dày lên đến 93cm nên phải thi công trong mùa khô. Việc thi công sẽ buộc các hãng hàng không chỉ dùng một đường băng 25R để cất và hạ cánh, còn đường băng 25L sẽ dùng làm đường lăn vào/ra và đóng cửa giới hạn.
“Anh không cần phải giải thích chi tiết. Việc sửa này có ảnh hưởng gì đến khai thác của các hãng không?” - ông Thăng ngắt lời. “Chúng tôi sẽ phối hợp được và không cắt lịch bay của hãng hàng không nào” - ông Nguyên Hùng cam kết. “Thế sao sáng nay tôi vẫn nhận được khiếu nại?” - bộ trưởng lại hỏi.
Cục trưởng CAA xin phép trình bày thì ông Thăng khoát tay nói tiếp: “Tôi họp để giải quyết vấn đề đó mà ông bảo không có vướng mắc là thế nào? Có vướng không? Có bị ảnh hưởng không? Nói đi, nếu không có thì thôi, khỏi họp”.
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh (giữa) tranh luận về việc đảm bảo số lần cất - hạ cánh của máy bay khi thi công nâng cấp đường lăn và bãi đậu sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Lê Nam |
“Tôi vào chỉ huy thi công là được ngay”
Ông Nguyên Hùng cho biết sau khi nghiên cứu cùng với VATM thì hoàn toàn có thể điều chỉnh số lần cất và hạ cánh tại Tân Sơn Nhất có thể lên đến 30-32 lần cất, hạ cánh/giờ cao điểm, hơn tỉ lệ 30 lần cất và hạ cánh như hiện nay.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết trong tối 1-4, VATM thông báo thay đổi phương thức điều hành bay tại sân bay, cho phép máy bay xếp hàng chờ trong khi có máy bay hạ cánh thì mới có thể đáp ứng được số lần cất và hạ cánh 32-35 lần/giờ, nhưng khi đó phải có cả hai đường băng hoạt động. “Trong khi thực tế sắp tới chỉ có một đường băng mà thôi” - ông Thanh nói.
Phó chủ tịch Hãng hàng không VietJet Air (VJA) Nguyễn Thanh Hùng cho biết so với mùa hè năm ngoái hãng đã tăng gấp đôi số máy bay, việc hạn chế sử dụng đường băng 25L chắc chắn sẽ ảnh hưởng hoạt động của hãng.
Theo ông Thanh Hùng, vé máy bay từ nay đến ngày 15-8 đã bán hết, mùa cao điểm như tháng 7, VJA khai thác hơn 38 chuyến/giờ, nếu giảm xuống 30 chuyến/giờ vẫn thiệt hại. “Xin dời lại ngày thi công từ 15-8” - ông Hùng khẩn khoản.
“Vậy làm 1 tháng rưỡi thôi, anh Nguyên Hùng ạ. Có gì khó đâu, làm bêtông không ấy mà. Anh cho nhiều đơn vị cùng vào, đẩy tiến độ lên, các doanh nghiệp đang cần việc vẫy tay một cái họ vào ngay. Làm đông cứng chứ có gì khó đâu, tôi đồng ý cho phụ gia vào, 24 tiếng đông kết ngay. Các ông làm hợp đồng đi, tôi vào chỉ huy thi công là được ngay” - ông Thăng nói.
Sau đó, ông Thăng kết luận: “Tôi thống nhất bắt đầu làm từ ngày 10-4, tính toán sao cho phù hợp để kết thúc sửa chữa ngày 30-6. Cục Quản lý xây dựng bàn tư vấn giám sát thống nhất biện pháp triển khai an toàn tuyệt đối”.
Không chuyển giao quản lý nhà nước cho tư nhân Đề cập việc xã hội hóa đầu tư nhà ga, cảng hàng không, ông Đinh La Thăng cho biết trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án do bộ trực tiếp quản lý hơn 1 triệu tỉ đồng, trong khi khả năng ngân sách và các nguồn vốn từ ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 30%. Việc thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi đầu tư tư nhân là giải pháp cần thiết và cấp bách. “Muốn thu hút nhà đầu tư thì dự án phải hấp dẫn họ mới có thể thu phí, thì ta mới bán được” - ông nhấn mạnh. Đối với việc xã hội hóa đầu tư vào hàng không, ông Thăng cho rằng: “Nhượng quyền khai thác phải đúng theo tinh thần của Hiến pháp và các luật, nghị định hiện hành, tuyệt đối không chuyển giao vai trò quản lý nhà nước cho tư nhân. Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà không cần nắm giữ”. Ông Thăng khẳng định dự án nào sẽ chuyển nhượng quyền khai thác phải được thống nhất với Bộ Quốc phòng và trình Chính phủ. Những hạng mục, kết cấu hạ tầng kết hợp quân sự, có vai trò an ninh quốc phòng tuyệt đối không chuyển nhượng. Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư phải có năng lực trong vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện; việc tổ chức khai thác vận hành phải đảm bảo tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận