20/06/2024 15:43 GMT+7

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Từ 1-7, tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2.340.000 đồng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất tăng lương cơ sở đồng đều cho tất cả cán bộ, công chức từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1-7.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: THÀNH CHUNG

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: THÀNH CHUNG

Chiều 20-6, tại buổi họp báo tháng 6-2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng năm 2024.

Theo đó, về vấn đề cải cách tiền lương từ 1-7, bộ trưởng cho hay đã báo cáo Bộ Chính trị thông qua về chủ trương.

Bà Trà nói cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, lớn, rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... của khu vực công và trên 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở.

Vì vậy, khi thực hiện phải đảm bảo thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu làm đến đó, không nóng vội.

Nếu nóng vội sẽ rất nguy hiểm vì liên quan đến đời sống trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp, các đối tượng liên quan phụ cấp, trợ cấp gắn với lương cơ sở.

Bà chia sẻ, Thủ tướng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo từ tháng 12-2023 đến nay đã có 21 cuộc họp, không kể thứ bảy hay đêm hôm để cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo đó, quan điểm phải đảm bảo hài hòa, tương quan giữa các đối tượng và công bằng, bình đẳng, ai cũng như nhau. Đồng thời, làm từng bước, theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy, khó khăn, bất cập phải nghiên cứu, nếu chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng chia sẻ khi cải cách tiền lương phải tăng lương và nếu cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa gì nữa.

Do đó, phải bám sát nghị quyết 27 nghiên cứu, đưa ra phương án phù hợp, để tất cả các đối tượng liên quan phải được tăng lương.

Bộ trưởng thông tin trên cơ sở, nguyên tắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đã quyết phương án. Theo đó, với doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mức lương của người lao động trong doanh nghiệp từ 1-7-2024 là 6%.

Đồng thời, quản lý theo cơ chế thông thoáng để phát triển, nâng cao đời sống người lao động.

Đối với thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công phải thực hiện thận trọng, theo lộ trình, từng bước, hợp lý, chắc chắn, tốt nhất, hiệu quả, an toàn nhất, không gây xáo trộn, phức tạp, đồng thời tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách...

Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức 30% từ 1-7

Cụ thể, theo bộ trưởng, Bộ Chính trị thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ theo nghị quyết 27.

Cụ thể nâng lương theo vị trí việc làm, năng lực. Thực hiện điều rất mới là bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thưởng đột xuất, thưởng thành tích hằng năm cho cán bộ. Việc này độc lập hoàn toàn với Luật Thi đua khen thưởng và Quỹ thi đua khen thưởng.

Thống nhất để hướng dẫn cách thức cụ thể, chặt chẽ về các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương. Bộ trưởng nói có 5 nguồn, trong đó sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một nguồn để thực hiện.

Đồng thời, quyết định thống nhất hướng dẫn thực hiện quản lý tiền lương, thu nhập đối với các đơn vị. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, với đơn vị tự chủ, hưởng lương từ ngân sách.

Bộ trưởng Trà (áo xanh) chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: BNV

Bộ trưởng Trà (áo xanh) chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: BNV

Bộ trưởng cũng nêu nội dung hiện còn nhiều vướng mắc phát sinh là thực hiện trả lương theo vị trí, việc làm, chức vụ, chức danh lãnh đạo thì chưa thực hiện luôn mà thực hiện theo lộ trình.

"Thống nhất nguyên tắc tăng đều cho các đối tượng 30% trên cơ sở tổng quỹ tính toán thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 tăng bình quân của cán bộ, công chức, viên chức là tăng 30,6%.

Lấy cơ sở chính trị này để tăng đồng đều cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang 30%. Trên cơ sở lấy mức lương cơ sở hiện hành từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng", bộ trưởng nêu rõ.

Từ 1-7 lương hưu sẽ tăng 15%

Bộ trưởng cho rằng tăng như vậy "tất cả sẽ cùng vui, hưởng như nhau".

Bộ trưởng Trà cho biết thêm khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức phát sinh một số vấn đề. 

Trong đó, bãi bỏ lương cơ sở, hệ số lương để xây dựng 2 bảng lương dẫn đến bất cập rất lớn là tương quan giữa các nhóm không đảm bảo. Công chức tăng rất ít. Nhiều người không tăng, có người thấp hơn so với bình thường. Ví như nhà giáo không còn phụ cấp thêm thâm niên, trong khi trước là 70%; rồi có người tăng 5-7%, có người không tăng và có người thấp hơn.

"Do đó đã quyết định chọn phương án tối ưu nhất, công bằng nhất, hiệu quả nhất, làm sao để cùng vui. Đó là phương án tăng đều 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở", bà Trà nêu rõ và nhấn mạnh mức tăng 30% là cao nhất từ trước đến nay.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Trà trước mắt các loại phụ cấp đang được hưởng giữ nguyên theo hiện hành và tiếp tục rà soát với một số đối tượng có bất cập, thời gian vừa qua được đề xuất nhưng chưa được thực hiện.

Bộ trưởng Trà cũng thông tin thêm từ ngày 1-7-2024 sẽ điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng.

Bà cho biết thêm tổng nguồn để tăng lương như trên rất lớn, lên tới hơn 913.000 tỉ đồng. Vì thế, sẽ phải tiếp tục thực hiện tiết kiệm từ nay tới 2026 để đủ nguồn trả lương cho việc tăng lương.

"Tới đây, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội và chính thức thực hiện từ 1-7", bà Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Ưu tiên trọng tâm cải cách tiền lương mớiBộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Ưu tiên trọng tâm cải cách tiền lương mới

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã yêu cầu các đơn vị ưu tiên trọng tâm cải cách chính sách tiền lương là nhiệm vụ hàng đầu trong quý 2-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên