11/06/2022 09:58 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sẽ không có 'NATO châu Á'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh và đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng sẽ không có một liên minh kiểu "NATO phiên bản châu Á" như nhiều lo ngại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sẽ không có NATO châu Á - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của SLD22 sáng 11-6 - Ảnh: AFP

Bài phát biểu được nhiều người đón chờ của ông Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22) ở Singapore sáng nay 11-6 tập trung phần lớn vào các cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông khẳng định Mỹ sẽ tìm cách duy trì sự hiện diện của mình ở châu Á và cũng đồng thời hiểu sự cần thiết phải ngăn chặn xung đột tại khu vực.

Ông Austin cũng cho rằng các hành động cưỡng ép của nước lớn với nước nhỏ hơn, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tình hình Myanmar sau chính biến,... là những vấn đề chỉ có thể giải quyết nếu các nước cùng thượng tôn luật pháp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Austin, phần lớn các quốc gia tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực tự do và rộng mở, tự do hàng hải và hàng không, cũng như theo đuổi những gì phù hợp với lợi ích quốc gia mà không bị áp đặt bởi bất kỳ nước nào.

"Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu hoặc xung đột. Chúng tôi cũng không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới, một NATO châu Á hay một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch", người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Vị bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữ vị trí trung tâm trong "đại chiến lược" của Washington, bởi vì không một khu vực nào có thể định hình tương lai thế giới hơn khu vực này.

"Chúng tôi sẽ làm phần việc của mình để quản lý những căng thẳng ở khu vực theo cách có trách nhiệm, ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình, thịnh vượng", ông Austin cam kết.

Để làm được những điều này, ông Austin cho biết Mỹ sẽ tăng cường làm việc với các đồng minh và đối tác để giúp họ có được năng lực quân sự đủ sức bảo vệ lợi ích quốc gia và răn đe các hành vi xâm phạm.

Washington sẽ tìm cách tích hợp chuỗi cung ứng quốc phòng với các nước để cùng phát triển những vũ khí có thể thay đổi cục diện.

Những cuộc tập trận đã có từ trước sẽ được nâng cấp hơn nữa trong thời gian tới, tăng độ khó để phù hợp với bối cảnh mới. Mỹ cũng sẽ tìm kiếm sự tham gia từ các nước châu Âu có lợi ích tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sẽ không có NATO châu Á - Ảnh 2.

Tiêm kích EA-18G hạ cánh trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln khi biên đội tàu sân bay Mỹ di chuyển trên biển Philippines ngày 9-6-2022 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Washington nhiều lần khẳng định họ là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và đã hiện diện cũng như có lợi ích từ lâu tại khu vực. Lập luận này nhằm đáp trả lại luận điệu của Trung Quốc, rằng Mỹ là một nước bên ngoài và sự hiện diện của Mỹ chỉ mang lại bất ổn, căng thẳng.

Hồi tháng trước, trong hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Washington sẽ tăng cường hiện diện và hỗ trợ các nước Đông Nam Á bằng việc triển khai thêm tàu tuần duyên tới khu vực.

Bên lề SLD22, ngày 10-6, ngay sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Austin đã có cuộc gặp với 9/10 bộ trưởng quốc phòng của ASEAN (ngoại trừ Myanmar) đang dự SLD22.

Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, trong cuộc gặp, các bộ trưởng đã cam kết sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để giải quyết các thách thức cấp bách của khu vực.

Tâm điểm Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La Tâm điểm Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

TTO - Giới quan sát dự đoán Trung Quốc sẽ thể hiện lập trường cứng rắn tại Diễn đàn an ninh Shangri-La năm nay trong bối cảnh các nước đang đối diện cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên