16/07/2021 12:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế: Biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần đợt dịch trước

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Từ ngày 9 đến 15-7, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận 1.305 ca COVID-19, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 toàn quốc là 0,43%, riêng TP.HCM là 0,6%, Đồng Tháp cao hơn TP.HCM.

Sáng nay 16-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố. Cuộc họp nhằm đánh giá, rà soát những kịch bản phòng dịch trong thời gian qua, đặc biệt là chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Đại diện TP.HCM cho biết từ ngày 9 đến 15-7, sau một tuần thực hiện chỉ thị 16, TP.HCM ghi nhận 9.451 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố và 142 ca tử vong. Trung bình, mỗi ngày thành phố phát hiện 1.305 ca bệnh, đa số ca bệnh được ghi nhận trong khu cách ly, khu phong tỏa.

Hiện nay các cơ sở đang điều trị hơn 20.400 ca dương tính, 246 ca đang thở máy, trong đó có 7 trường hợp phải can thiệp ECMO.

Tính từ ngày 27-4 tới sáng nay, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước là 38.726 ca tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.914 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Riêng TP.HCM có gần 22.000 ca bệnh.

Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày, không phải 5 ngày như trước đây

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế -  xã hội, nhất là các tỉnh miền Nam. 

Các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc nhưng đợt dịch này biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

"Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán" - ông Long nhấn mạnh.

Dù đã có các biện pháp quyết liệt, cố gắng nhưng bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá công việc chống dịch "chưa được như mong muốn, đòi hỏi sự cố gắng hơn".

Ông Long cho rằng tình hình dịch tiếp tục gia tăng, kéo dài, phức tạp, nhất là các tỉnh phía Nam. "Tại một số địa phương dù đã triển khai chỉ thị 16 nhưng chưa đầy đủ, nghiêm túc, chưa quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. Có nơi vẫn có tình trạng đi lại nhộn nhịp, chợ vẫn họp đông…

Một số khu công nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế. Có địa phương chưa tập trung, chưa kiểm tra, giám sát chặt, chưa thực hiện xét nghiệm tầm soát trên diện rộng" - ông dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tâm thế chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng, kéo dài, phức tạp ở một số nơi còn lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào trung ương, ngại mua sắm. Vì thế, bộ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm tại vùng nguy cơ cao

Trước bối cảnh tình hình dịch phức tap, lan rộng, số ca mắc tăng rất nhanh, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong cách ly như giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày; thí điểm cách ly F1 tại nhà. Việc giảm thời gian cách ly dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược về xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, trước đây thực hiện RT-PCR là chính, nay thực hiện test nhanh là chính. Điều này giúp giảm thời gian, tối ưu hóa xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng.

Bộ Y tế cho rằng điều này đã được chứng minh qua thực tiễn ở TP.HCM, độ nhạy, độ đặc hiệu của test nhanh gần tương đương với xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn.

"Với tốc độ lây lan nhanh của biến chủng, trong đợt dịch này, chỉ 1 người trong nhà nhiễm là hầu như các thành viên trong gia đình nhiễm" - ông Long nói.

Để đảm bảo tiết kiệm và đẩy tốc độ trong sử dụng test nhanh, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỉ lệ lây nhiễm cao. Bộ Y tế cho phép các địa phương có thể gộp mẫu 3, 5 trong 1 lần test nhanh, tùy vào điều kiện, kỹ thuật lấy mẫu.

Bình Dương, Long An, Đồng Nai sắp tới sẽ nóng bỏng

Đại diện Bình Dương cho biết hiện tỉnh đang có 2.000 F0 và bắt đầu quá tải tại các cơ sở y tế, trong 1 tuần nữa Bình Dương sẽ thêm 3.000 giường và có kế hoạch nâng lên 10.000 giường. "Nếu số lượng bệnh nhân tăng sẽ khó khăn do đang rất thiếu nhân lực: cùng lúc vừa lo nhân lực cách ly điều trị F0, tiêm vắc xin, truy vết điều tra vùng dịch" - vị này cho biết.

Đại diện Bình Dương cũng băn khoăn hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang tự mua và lực lượng y tế đến hướng dẫn sử dụng test nhanh xét nghiệm COVID-19, nhưng giá test nhanh công bố trên trang web của Bộ Y tế đã lạc hậu, bởi khi mua thật thì họ thi đua hạ giá, đề nghị Bộ Y tế công bố giá nhập.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết về nhân lực, Bộ Y tế đã điều động Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn vào Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên vào Tây Nam Bộ. "Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ cực kỳ nóng tới đây, nên đề nghị các tổ thường trực phải tích cực hết sức" - ông Long nói.

Phê bình các tỉnh tiêm chủng chậm

Lãnh đạo Bộ Y tế đều yêu cầu trong các khu phong tỏa phải thực hiện giãn cách thật nghiêm, chốt chặt các cửa ngõ khu phong tỏa, bởi có tình trạng thực tế là chỉ "được" ở cửa ngõ, trong khu phong tỏa giãn cách chưa nghiêm túc.

"Phải giãn cách thật nghiêm túc, nếu không sẽ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Các con số hằng ngày có bao nhiêu ca lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa... là những con số biết nói" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ông Tuyên cũng phàn nàn từ khi Bộ Y tế có kế hoạch chiến dịch tiêm chủng COVID-19 đến nay là 1 tuần rồi, nhưng một số tỉnh chưa trình được chủ tịch tỉnh kế hoạch tiêm chủng của địa phương, trong khi hướng dẫn của Bộ Y tế đã hướng dẫn tỉnh phải có kế hoạch. "Chúng tôi biết nhiều tỉnh chưa có" - ông Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số ca mắc từ ngày 27-4 đến nay tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An đều tăng chóng mặt. Ông Sơn cho rằng đã kiểm soát được lây lan tại doanh nghiệp, cộng đồng, nhưng tại khu cách ly, khu phong tỏa thì vẫn đáng lo ngại...

Ông Sơn cũng cho biết các làn sóng trước có thể kiểm soát 1 F0 hàng chục F1, chuỗi bệnh nhân mấy chục người, nhưng "dịch nay nổ như đom đóm, TP.HCM 21.000 bệnh nhân, nhưng F1 cả khu cách ly và tại nhà 42.000, tức là vẫn còn nhiều F1 ngoài cộng đồng, khả năng lan rộng trong các địa phương lân cận và lan xa từ miền Nam đến miền Trung".

Điểm đáng chú ý, theo ông Sơn, về điều trị vẫn đang trong kiểm soát, nhưng một số tỉnh thành tỉ lệ F0 đang theo dõi và có triệu chứng trở nặng tăng lên, đặc biệt TP.HCM, Đồng Tháp...; tỉ lệ bệnh nhân đòi hỏi hỗ trợ thở máy, thở oxy, ECMO tăng, một số địa phương vượt quá khả năng ngành y tế.

Về tiêm chủng, ông Sơn cho rằng ở TP.HCM thời gian đầu chệch choạc, nhưng TP.HCM đã rút kinh nghiệm, tới đây chiến dịch tiêm chủng tiếp hơn 800.000 liều, thay đổi khám sàng lọc trước tiêm chủng, sàng lọc những phản ứng bất lợi sau tiêm như viêm cơ tim...

Ông Sơn cũng cho biết đã yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM nghiên cứu, qua đó cho thấy 95% ca bệnh dương tính trong tuần đầu tiếp cận với nguồn bệnh, 4% trong 10 ngày, sau 10 ngày chỉ còn 1%, từ đó sẽ có hướng để giảm thời gian cách ly, giảm 1 ngày trong cách ly sẽ giảm rất nhiều vật chất, sức người sức của, chi phí, bên cạnh đó cũng giãn bớt và rút ngắn thời gian cách ly F1.

Tiền Giang thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong Tiền Giang thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong

TTO - Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang cho biết vừa có thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Bệnh viện dã chiến số 2, nâng số ca tử vong ở tỉnh này lên 8 người.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên