Xe bọc thép của Campuchia di chuyển trên đường phố Phnom Penh - Ảnh: REUTERS
"Campuchia vẫn có vũ khí do Mỹ sản xuất. Chúng được đưa vào Campuchia dưới thời chính quyền Lon Nol. Nếu tính cả những quả bom Mỹ thả từ trên không, số lượng chắc phải cả hàng triệu tấn", Bộ trưởng Tea Banh trả lời câu hỏi của báo Phnom Penh Post ngày 12-12.
Theo ông Tea Banh, sau khi chính quyền Lon Nol thân Mỹ bị lật đổ năm 1975, số vũ khí Mỹ còn lại khá nhiều và được đưa vào các kho trên khắp Campuchia.
"Nhưng chúng đã quá cũ đến mức không thể sử dụng được vào lúc này nữa", bộ trưởng Campuchia nêu thực trạng.
Dưới thời chính phủ hiện tại, Campuchia chưa bao giờ mua vũ khí từ Mỹ. Washington có viện trợ một số thiết bị như xe quân sự nhưng số lượng còn hoạt động không còn nhiều, theo báo Phnom Penh Post.
Hôm 10-12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố "cảm ơn Mỹ" vì cấm vận vũ khí Campuchia. Lý do được Mỹ đưa ra là Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á.
"Hành động của các ông càng củng cố thêm tính chính danh cho quyết định của tôi vào năm 1994. Khi đó, tôi đã quyết định không chuyển đổi hệ thống vũ khí của Campuchia sang vũ khí Mỹ", nhà lãnh đạo Campuchia giải thích vì sao lại cảm ơn Washington.
Theo nhà lãnh đạo Campuchia, những người từng sử dụng vũ khí Mỹ và chiến đấu trên lãnh thổ Campuchia đều thua trận, điển hình như chính phủ của Lon Nol.
"Gần đây nhất như đã thấy ở Afghanistan, những người dùng vũ khí Mỹ đã thua trong cuộc chiến", ông Hun Sen nêu lập luận.
"Tôi tin tưởng lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của các binh sĩ trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia hơn là dựa vào vũ khí", ông Hun Sen tuyên bố và ra lệnh rà soát lại tất cả vũ khí Mỹ có trong quân đội để cất vào kho hoặc phá hủy.
Ông Kin Phea, giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Học viện Hoàng gia Campuchia, nhận định lệnh cấm vận của Mỹ hoàn toàn vô nghĩa.
"Phản ứng của ông Hun Sen phần nào thể hiện sự thật rằng vũ khí của Campuchia không đến từ Mỹ hoặc phụ thuộc nước này. Các nguồn cung cấp vũ khí cho Campuchia, như chúng ta đều biết, là từ Nga, một số nước ở Đông Âu và Trung Quốc", chuyên gia Kin Phea nêu thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận