Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Mục tiêu này được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại hội nghị sơ kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ Thông tin và truyền thồng (Bộ TT-TT) và UBND TP.HCM tổ chức sáng 16-7.
100% người dân sử dụng điện thoại thông minh
Ông Hùng cho biết Bộ TT-TT rất ủng hộ việc TP.HCM xác định sử dụng công nghệ, nhất là những ứng dụng mới, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và giải quyết các vấn đề của TP. Bộ cũng luôn xác đinh TP.HCM là đầu tàu về lĩnh vực ICT và quản lý truyền thông.
Nói về lĩnh vực phát triển viễn thông, ông Hùng nhận xét hiện TP.HCM chỉ có 60% người dân sử dụng smartphone là quá ít. TP phải đặt mục tiêu và có kế hoạch để 100% người dân dùng smathphone, hoặc ít nhất là 90%.
“TP có một nền viễn thông đi đầu cả nước là sao? Là 100% người dân TP dùng smartphone - cái này phải có kế hoạch thực hiện. Phải đặt mục tiêu đến năm 2022 làm được việc này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bộ trưởng, TP.HCM cũng phải đặt mục tiêu 100% hộ gia đình tại TP được tiếp cận được Internet, để làm nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp thông tin đến người dân mọi lúc mọi nơi.
Do vậy, ông Hùng cho rằng đến năm 2020, TP.HCM phải phủ Internet 5G tại các khu nghiên cứu, khu công nghiệp, các trường đại học. Đến năm 2022 phải phủ sóng 5G trên toàn TP. Khi đó, TP.HCM sẽ tương đương New York về khía cạnh này.
"Chúng ta nói xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử nhưng không đạt được hai mục tiêu 100% người dân có smartphone và tiếp cận Internet thì giống như nói suông", ông Hùng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM chủ động gặp nhiều doanh nghiệp mời hợp tác
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết lãnh đạo TP đã chủ động gặp nhiều doanh nghiệp trao đổi về hợp tác về lĩnh vực công nghệ, xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo... Trong đó, TP luôn đưa ra "đầu bài" với 4 mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất, đảm bảo TP phát triển nhanh và bền vững hơn. Thứ hai, người dân được cung cấp nhiều, toàn diện các dịch vụ phục vụ cuộc sống một cách hiệu quả hơn. Thứ ba, chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn. Và thứ tư, người dân trở thành một chủ thể trong quản lý.
Thời gian vừa qua, TP.HCM đã triển khai xây dựng 5 cấu phần quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, bao gồm xây dựng dữ liệu dùng chung giai đoạn 1 và đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2; hệ thống mô phỏng, dự báo; Trung tâm điều hành; Trung âm an toàn an ninh mạng và chính quyền số.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo - Video: TỰ TRUNG
Theo Bí thư Nhân, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, toàn TP với 10 triệu dân không thể đi lên cùng một lúc mà phải chọn vùng trọng điểm để đầu tư. TP xác định khu vực trọng điểm cần ưu tiên chính là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.
Khu vực này với đặc điểm chiếm 10% dân số, 10% diện tích, sẽ là cái lõi tăng tốc để kéo cả TP theo. Khu này dự báo đóng góp 30% GDP cho TP, cũng là nơi có mật độ cao nhất về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao.
"Sắp tới sẽ mời các bộ ngành trung ương cùng góp ý triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo này", Bí thư Nhân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận