2023 - năm ngoại giao sôi động
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật.
Quan hệ song phương và đa phương được mở rộng và sâu sắc hơn, quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hiệp Quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28, BRI.
Việt Nam đã tổ chức tốt 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt, 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.
Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, UNESCO, đóng góp tích cực vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành ngoại giao cùng với các ngành, các cấp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thông qua nhiều đề án quan trọng về đối ngoại, nhất là đề án phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, Tiểu vùng Mekong, chủ trương ứng xử với các sáng kiến của các nước.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững để phát triển đất nước. Ngành ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, xử lý đúng đắn và kịp thời các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Các lĩnh vực thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Đà Lạt và Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO.
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Việt Nam tiến hành bảo hộ kịp thời, đưa về nước an toàn nhiều công dân, nhất là từ các địa bàn có xung đột, thiên tai.
3 trọng tâm cho năm 2024
Phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu một số trọng tâm của ngành ngoại giao trong năm 2024.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, cần mạnh dạn vượt ra khỏi tư duy lối mòn, tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Muốn vậy, cần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp.
Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các binh chủng đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Trọng tâm là phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm vừa qua, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ mới, kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân, cũng như phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò và vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế đa phương có tầm quan trọng chiến lược.
Thứ ba, tập trung tạo bước chuyển mới về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại.
Trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt các đề án, kế hoạch về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho công tác đối ngoại; tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận