18/04/2017 09:40 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về thực trạng người cai nghiện phá trại

LÊ KIÊN lược ghi
LÊ KIÊN lược ghi

TTO - Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết như vậy khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tình trạng người cai nghiện đập phá cơ sở cai nghiện, trốn ra ngoài trong thời gian qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hứa thực hiện ba đột phá để làm chuyển biến thực trạng yếu kém trong giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: Cổng TTQH

Phiên chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, đang được truyền trực tiếp trên các đài phát thanh, truyền hình quốc gia.

Nhiều địa phương tìm mọi cách gom người nghiện

Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chất vấn về tình trạng người cai nghiện đập phá, trốn cơ sở cai nghiện, đề nghị bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma túy. Đây là số có hồ sơ quản lý. Gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy rất khác biệt, tính chất rất phức tạp. Đặc biệt, ma túy đá rất dễ dẫn đến hành vi tâm thần, rối loạn hành vi, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.

Cả nước có khoảng 60.000 người đang cai nghiện tự nguyện trong các cơ sở và 17.000 người cai nghiện bắt buộc. Hiện tượng trốn cơ sở cai nghiện, thậm chí là đập phá cơ sở cai nghiện xảy ra ở một số nơi.

“Chúng ta khẳng định rằng phải đưa các em vào cơ sở cai nghiện là việc không mong muốn. Nhiều em phải đi cai nghiện bắt buộc là do trước đó đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng không thành công” - ông nói.

Bộ trưởng Dung thừa nhận có tình trạng không chấp hành nghiêm pháp luật. Nhiều địa phương lấy lý do làm trong sạch địa bàn đã tìm mọi cách đưa tất cả người sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện, không phân biệt giữa người nghiện, người sử dụng và người lạm dụng ma túy.

Trong khi đó, nhiều cơ sở cai nghiện quá tải nghiêm trọng. Có cơ sở chỉ đủ điều kiện cho 600 người nhưng có tới 1.400 người vào cai nghiện. Cơ sở vật chất thiếu đầu tư, có nơi sử dụng cơ sở từ trước năm 1975. Tại các cơ sở cai nghiện có tới 35-45% người cai nghiện đã có tiền án, tiền sự, tâm lý rất dễ bị kích động.

“Hiện nay chúng ta cũng chưa có chế tài đối với những người trốn trại, đập phá để ra ngoài. Khi xảy ra các vụ việc đập phá trại ở Đồng Nai, Vũng Tàu, tôi có xuống gặp gỡ các em thì các em bảo cứ đập phá, có bị bắt lại thì lại vào lại thôi” - Bộ trưởng nói.

“Tuyển người vào rất khó”

Vẫn theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến nhân lực, vật lực cho công tác cai nghiện. Vừa qua sau sự cố học viên đập phá, gây rối ở cơ sở cai nghiện, tỉnh Đồng Nai đã cho phép tuyển thêm 20 cán bộ, nhân viên để bổ sung cho cơ sở.

“Nhưng lương nhân viên làm việc ở cơ sở cai nghiện chỉ có 2 triệu đồng/tháng. Tuyển người vào rất khó, nhiều người không muốn làm việc ở nơi có nhiều rủi ro. Trong khi đó, cán bộ, nhân viên thì không có công cụ hỗ trợ, bảo vệ gì cả” - Bộ trưởng than phiền.

Theo quy định, lực lượng công an chỉ lo vấn đề trật tự bên ngoài cơ sở cai nghiện, còn từ cổng trở vào, khu vực chứa nhiều rủi ro như vậy lại giao hoàn toàn cho ngành lao động, thương binh, xã hội là ngành dân sự.

Trình bày về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trước hết cần phải nhận thức sâu sắc hơn về các loại tội phạm ma túy và hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đấu tranh quyết liệt hơn với các loại tội phạm ma túy.

Thứ hai, tập trung thực hiện 3 giảm là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách, nhất là sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu chưa sửa đổi được thì chúng tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết để giải quyết một số vấn đề vướng mắc.

Thứ tư là cung cấp đầy đủ cơ sở, vật chất, thiết bị cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện ma túy.

Thứ năm, tăng cường công tác cán bộ, làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong quản lý các cơ sở cai nghiện.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về ma túy, tác hại của ma túy, các biện pháp điều trị nghiện ma túy. Thứ bảy, tiếp cận các phương pháp cai nghiện mới, mở rộng mạng lưới tư vấn và điều trị cho từng người nghiện ngay tại cộng đồng.

Ba đột phá để thay đổi giáo dục nghề nghiệp

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến công tác giáo dục nghề nghiệp, đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải đáp về tình trạng chất lượng đào tạo nghề thấp, sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi đầu tư cho các trường nghề lãng phí…

Bộ trưởng Dung cho biết, sau khi được phân công quản lý nhà nước, bộ đã tiến hành rà soát thể chế, ban hành tới 37 văn bản để thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp từ 1-1-2017.

Với các văn bản chưa kịp sửa đổi, trong khi các văn bản của Bộ Giáo dục - đào tạo đang còn, thì áp dụng theo hướng có lợi hơn cho học sinh, sinh viên.

Thừa nhận tình trạng như các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai 10 nhóm giải pháp, trong đó có 3 vấn đề đột phá. “Nếu thực hiện được ba vấn đề đột phá này thì chắc chắn giáo dục nghề nghiệp có những chuyển động nhất định” - ông khẳng định.

Thứ nhất, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tự chủ không phải là khoán trắng, không có sự hỗ trợ của nhà nước, mà thực chất là khuyến khích, buộc các trường hoạch định như doanh nghiệp, hướng đến giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình đào tạo phù hợp.

Theo đó, các trường sẽ được tự chủ về bộ máy, mã ngành, từng bước chuyển giao dự toán ngân sách như hiện nay sang đặt hang, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra mà không phân biệt công lập hay tư nhân.

Thứ hai, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động.

Đây là một trong những điểm yếu của giáo dục nghề nghiệp vừa qua, xảy ra tình trạng người ra trường thì không có việc làm, doanh nghiệp thì phải đào tạo lại, bởi vì chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học. Vừa qua chúng tôi đã thí điểm ở một số trường, để doanh nghiệp tham gia từ đầu, từ giảng dạy, thực hành, tổ chức thực tập.

Trong quá trình này thì doanh nghiệp tham gia giảng dạy và sinh viên thực tập ngay tại doanh nghiệp. Hiện nay có 6 trường đã cam kết là sinh viên ra trường có việc làm, nếu không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em.

Thứ ba, tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực của các nước Asean và các nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý và chuẩn về kiểm định chất lượng.

LÊ KIÊN lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên