02/08/2018 11:19 GMT+7

Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - “Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu như vậy.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Ảnh nhỏ: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh lớn: Ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, chứng kiến Cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối với các cán bộ của sở chiều 31-7 - Ảnh: QUANG VINH - HÀ THANH

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng đã giải trình về việc đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến nay và khẳng định phương án tổ chức kỳ thi này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Gian lận, sai phạm rất nghiêm trọng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. 

Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Về vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La đang gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đó là sai phạm rất nghiêm trọng. 

Bộ đã báo cáo Thủ tướng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.

Nhưng ông Nhạ cũng bày tỏ quan điểm "có sai phạm thì phải xử lý nghiêm, không phải vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra". 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn" - ông Nhạ bày tỏ.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (thứ hai từ phải sang) tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2018 của Chính phủ - Ảnh: TTXVN

Rà soát các phương án thi

Đây là vấn đề đã được Thủ tướng nêu tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin lại trong cuộc họp báo vào chiều 1-8.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra một số yêu cầu đối với Bộ GD-ĐT. 

Thứ nhất, phải phối hợp với Bộ Công an, các địa phương liên quan để điều tra, xem xét, xử lý đúng người, đúng tội đối với những cá nhân có hành vi sai phạm trong kỳ thi vừa qua, lấy lại niềm tin của người dân. 

Thứ hai, giao Bộ GD-ĐT rà soát toàn bộ phương án, cách thức thi, rà soát cả trách nhiệm của các trường đại học trong việc thực hiện tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định sau.

"Hôm nay Chính phủ không bàn và không quyết định vấn đề thi hình thức nào, thi như thế nào. Nhưng quan điểm của chúng ta là phải thực hiện đúng luật. Có học thì phải có thi, nhưng thi như thế nào để đảm bảo thực chất, đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện thì theo hướng đó sẽ làm" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Tuổi Trẻ đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết thêm về tiến độ phối hợp điều tra gian lận thi ở Sơn La và bộ có quan điểm xử lý như thế nào nếu việc khôi phục điểm gốc của các bài thi đã bị tẩy sửa không thực hiện được. 

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện nay cơ quan điều tra đã huy động các chuyên gia với công nghệ hiện đại để kiên quyết thực hiện bằng được việc khôi phục điểm thi gốc.

"Bộ GD-ĐT cũng có các phương án xử lý về việc này, nhưng sẽ căn cứ vào kết quả cuối cùng của cơ quan công an để quyết định, trên tinh thần đảm bảo công bằng đối với tất cả thí sinh" - ông Độ khẳng định.

Chấm bài thi trắc nghiệm theo cụm

Trả lời Tuổi Trẻ về các giải pháp sẽ thực hiện nếu kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục thực hiện vào năm sau, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra 4 nội dung:

- sẽ rà soát toàn bộ quy trình, hoàn thiện cho phù hợp;

- nâng cao nghiệp vụ thi;

- chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, cán bộ vì xác định những gian lận thi cử vừa qua do yếu tố con người cố tình làm sai, chọn lọc người tham gia kỳ thi cũng sẽ chặt chẽ hơn;

- hoàn thiện phần mềm về thi để những đối tượng có ý đồ gian lận không thể thực hiện được.

"Bộ GD-ĐT cũng có hướng sẽ chấm bài thi trắc nghiệm theo cụm, đảm bảo để tỉnh này chấm bài thi của thí sinh tỉnh kia nhằm đảm bảo khách quan" - ông Độ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Phương (phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì?

nguyenngocphuongquangbinh_rexw 3(read-only)

Thực tế, ở bất cứ lĩnh vực nào, khi có vấn đề "nóng" xảy ra, người lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm trước những sai phạm xảy ra ở một số địa phương tại phiên họp Chính phủ rất đáng ghi nhận.

Khi nhận trách nhiệm về mình, cá nhân bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phải rất đau xót. Tuy nhiên, điều dư luận đang quan tâm là sau lời nhận trách nhiệm đó, bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ GD-ĐT sẽ làm gì?

Bộ GD-ĐT sẽ có những chấn chỉnh gì để nâng cao trách nhiệm quản lý giáo dục?

Bộ sẽ có những điều chỉnh gì để thiết kế được kỳ thi phù hợp, ngăn ngừa tối đa được những lỗ hổng mà những người thực thi công vụ có thể tranh thủ để trục lợi...

TS Nguyễn Kim Quang (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Lẽ ra bộ phải sớm phát hiện tiêu cực

nguyễn kim quang 3(read-only)

Cuối cùng, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia và đồng thời đưa ra một số giải pháp cải tiến phương thức tổ chức kỳ thi, hạn chế tiêu cực, đã phần nào xoa dịu dư luận.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy tiếc lẽ ra phát hiện sớm các dấu hiệu tiêu cực phải là cơ quan khảo thí của Bộ GD-ĐT - nơi quản lý toàn bộ dữ liệu kỳ thi và có những con người có khả năng phân tích, đánh giá dữ liệu này để phát hiện bất hợp lý.

Với tư cách người đứng đầu ngành, bộ trưởng cần nhìn thấy được vấn đề này.

Theo tôi, việc duy trì kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết nhưng về lâu dài Bộ GD-ĐT cần tính toán lại làm sao để học sinh không kỳ vọng vào một kỳ thi để quyết định thay đổi tương lai của mình.

Cần xác định rõ ràng kỳ thi này mục đích để đánh giá học sinh về khả năng, kiến thức hoàn thành chương trình phổ thông.

Không nên xem kỳ thi này là kênh quan trọng và chủ yếu để tuyển sinh vào đại học, đặc biệt là vào các trường tốp trên. Vì vậy nên trả kỳ thi này về đúng vai trò của nó là để xét tốt nghiệp THPT.

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH ghi

Lộ diện đường dây "chạy điểm" ở Sơn La Lộ diện đường dây 'chạy điểm' ở Sơn La

TTO - Năm ngày sau khi khởi tố vụ án, chiều 31-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can, công bố lệnh bắt tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 người liên quan vụ gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên